Khám phá lịch sử "ba chìm bảy nổi" của Crimea

18:06, 16/03/2014
|

(VnMedia) - Nước cộng hòa tự trị Crimea của Ukraine, nơi sinh sống của chủ yếu là người dân tộc Nga (60%) hiện đang là trung tâm của cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, lịch sử hình thành của bán đảo xinh đẹp này không phải ai cũng biết.
 
Nước cộng hòa tự trị Crimea là một bán đảo có phong cảnh tuyệt đẹp nằm ở một vùng đất nhô ra từ phía nam phần lục địa của Ukraine và nằm giữa Biển Đen và biển Azov, ngăn cách với Nga ở phía đông bằng eo biển hẹp Kerch. Lịch sử Crimea gắn liền với lịch sử của những cuộc chiến khốc liệt để tranh giành vị trí chiến lược - một cửa ngõ ra biển Đen.

Ảnh minh họa
Crimea còn là một bán đảo du lịch tuyệt đẹp với nhiều danh thắng nổi tiếng

Crimea từng có hàng thế kỷ sống dưới chế độ thuộc địa và bị các đế chế cũng như bộ tộc du mục xâm chiếm. Các sắc dân như Kimmeri, Hy Lạp, Scythia, Goth, Hung, Bulgar, Khazar, quốc gia Rus Kiev, Đế quốc Đông La Mã của người Hy Lạp, Kim Trướng hãn quốc của người Tatar và người Mông Cổ đều từng có thời gian kiểm soát Crimea. Vào thế kỷ 13, Cộng hòa Venezia và Cộng hòa Genova kiểm soát một phần Crimea. Nối tiếp là Hãn quốc Krym và Đế quốc Ottoman vào thế kỷ 15-18.

Sau một thời gian dài Crimea thuộc đế quốc Ottoman, chiến thắng trong cuộc chiến tranh Nga - Thổ (1768-1774), Nga đã giành được quyền kiểm soát bán đảo này.
 
Năm 1853, với sự ủng hộ của Anh và Pháp, đế quốc Ottoman đã mở cuộc tấn công Crimea. Tuy Ottoman giành nhiều thắng lợi trong cuộc chiến làm khoảng 750.000 người chết này, nhưng Crimea vẫn thuộc về Nga. Và Crimea đã trở thành một phần lãnh thổ của Nga trong suốt hơn 200 năm.
 
Năm 1921, Cộng hoà xã hội chủ nghĩa tự trị Crimea trong thành phần Liên bang Nga được thành lập.

Crimea là món quà "mang tính biểu tượng" Nga tặng cho Ukriane

Năm 1954, Crimea được chuyển giao cho Ukraine như một món quà của Tổng Bí thư Khrushov thời đó. Việc chuyển giao này được miêu tả là một "cử chỉ mang tính biểu tượng" để kỷ niệm 300 năm hiệp ước Pereiaslav. Hiệp ước nói trên khẳng định sự “trung thành” của Ukraine với Nga.
 
Từ 1954 - 1991, Crimea là một tỉnh của Ukraine, còn thành phố Sevastopol nằm ở phía Nam bán đảo này vẫn là thành phố trực thuộc Trung ương trong thành phần Liên bang Nga.
 
Năm 1991, tỉnh Crimea được nhận lại quy chế Cộng hoà tự trị trong thành phần Ukraine sau cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên ở Liên Xô khi đó, với 93% trong số gần 1,8 triệu người dân Crimea bỏ phiếu tán thành.
 
Ngày 2/8/1992, cuộc trưng cầu ý dân thứ 2 được tiến hành về quyền tự chủ với quy chế  cộng hòa tự trị tổng thống. Năm 1994, Nga đã ký một hiệp định song phương với Ukraine về việc bảo đảm quyền tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine để đổi lại việc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân.
 
Theo đó, Crimea trở thành một nước cộng hòa nghị viện tự trị trong Ukraine, nằm dưới sự chi phối của Hiến pháp Crimea và phù hợp với các điều luật của Ukraine. Thủ đô và nơi đặt trụ sở của chính phủ nước cộng hòa là thành phố Simferopol, nằm ở trung tâm của bán đảo. Crimea có diện tích 26.200 km², không bao gồm diện tích và dân số của thành phố Sevastopol cũng nằm trên bán đảo song tách biệt về hành chính.
 
Đến năm 2006, dưới thời Tổng thống Yanukovich, Crimea đã tổ chức thành công cuộc trưng cầu dân ý về quy chế tiếng Nga trên lãnh thổ Crimea. Cũng trong năm 2006, 98% người dân Crimea đã bỏ phiếu phản đối việc Ukraine gia nhập NATO, nhưng kết quả này đã không được công nhận.

Sau khi Tổng thống Yanukovich bị phế truất hồi tháng 2 năm nay, chính phủ lâm thời của Kiev đã hủy bỏ luật ngôn ngữ, cấm sử dụng tiếng Nga trên lãnh thổ Crimea và có những hành động bài xích đối với những người nói tiếng Nga. Để phản đối hành động này của Kiev, quốc hội Crimea đã tuyên bố độc lập và tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Liên bang Nga như một chủ thế độc lập. Quyết định này được sự ủng hộ của đại đa số người dân Crimea với nguyện vọng được “Trở về với đất mẹ”.
 
Theo điều tra dân số quốc gia được thực hiện vào năm 2001, phần lớn cư dân đang sinh sống ở Crimea hiện nay là người Nga, chiếm khoảng hơn 58% tổng số dân cư,. Tại thủ phủ Simferofol, khoảng 70% dân số là người Nga. Do đó, hầu hết dân cư trên bán đảo đều sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính của họ.  Ngoài ra, Crimea còn có khoảng 24% người Ukraine và 12% thuộc nhóm Hồi giáo Tatars. Đầu thế kỷ 20, người Nga và người Tatars đều là những nhóm sắc tộc chiếm ưu thế ở Crimea, sau đó đến người Ukraine, người Do Thái và những nhóm thiểu số khác.
 
Được biết, người Tatar, gốc Thổ - Mông Cổ và theo đạo Hồi có mặt tại bán đảo này từ thế kỷ 18. Trong thập niên 1940, phần lớn cộng đồng dân tộc này ở Crimea bị đưa sang Siberia và một số vùng ở Trung Á vì bị cáo buộc ủng hộ phát xít Đức. Đến năm 1991, người Tatar mới được trở về Crimea. Chính vì lý do nói trên mà cộng đồng Tatar là thiểu số ở bán đảo này phản đối Ukraine thắt chặt quan hệ với Nga.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine được châm ngòi từ sự kiện chính phủ của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm ngoái bất ngờ hủy bỏ việc ký kết các thoả thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với Liên minh Châu Âu (EU) chỉ vài ngày trước khi sự kiện này chính thức diễn ra. Thay vào đó, Kiev chọn con đường thiết lập quan hệ gắn bó hơn với Moscow.

Người ta tin rằng, những diễn biến ở Ukraine trong thời gian vừa qua được xem là “cuộc đấu” giữa Nga với Mỹ và Châu Âu nhằm tranh giành quốc gia Đông Âu. Các khu vực phía tây của đất nước Ukraine muốn có mối quan hệ gắn bó, thân thiết với EU. Trong khi đó, khu vực phía đông Ukraine – chiếm phần lớn sản lượng kinh tế của đất nước, lại thiên về hướng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc