Hơn 95% người dân Crimea chọn về với Nga

06:59, 17/03/2014
|

(VnMedia) - Hơn 95% cử tri của nước cộng hòa tự trị Crimea đã bỏ phiếu lựa chọn sáp nhập vào Nga và tách khỏi Ukraine . Đây là kết quả sơ bộ của cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày hôm qua, (16/3) sau khi hơn một nửa số phiếu được kiểm, người đứng đầu ủy ban phụ trách cuộc trưng cầu dân ý của Crimea cho biết.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Theo ông Mikhail Malyshev, chỉ có 3% người dân Crimea ủng hộ khôi phục lại Hiến pháp năm 1992 của Crimea, theo đó bán đảo này vẫn nằm trong Ukraine nhưng được hưởng chế độ tự trị lớn hơn. 1% bỏ phiếu trắng.

 

Kết quả sơ bộ trên khiến người ta phải kinh ngạc, dù trước đó mọi dự đoán đều khẳng định số người lựa chọn sáp nhập vào Nga sẽ ở mức áp đảo. Tuy nhiên, con số mà người ta dự đoán chỉ ở khoảng 70 đến 80%. Crimea là nơi có 58% người gốc Nga sinh sống. Số người dân này chắc chắn sẽ lựa chọn sáp nhập về Nga. 20% người Crimea có nguồn gốc Ukraine nhưng nhiều trong số này lại có mối quan hệ sâu sắc, gắn bó với Nga. Khoảng 14% là người gốc Tatar và đây là số người dân được cho là sẽ không ủng hộ việc ly khai khỏi Ukraine .

 

Các cử tri đi bỏ phiếu ngày hôm qua được lựa chọn giữa hai phương án được in sẵn trên tờ lá phiếu bằng 3 thứ tiếng Nga , Ukraine và Tatar. Phương án thứ nhất là tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Phương án thứ hai là Crimea vẫn là một phần của Ukraine với chế độ tự trị được mở rộng hơn.

 

Người đứng đầu Ủy ban Trưng cầu dân ý Malyshev cho biết, hơn 81% cử tri trong tổng số 1,5 triệu người có đủ điều kiện tham gia cuộc trưng cầu dân ý đã đi bỏ phiếu để quyết định tương lai của họ. Cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm qua ở bán đảo tự trị Crimea là tâm điểm của một cuộc “đua” địa chính trị nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

 

Giới cầm quyền lâm thời mới ở Kiev và các nhà lãnh đạo phương Tây ra sức lên án cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là bất hợp pháp, là vi hiến. Đáp lại, Moscow khẳng định, người dân Crimea với đa số là người gốc Nga nên được quyền lựa chọn số phận riêng của họ và Nga tôn trọng điều đó.

 

Giới lãnh đạo phương Tây đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt về kinh tế và cấm cấp visa cho các quan chức Nga bị họ cáo buộc là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Ukraine, nếu Crimea chính thức tách ra khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga.

 

Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine nổ ra hồi tháng 11 năm ngoái sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych tuyên bố hủy bỏ việc ký kết thỏa thuận hợp tác với Liên minh Châu Âu (EU), để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Làn sóng biểu tình phản đối quyết định này đã bùng lên và kéo dài nhiều tháng trước khi leo thang thành bạo lực đẫm máu vào hồi tháng 2 mới đây. Phe đối lập sau đó đã tiến vào thủ đô, lật đổ Tổng thống Yanukovych và lên nắm quyền.

 

Crimea cùng với một loạt khu vực khác ở Ukraine từ chối không công nhận bộ máy lãnh đạo lâm thời mới ở Kiev, bởi theo họ, bộ máy này đã tiếm quyền bằng một cuộc đảo chính.

 

Cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea diễn ra suôn sẻ

 

Cảm thấy bị đe dọa bởi chính quyền lâm thời mới ở Kiev , Crimea đã quyết định tiến hành cuộc trưng cầu dân ý để tìm cách quay về với Nga. Cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea đã thu hút mọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Phương Tây và Mỹ liên tục cáo buộc Nga “xâm lược” Crimea, đe dọa và gây sức ép để người dân Crimea chọn phải theo Moscow . Tuy nhiên, trong cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm qua, các quan sát viên quốc tế chẳng tìm thấy điều gì để chứng minh cho cáo buộc trên.

 

Các điểm bỏ phiếu trên khắp bán đảo Crimea đều chứng kiến rất đông người dân đến bỏ phiếu và hầu hết các quan sát viên quốc tế đều không phát hiện bất kỳ sự vi phạm nào trong tiến trình cũng như thủ tục bỏ phiếu trong ngày hôm qua.

 

Có 135 quan sát viên đến từ 23 quốc gia và 1.240 người địa phương tham gia giám sát cuộc trưng cầu dân ý. Cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi này cũng thu hút khoảng 2.500 phóng viên đến từ khắp nơi trên thế giới.

 

Trước sự giám sát của rất nhiều giám sát viên quốc tế cũng như phóng viên quốc tế, cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm qua ở Crimea đã diễn ra suôn sẻ mà không xảy ra sự cố hay vấn đề lớn nào.

 

Đến khoảng 4h chiều theo giờ địa phương, đã có 70% cử tri hợp pháp đến bỏ phiếu. Các điểm bỏ phiếu được mở cửa đến 8h tối.

 

“Hiện tại, mọi thứ mà chúng tôi chứng kiến đều không có sự vi phạm hay khiêu khích. Chẳng có gì khiến người ta có thể nói rằng cuộc trưng cầu dân ý đó là vô giá trị”, ông Ivan Abazher - một giám sát viên quốc tế đến từ Bulgaria cho biết.

 

Trong khi đó, người đứng đầu phái đoàn giám sát của Quốc hội Nga - ông Leonid Slutsky cho hay: “Cuộc bỏ phiếu diễn ra một cách chuyên nghiệp, có hệ thống và không có sự vị phạm nghiêm trọng nào".

 

Ông Berto Fabrizio - một nghị sĩ Italia đến từ Quốc hội Châu Âu, nhân xét, ông cũng không chứng kiến bất kỳ vụ việc nào cho thấy các cử tri đang phải chịu sức ép.

 

"Tôi chưa chứng kiến bất kỳ một sự vi phạm nào trong cuộc trưng cầu dân ý. Tôi cũng không chứng kiến bất kỳ điều gì giống như là áp lực. Mọi người ở đây muốn nói lên tiếng nói của họ””, ông Ewald Stadler - một quan sát viên quốc tế cũng là một thành viên khác của Quốc hội Châu Âu cho hay.

 

"Chúng tôi cũng chứng kiến tỉ lệ cử tri ở những khu vực người Tatar sinh sống đi bỏ phiếu rất cao. Đó là một thực tế quan trọng chứng tỏ các đại diện của người thiểu số Tatar cũng đang tích cực tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý”, một giám sát viên quốc tế và cũng là một nghị sĩ đến từ Ba Lan - ông Mateus Piskorski cho Itar-Tass biết.

 

Trước cuộc trưng cầu dân ý, đã có một số lời kêu gọi từ giới lãnh đạo người Tatar đòi tẩy chay sự kiện này.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc