Vì sao Crimea khát khao về với Nga?

11:37, 16/03/2014
|

(VnMedia) - Chính quyền lâm thời ở Kiev dù có phản đối gay gắt việc Crimea tìm cách sáp nhập vào Nga thì cũng phải thừa nhận một thực tế cay đắng là hầu hết người dân Crimea thực sự không muốn ở lại với họ. Vì sao Crimea lại khát khao trở về Nga đến vậy?
 

Ảnh minh họa

Người dân Crimea vui vẻ, hồ hởi đón chào binh lính Nga.


Để hiểu rõ hơn về lý do vì sao người dân Crimea lại gắn bó với Nga đến vậy, người ta không thể không đề cập đến yếu tố nguồn gốc, lịch sử và văn hóa.
 
Crimea là một nước cộng hòa tự trị ở miền nam của Ukraine, nằm trên một bán đảo cùng tên ở phía bắc Biển Đen. Crimea ban đầu vốn là một phần của Liên Xô. Ngày 19/2/1954, Nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã quyết định “tặng” cho quê hương Ukraine của ông này bán đảo Crimea xinh đẹp để kỷ niệm 300 năm hiệp ước Pereiaslav. Hiệp ước này khẳng định sự “trung thành” của Ukraine với Nga. Chỉ sau biến động lịch sử vào đầu thập niên 1990, những hệ quả của vụ “chuyển nhượng” nói trên mới lộ diện. Ukraine độc lập nên đương nhiên Crimea thuộc sự quản lý của Kiev mặc dù về lịch sử không có nhiều điểm chung.
 
Vì bản chất vốn là một phần đất của Nga nên không có gì lạ là có tới gần 60% dân số ở Crimea là người gốc Nga. Gần 20% người Ukraine sống ở Crimea nhưng phần lớn họ lại là người có quan hệ gắn bó sâu sắc và mật thiết với văn hóa, truyền thống Nga. Chỉ có 14% là người gốc Tatar Crimea. Tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức ở nước cộng hòa tự trị Crimea.
 
Rõ ràng, cả về tính chất lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ, Crimea đều mang đậm dấu ấn, bản sắc của Nga. Vì lẽ đó, người dân Crimea hầu hết đều coi họ là người Nga, là công dân Nga. Việc khu vực này nằm trong Ukraine được tin chỉ là mang tính hình thức.
 
Mọi việc đáng ra sẽ không có gì thay đổi nếu không xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine. Cuộc khủng hoảng này đã đánh thức nguồn gốc, tâm lý người Nga trong nhiều người dân ở Crimea.
 
Chính vì thế, ngoài nguyên nhân về yếu tố lịch sử, văn hóa, nguyên nhân lớn nhất khiến người Crimea khao khát đòi trở về Nga là do họ cảm thấy không yên tâm, cảm thấy bị đe dọa và cảm thấy bị ảnh hưởng lợi ích khi chính phủ lâm thời mới lên cầm quyền ở Kiev.
 
Trong những ngày qua, người ta chứng kiến không ít những cuộc biểu tình của người dân Crimea đòi ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga. Ở những cuộc biểu tình này, người ta giơ cao các khẩu hiệu như: “Trở về mái nhà Nga”, “Sửa chữa sai lầm của Khrushchev”, “Chúng tôi yêu nước Nga” hay “Chúng tôi là một phần của nước Nga”.
 
Các cuộc biểu tình rầm rộ trên bắt đầu bùng lên mạnh mẽ kể từ sau khi phe đối lập Ukraine tiến vào chiếm thủ đô, lật đổ Tổng thống Yanukovych và lên nắm quyền. Sai lầm lớn nhất của chính phủ lâm thời mới ở Kiev là vừa lên cầm quyền, họ đã nhanh chóng có những phát biểu mang đầy tính chủ nghĩa dân tộc đồng thời đưa ra những chính sách, quyết định thể hiện sự phân biệt đối xử với người gốc Nga. Điển hình nhất là việc chính quyền này tuyên bố sẽ cấm sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính thức ở Ukraine.
 
"Họ đã mắc một sai lầm lớn khi họ đứng trên quảng trường Maidan và nói họ muốn cấm ngôn ngữ Nga ở Ukraine.... Chúng tôi không muốn trở thành những công dân hạng hai”, một thủy thủ ở Crimea giận dữ cho biết.
 
Tiếng Nga vốn là ngôn ngữ chính thức của người dân ở Crimea. Tiếng Nga không chỉ được dùng trong các văn bản chính thức mà còn là ngôn ngữ giao tiếp duy nhất của phần lớn người dân ở Crimea. Việc cấm ngôn ngữ Nga rõ ràng đã làm khó người dân ở Crimea và khiến họ cảm thấy bị xúc phạm. Trong các cuộc biểu tình diễn ra thời gian qua ở Crimea, nhiều người dân nơi đây đã tuyên bố, họ không còn muốn ở lại Ukraine bởi họ không muốn trở thành công dân hạng hai ở nơi đây.
 
Chính cách phân biệt đối xử của chính quyền lâm thời mới ở Kiev đã đánh thức nhiều người dân Crimea về nguồn gốc Nga của họ.
 
Người dân Crimea cũng có lý do để lo ngại cho sự an toàn của họ khi mà chính phủ lâm thời mới ở Kiev được cho là có nhiều thành phần theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và bài Nga mạnh mẽ. Liên tiếp trong thời gian qua đã có không biết bao nhiêu các cuộc đụng độ đổ máu nổ ra giữa những lực lượng phương Tây, ủng hộ Kiev với những người ủng hộ Nga ở Ukraine.
 
Đương nhiên, trong bối cảnh như vậy, những người gốc Nga buộc phải co cụm lại và tự bảo vệ mình. Họ cũng nhanh chóng lên tiếng cầu cứu sự giúp đỡ của Tổng thống Nga Vladimir Putin để bảo vệ hòa bình và sự ổn định cho nơi họ sinh sống.
 
Song song với đó, người dân Crimea đang tích cực đẩy mạnh các bước đi nhằm ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Đây chính là nguyện vọng của đa số người dân ở Crimea. Nguyện vọng đó đang trở nên mạnh mẽ hơn lúc nào hết. Một người dân ở Crimea từng tuyên bố, việc Nga đem quân vào bán đảo của họ là một “sự giải phóng”.
 
Một người dân khác ở Crimea thì thẳng thừng tuyên bố: “Chúng tôi không muốn sống dưới những điều kiện hiện nay. Chúng tôi chán ốm với những phát biểu của lực lượng phát xít và phát xít mới”, ám chỉ đến các thành phần chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Ukraine. Một thợ điện ở Crimea khẳng định chắc nịch rằng: “Tôi muốn đây sẽ là mảnh đất của Nga và nó sẽ như vậy”.
 
Không ít người dân Crimea cho biết, họ cảm thấy tiếc về quyết định của Nhà lãnh đạo Xô-viết Nikita Khrushchev khi chuyển giao Crimea từ Nga sang cho Ukraine năm 1954.
 
Sẽ là thiếu sót khi không nói đến lý do kinh tế. Người Crimea tin rằng, với việc sáp nhập vào Nga, họ sẽ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Crimea vốn là một bán đảo xinh đẹp với tiềm năng rất lớn cho việc phát triển ngành du lịch. Nếu như Crimea chọn trở thành một phần của nước Nga, có tin, Bộ Tài chính Nga dự kiến chi tới 5 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng ở Crimea để giúp cho bán đảo này trở thành một trung tâm du lịch hấp dẫn.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc