Bất ngờ số người Crimea đi bỏ phiếu

20:31, 16/03/2014
|

(VnMedia) - Một cuộc trưng cầu dân ý vô cùng quan trọng đã chính thức được khởi động ở Crimea để người dân nơi đây đưa ra tiếng nói quyết định về tương lai, vận mệnh của họ. Bất chấp sức ép mạnh mẽ và những lời chỉ trích của phương Tây cũng như từ Kiev, người dân Crimea vẫn đổ xô đi bỏ phiếu với tỉ lệ cao ngoài mong đợi.

 

Ảnh minh họa

Người dân Crimea đi bỏ phiếu quyết định tương lai của họ.


Khoảng 1.200 điểm bỏ phiếu đã được mở cửa trong ngày hôm nay (16/3) và thời gian để các cử tri có thể bỏ lá phiếu của mình kéo dài từ 8 giờ sáng đến 8h tối theo giờ địa phương (tức là từ 1h chiều nay đến 1h sáng mai theo giờ Hà Nội).

 

Có 135 quan sát viên đến từ 23 quốc gia và 1.240 người địa phương tham gia giám sát cuộc trưng cầu dân ý. Cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi này cũng thu hút khoảng 2.500 phóng viên đến từ khắp nơi trên thế giới.

 

Kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm nay sẽ không được thông báo cho đến ngày mai (17/3).

 

Dự kiến có tới 1,5 triệu người tham gia bỏ phiếu. Đây là con số lá phiếu được in ra cho cuộc trưng cầu dân ý lần này.

 

Crimea đã từng tổ chức trưng cầu dân ý hai lần vào năm 1991 và 1994. Cuộc trưng cầu dân ý năm nay sẽ cho phép cử tri Crimea lựa chọn giữa mong muốn sáp nhập vào Nga hay vẫn ở lại Ukraine nhưng có quyền tự trị lớn hơn theo hiến pháp năm 1992 của bán đảo này.

 

Ngay từ đầu, giới chức ở nước cộng hòa tự trị Crimea đã dự đoán tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu sẽ cao, ở mức ít nhất 80% và phần đông trong số này sẽ ủng hộ con đường đưa Crimea sáp nhập trở lại Nga.

 

Tuy nhiên, người ta vẫn bất ngờ khi tỉ lệ cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý cao ngoài mong đợi. Ngay trong buổi sáng, đã có hơn 44% người dân Crimea ( hơn 670.000 người) đi bỏ phiếu, người đứng đầu Ủy ban Trưng cầu Dân ý của Quốc hội Crimea – ông Mikhail Malyshev cho biết.

 

Đến 11h trưa, đã có 1/3 người dân ở Kerch đi bỏ phiếu trong khi ở Sevastopol , con số đó là 50%.

 

"Chúng tôi cũng chứng kiến tỉ lệ cử tri ở những khu vực người Tatar sinh sống đi bỏ phiếu rất cao. Đó là một thực tế quan trọng chứng tỏ các đại diện của người thiểu số Tatar cũng đang tích cực tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý”, một giám sát viên quốc tế và cũng là một nghị sĩ đến từ Ba Lan – ông Mateus Piskorski cho Itar-Tass biết.

 

Trước cuộc trưng cầu dân ý, đã có một số lời kêu gọi từ giới lãnh đạo người Tatar đòi tẩy chay sự kiện này.

 

"Tôi chưa chứng kiến bất kỳ một sự vi phạm nào trong cuộc trưng cầu dân ý. Tôi cũng không chứng kiến bất kỳ điều gì giống như là áp lực. Mọi người ở đây muốn nói lên tiếng nói của họ””, ông Ewald Stadler – một quan sát viên quốc tế cũng là một thành viên của Quốc hội Châu Âu cho hay.

 

Khoảng 10.000 thành viên của quân đội Crimea được thành lập gần đây từ các nhóm tự vệ, và 5.000 sĩ quan cảnh sát đã được huy động để bảo đảm cuộc trưng cầu dân ý diễn ra êm ả trong ngày hôm nay.

 

Theo một cuộc thăm dò của GfK đối với 600 người dân ở Crimea trước thềm cuộc trưng cầu dân ý, 70% trong số này tuyên bố, họ sẽ bỏ phiếu để trở thành một phần của nước Nga trong khi chỉ có 11% cho biết sẽ bỏ phiếu khôi phục hiến pháp năm 1992 của Crimea .

 

Trước đó, hôm 11/3, Quốc hội Crimea đã thông qua tuyên bố độc lập khỏi Ukraine , mở đường cho cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm nay. Trước cuộc trưng cầu dân ý này đã có rất nhiều hành động khiêu khích xảy ra trên bán đảo Crimea cùng với những lời đe dọa từ thủ đô Kiev và sức ép từ giới chính khách phương Tây.

 

Kể từ thời điểm Crimea thông báo ấn định ngày tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, giới cầm quyền lâm thời mới ở Kiev đã tuyên bố rằng, tất cả các hành động của giới chức ở Crimea đều là bất hợp pháp, phớt lờ mọi thông lệ quốc tế về các cuộc trưng cầu dân ý. Trong một nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng, Quốc hội Ukraine ngày hôm qua đã tìm cách ngăn cản cuộc trưng cầu dân ý bằng cách tuyên bố giải tán Quốc hội của nước cộng hòa tự trị Crimea. Tuy vậy, hành động này của Quốc hội Ukraine chẳng khiến người Crimea quan tâm bởi bản thân giới chức Crimea đã nhiều lần tuyên bố, chính họ cũng không thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền lâm thời hiện nay ở Kiev, bởi theo họ, chính quyền này đã lên tiếm quyền bằng cách lật đổ Tổng thống Yanukovych.

 

Ngăn chặn những hành động chống phá cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea

 

Ngay trước thềm cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea , các nhóm tự vệ của bán đảo này đã phải cố gắng hết sức để ngăn chặn những hành động khiêu khích nhằm vào họ.

 

Cụ thể, các lực lượng tự vệ ở Crimea đã ngăn chặn được một nỗ lực nhằm phá hoại một đường ống khí đốt ở Arabat Spit. Những người tìm cách phá hoại đường ống khí đốt này tự xưng là lực lượng biên phòng, Thủ tướng Crimea Sergey Aksyonov cho biết.

 

Ở thủ phủ của Crimea – thành phố Simferopol , một số người mặc giả trang là cảnh sát đã bị bắt giữ vì cố tình làm hỏng hộ chiếu của dân thường hoặc lấy những giấy tờ này đi nhằm khiến cho các công dân không thể đi bỏ phiếu vì thiếu thẻ căn cước. Vụ việc tương tự cũng đã được báo cáo ở thành phố nhỏ Saky ở phía tây Crimea .

 

Những thành phần chủ nghĩa dân tộc đến từ phía tây Ukraine và thủ đô Kiev như thành viên của nhóm Cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã tìm cách xâm nhập vào khu vực tự trị Crimea để tiến hành các cuộc biểu tình chống lại việc bán đảo này đòi độc lập. Thỉnh thoảng, những người này hét lên những khẩu hiệu phát xít trong các cuộc biểu tình của họ và kêu gọi mọi người không đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý.

 

Bất chấp điều đó, những cuộc biểu tình ủng hộ Nga đã diễn ra rầm rộ ở nhiều khu vực phía đông Ukraine và ở Crimea trong vài tuần trở lại đây. Những người biểu tình phản đối chính phủ mới ở Kiev , xông vào các văn phòng của chính quyền địa phương và thay lá cờ Ukraine bằng lá cờ ba màu của Nga. Người dân ở Simferopol, Odessa, Kharkov, Donetsk, Lugansk, Melitopol, Yevpatoria, Kerch và Mariupol đều đổ ra đường hô vang khẩu hiệu ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc