3 năm nội chiến và sự vô trách nhiệm của phương Tây

21:26, 16/03/2014
|

(VnMedia) - Cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria đã chính thức bước sang năm thứ 4 trong ngày hôm qua (15/3) mà không hề có bất kỳ giải pháp hòa bình nào trước mắt. Điều đáng buồn là cuộc chiến này được cho là sẽ còn kéo dài dai dẳng.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Những tiếng súng điên cuồng không dứt ở quốc gia Trung Đông cùng với cuộc khủng hoảng đang sôi lên sùng sục ở Ukraine là lời nhắc nhở nghiêm khắc đối với phương Tây về thói quen nguy hiểm và vô trách nhiệm của họ trong việc châm ngòi cho những ngọn lửa mà họ không thể dập tắt.

 

3 năm nội chiến thảm khốc

 

3 năm đã trôi qua kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Syria bắt đầu bùng lên hồi giữa tháng 3 năm 2011. Hàng chục nghìn người đã bị giết hại và hàng triệu triệu người rơi vào cảnh tan cửa nát nhà. Nền kinh tế của đất nước bị tàn phá nặng nề với cấu trúc xã hội và cơ sở hạ tầng đều có chung số phận.

 

Cuộc khủng hoảng ban đầu được châm ngòi từ những cuộc biểu tình hòa bình chống chính phủ. Nhưng rất nhanh sau đó, nó leo thang thành các cuộc xung đột vũ trang với sự tham gia của các phong trào hồi giáo cực đoan, gây ảnh hưởng tiêu cực đến gần như mọi mặt của đời sống người dân Syria .

 

Trong một bản báo cáo đánh dấu 3 năm ngày diễn ra cuộc khủng hoảng ở Syria, Tổ chức Chữ Thập đỏ Quốc tế (ICRC) cho biết, "tình hình ở Syria đã biến thành một thảm họa nhân đạo ở cấp độ kinh khủng". Cụ thể, hơn 9 triệu người đang cần sự giúp đỡ khẩn cấp, trong đó có 6,5 triệu người sống không nhà không cửa ngay chính ở đất nước của họ. Nửa trong số này là trẻ em đang phải vật lộn với sự sống giữa khói bom, đạn lửa. 2,4 triệu người đã chạy khỏi Syria từ tháng 1 năm 2012. Những người này đang xin sống tị nạn ở Li-băng, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Ai Cập. Hàng ngàn gia đình khác rời bỏ đất nước đến những nơi xa hơn nữa.

 

"Hiện nay, tình hình nhân đạo ở Syria tiếp tục xấu đi nhanh chóng ở nhiều khu vực của đất nước”, bản báo cáo của ICRC cho biết thêm.

 

Theo thống kê mới nhất của Liên Hợp Quốc, số người thiệt mạng trong cuộc nội chiến ở Syria đã lên tới con số gây choáng váng là 100.000 người.

 

Trong khi đó, một bản báo cáo được báo chí địa phương công bố hồi tháng 12 năm ngoái cho biết, khoảng 2 triệu đơn vị nhà ở của Syria bị phá hủy hoàn toàn hoặc một phần trong cuộc khủng hoảng. Chi phí tái thiết lại ước tính phải mất ít nhất 100 tỉ USD. Một nghiên cứu khác cho rằng, số tiền tái thiết phải là từ 100 đến 200 tỉ USD với số công nhân cần thiết là 6 triệu người.

 

Cuộc nội chiến ở Syria cũng đã để lại những tổn thất kinh tế vô cùng to lớn với tỉ lệ thất nghiệp cao chưa từng có và người ta không mấy hy vọng về việc nền kinh tế bị tàn phá thảm hại này có thể sớm khôi phục được.

 

Cuộc khủng hoảng Syria đã làm cho nền kinh tế vốn trì trệ của nước này kiệt sức, khiến đồng tiền trong nước mất giá thảm hại, tăng tỉ lệ đói nghèo và khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bị phá sản.

 

Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc tính toán rằng, tổn thất kinh tế gây ra từ cuộc nội chiến ở Syria lên tới con số 103 tỉ USD trong quý II của năm ngoái, tăng từ 84 tỉ USD trong quý đầu tiên của năm này. Trung bình, mỗi ngày, nền kinh tế Syria mất khoảng 200 triệu .

 

Trong lúc này, trên chiến trường, cuộc chiến giữa quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad với phe nổi dậy Syria vẫn ở thế giằng co qua lại, không bên nào có đủ sức mạnh để có thể giành chiến thắng cuối cùng, chấm dứt cuộc chiến kéo dài dai dẳng suốt 3 năm qua.

 

Sự vô trách nhiệm của phương Tây

 

Cuộc khủng hoảng ở Syria được châm ngòi từ cách đây 3 năm từ làn sóng của cái gọi là Cách mạng Mùa Xuân Ả-rập sau những bất ổn, rối loạn về xã hội lan rộng khắp khu vực. Diễn biến này hoàn toàn không có gì lạ. Tuy nhiên, do sự can thiệp một cách thiên vị, có thành kiến của phương Tây mà cuộc khủng hoảng đó đã leo thang thành một cuộc chiến không thể kiểm soát. Phương Tây đã nhắm mắt làm ngơ hoặc là quá ngạo mạn để thừa nhận thực tế ở quốc gia Ả-rập rộng lớn này.

 

3 năm đã trôi qua, ngọn lửa chiến tranh đã thiêu rụi nơi từng là một đất nước xinh đẹp và an toàn, trở thành một ác mộng về nhân đạo.

 

Những khẩu hiệu cao ngạo về dân chủ, nhân quyền mà phương Tây thường xuyên đi rao giảng khi đưa bàn tay can thiệp vào các nước vẫn vang lên trong tai mọi người nhưng giờ đây, đó chỉ là những lời nói trống rỗng, vô nghĩa.

 

Các giá trị cao quý luôn được phương Tây lôi ra như là cái cớ để can thiệp vào các nước khác và chính những người dân Syria cũng như quê hương yêu quý của họ phải trả cái giá cực đắt cho điều đó.

 

Không may là, thảm kịch ở Syria đang tái diễn ở Ukraine . Thảm kịch này xuất phát từ sự bảo thủ và thiếu thực tế của phương Tây khi luôn cho rằng, hệ thống của họ là thứ duy nhất đúng đắn và từ chối thừa nhận những điều kiện thực tại phù hợp với từng nước cũng như sự phong phú của nền văn minh con người.

 

Trong khi Crimea đang bỏ phiếu lựa chọn việc có ly khai khỏi Ukraine hay không thì cách tiếp cận thiển cận, hẹp hòi, luôn coi mình là trung tâm của phương Tây lại một lần nữa đẩy Ukraine đến bờ vực của sự tan rã.

 

Điều đó nên được dừng lại ngay. Quá nhiều máu đã đổ và quá nhiều mạng sống đã bị hy sinh vì phương Tây trong khi họ vẫn xa rời thực tế và luôn bám vào ảo tưởng.

 

Phương Tây đầu tiên nên từ bỏ nếp nghĩ một chiều, thiên vị và nên chân thành tham gia cùng cộng đồng quốc tế để chấm dứt tất cả các cuộc bạo lực. Họ nên lắng nghe tiếng nói của tất cả các bên và giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán để thúc đẩy các tiến trình chính trị và cuối cùng là giải pháp hòa bình. Chỉ có đi theo hướng đó, phương Tây mới có thể giải quyết hiệu quả các cuộc khủng hoảng. Trong tình cảnh khốn khổ mà người dân Syria Ukraine đang phải chịu hiện nay, đã đến lúc phương Tây phải làm điều đó.


Vân Linh - (theo THX)

Ý kiến bạn đọc