Vụ máy bay Malaysia: Bí ẩn chính thức được hé lộ

11:40, 16/03/2014
|

(VnMedia) - Thủ tướng Malaysia – Datuk Seri Najib Tun Razak hôm qua (15/3) đã chính thức tuyên bố, vụ máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không quốc gia Malaysia Airline bị mất tích không phải là “tai nạn” mà là "hành động có chủ ý".
 
Và đối tượng tình nghi cho “hành động có chủ ý” này có thể là các thành viên phi hành đoàn hoặc những hành khách có kinh nghiệm điều khiển máy bay có mặt trên chuyến bay khi đó.
 
Trước đó, truyền thông Mỹ đã trích dẫn các nguồn tin quân sự cho biết, hệ thống kết nối liên lạc của máy bay đã bị tắt đi một cách có hệ thống. Các chuyên gia cho rằng, hành động này có thể được một người nào đó được đào tạo rất kỹ lưỡng thực hiện.

Ảnh minh họa
Cơ trưởng của chuyến bay MH370

Trong tuyên bố của mình, Thủ tướng Najib cho biết, các nhà chức trách nước này đang tập trung rà soát lại hồ sơ và nhân thân của toàn bộ 239 thành viên phi hành đoàn và hành khách của chuyến bay, trong đó có Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shad, một phi công đã 53 tuổi.
 
Theo ông Razak, hệ thống liên lạc trên chuyến bay đã bị vô hiệu hóa ngay trước khi nó bay tới bờ biển phía đông Malaysia sau khi cất cánh vào lúc 0h41 sáng ngày 8/3 từ Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur.  Theo đó, hệ thống liên lạc đã bị tắt đi khi MH370 tiếp cận khu vực tiếp danh trên biển giữa Việt Nam và Malaysia, trạm kiểm soát không lưu dân sự chính thức bị mất tín hiệu của máy bay lúc 1h30 sáng cùng ngày.
 
Máy bay sau đó quay trở lại Malaysia, rồi đi theo một trong hai hành lang. Hành lang nam có thể dẫn nó đến Ấn Độ dương, hành lang bắc có thể dẫn tới tận phía Kazakhstan. Malaysia đã ngừng tìm kiếm ở Biển Đông.
 
Trước đó, có thông tin cho rằng, sau khi biến mất khỏi radar dân sự của Malaysia lúc 1h30 ngày 8/3, máy bay số hiệu MH370 còn gửi cho hệ thống các vệ tinh 5 đến 6 lần nữa bằng tín hiệu "ping" yếu ớt. Tiếng “ping” không hoàn toàn gửi đi dữ liệu từ máy bay, nó chỉ cho biết thông tin về tốc độ và độ cao của máy bay. Tín hiệu cuối cùng được gửi đi ở trên không, ở tốc độ được cho là thông thường.
 
Chưa rõ vì sao những tiếng “ping” lại bị ngừng đột ngột nhưng giới chức trách cho biết, có khả năng ai đó trên máy bay đã ngắt gửi tín hiệu.
 
Các nhà chức trách không hé lộ đường đi cụ thể của máy bay khi lần theo tiếng "ping", nhưng hoạt động tìm kiếm hiện nay tập trung ở khu vực hoàn toàn ngược chiều với đường bay gốc của MH370, tức là trên khu vực Ấn Độ Dương  với bán kính 1.000 dặm hoặc hơn nữa tính từ nơi máy bay khởi hành.
 
Các tín hiệu "ping" nói trên, thực chất là việc kết nối giao tiếp với các vệ tinh Inmarsat, xuất hiện trong nhiều giờ sau khi máy bay rời màn hình radar, cho thấy rằng trong suốt khoảng thời gian đó chiếc Boeing với 239 người trên khoang vẫn an toàn, không bị gây hại bởi một vụ đâm hay nổ.
 
Tuy nhiên, Malaysia Airlines nói họ không nhận được các tín hiệu đó. Theo hãng sản xuất máy bay Boeing, hãng hàng không Malaysia Airlines không mua gói dịch vụ theo dõi máy bay qua vệ tinh.
 
Những thông tin trên cho thấy rằng những giả thuyết trước đó được đưa ra là chính phi công bắt cóc máy bay hoặc một người nào đó có kinh nghiệm bay đã thực hiện vụ không tặc này không phải là không có căn cứ .Ngoài ra, không loại trừ khả năng vụ máy bay mất tích là do cướp biển gây ra hoặc do phi công thực hiện một cuộc tự sát.
 
Nếu máy bay thực sự bị bắt cóc thì người ta có quyền hy vọng về khả năng sống sót của những người đi trên máy bay. Thông tin này đem lại hy vọng cho gia đình của các hành khách đi trên máy bay. Trước đó, một số người thân của các hành khách cũng từng tuyệt vọng bày tỏ hy vọng chiếc máy bay Boeing 777 bị bắt cóc bởi theo họ, như thế thì người nhà của họ mới có cơ hội sống sót.

Tuy nhiên, cho tới nay tất cả mới chỉ là giả thiết, động cơ và mục đích chính xác của "hành động có chủ ý" này chưa được xác định. Sự biến mất của máy bay Boeing 777 - một trong những máy bay phản lực thương mại an toàn nhất trên thế giới – đã trở thành một trong những bí ẩn khó hiểu nhất trong lịch sử hàng không thế giới.

Khám nhà cơ trưởng điều khiển chuyến bay MH370
 
Ngay sau khi kết luận việc chuyến bay MH370 bị không tặc được đưa ra với giả thiết cho rằng các thành viên phi hành đoàn hoặc hành khách có kinh nghiệm bay cao là đối tượng tình nghi đã chủ ý làm máy bay mất tích, các nhà điều tra của Malaysia đã tiến hành khám nhà của Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah , người trực tiếp điều khiển chuyến bay “định mệnh”.
 
Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, gia nhập hãng hàng không Malaysia năm 1981 và trở thành cơ trưởng vào đầu những năm 1990. Ông được Cục Hàng không Dân sự Malaysia (DCA) cấp chứng nhận là một thẩm tra viên, cho phép ông chấm điểm các phi công.
 
Zaharie đã có kinh nghiệm 18.365 giờ bay, được coi là một người yêu nghề  và có trách nhiệm.
 
Zaharie được bạn bè mô tả là bậc thầy về kỹ thuật và có kinh nghiệm 18.365 giờ bay. Ông Zaharie là một người đam mê máy bay điều khiển từ xa và ông tự làm ra nhiều mô hình mô phỏng hệ thống bay để khi rảnh ông có thể “bay” tại nhà.  Được biết, trong căn hộ hai tầng ở vùng ngoại ô giàu có của Kuala Lumpur, ông còn dựng một mô hình mô phỏng Boeing 777.
 
Zaharie còn có cả một kênh Youtube riêng, trong đó ông đăng tải những video clip giải thích cách sửa chữa các vật dụng trong nhà một cách rất sinh động.
 
Truyền thông Malaysia dẫn lời các đồng nghiệp gọi ông Zaharie là một “phi công xuất sắc”, là giám thị thuộc Cục Hàng không dân dụng Malaysia, chịu trách nhiệm tiến hành các cuộc thi lái máy bay giả lập cho các phi công.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc