“Chỉ có Nga mới có thể biến Mỹ thành bụi phóng xạ”

09:16, 17/03/2014
|

(VnMedia) - Một phát thanh viên hàng đầu của đài truyền hình quốc gia Nga hôm qua (16/3) đã miêu tả Nga là nước duy nhất có khả năng biến Mỹ thành “tro bụi phóng xạ”. Phát biểu này được đưa ra giữa lúc Nga đang phải hứng chịu cơn mưa những lời chỉ trích, đe dọa và cảnh báo từ Mỹ và phương Tây liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.

 

Ảnh minh họa

Phát thanh viên Dmitry Kiselyov


"Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng thực sự trong việc biến Mỹ thành tro bụi phóng xạ”, phát thanh viên Dmitry Kiselyov phát biểu trên chương trình tin tức hàng tuần của đài truyền hình Rossiya 1.

 

Ông Kiselyov đã đưa ra lời bình luận trên để ủng hộ cho lập luận rằng Mỹ và Tổng thống Barack Obama đang sống trong lo sợ về một nước Nga do Tổng thống Vladimir Putin lãnh đạo trong cuộc khủng hoảng Ukraine .

 

Chương trình bình luận tin tức của phát thành viên Kiselyov được phát đi trong bối cảnh kết quả sơ bộ đầu tiên của cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea bắt đầu được công bố với số người dân Crimea lựa chọn rời bỏ Ukraine, quay về với Nga ở mức gây choáng váng, hơn 95%.

 

Đứng trong trường quay, trước hình ảnh một đám mây hình nấm khổng lồ gây ra sau ra một vụ tấn công hạt nhân, ông Kiselyov đã nhắc đến những từ “biến thành tro bụi phóng xạ”.

 

"Chính người Mỹ cũng thừa nhận Tổng thống Putin là nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn ông Obama. Tại sao ông Obama cứ phải liên tục gọi điện cho Tổng thống Putin và nói chuyện với ông ấy hàng giờ không dứt?”, phát thanh viên của đài truyền hình Nga hỏi.

 

Ông Kiselyov vốn nổi tiếng là một trong những phát thanh viên mạnh mồm hàng đầu của Nga. Tuy nhiên, ông này cũng là một nhà bình luận chính trị đầy ảnh hưởng với bản tin tức hàng tuần được phát sóng vào giờ vàng trong buổi tối ngày Chủ nhật.

 

Năm ngoái, Tổng thống Putin đã bổ nhiệm ông Kiselyov làm người đứng đầu hãng thông tấn Russia Today (Nước Nga Ngày nay).

 

Nga và Mỹ hiện nay đang có cuộc đối đầu gay gắt trong cuộc khủng hoảng Ukraine , khiến người ta nhớ lại thời Chiến tranh Lạnh. Giới phân tích nhận định, mâu thuẫn Đông-Tây chưa bao giờ căng thẳng như hiện nay kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Với lời đe dọa hạt nhân được đưa ra, có vẻ như Chiến tranh Lạnh đang thực sự quay trở lại.

 

Mỹ tiếp tục cảnh báo Nga

 

Sở dĩ người ta nói Chiến tranh Lạnh đang quay trở lại bởi kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên thì người ta liên tiếp chứng kiến những màn khẩu chiến, cảnh báo qua lại giữa Nga và phương Tây. Phương Tây dưới sự dẫn dắt của Mỹ đã không ngừng đe dọa, cảnh báo Nga về việc sẽ bắt nước này trả giá vì những hành động ở Ukraine .

 

Trong cảnh báo mới nhất được đưa ra ngày hôm qua (16/3), Tổng thống Obama tuyên bố sẽ “bắt Nga trả giá thêm” vì cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea .

 

Thất bại trong việc ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, chính quyền của Tổng thống Obama và các đồng minh phương Tây đang dồn những nỗ lực cuối cùng vào việc ngăn chặn không cho Moscow đón nhận bán đảo tự trị Crimea cũng như tăng cường các hoạt động quân sự ở các khu vực khác của Ukraine.

 

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin - lần thứ ba trong 2 tuần trở lại đây, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố, cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea ngày hôm qua “sẽ không bao giờ được Mỹ và cộng đồng quốc tế công nhận” đồng thời cảnh báo rằng “chúng tôi đang chuẩn bị sẵn sàng để bắt Nga phải trả giá thêm cho các hành động của mình”.

 

Trong một tuyên bố trước đó được phát đi khi cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea sắp kết thúc với số người dân chọn trở thành một phần của Nga cao ở mức áp đảo, Nhà Trắng đã miêu tả hành động của Moscow là “nguy hiểm và gây bất ổn”, tuyên bố “sự can thiệp quân sự và sự vi phạm luật quốc tế sẽ khiến Nga phải trả giá ngày càng nhiều”.

 

Theo dự kiến, các quan chức của Liên minh Châu Âu (EU) sẽ có cuộc họp trong ngày hôm nay (17/3) để bàn thảo về các biện pháp trừng phạt Nga, trong đó có lệnh phong tỏa tài sản và lệnh cấm đi lại đối với một số quan chức Nga bị họ cáo buộc có liên quan trực tiếp đến “hành động can thiệp quân sự và tham nhũng” ở Ukraine. Ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố cứng rắn rằng, những biện pháp trừng phạt đó “phải được thực thi”.

 

Tuy nhiên, phương Tây có thể đi bao xa trong việc trừng phạt Nga về cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là điều chưa thể biết được. Trên thực tế, các nước Châu Âu vẫn chần chừ không muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga bởi hơn ai hết họ hiểu rất rõ rằng, những biện pháp trừng phạt đó cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến họ. Ảnh hưởng rõ nét nhất và hiền hiện trước mắt là Nga có thể cắt nguồn cung cấp nguồn khí đốt cho Châu Âu. Các nước Châu Âu đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn khí đốt này. Chưa kể là mối quan hệ thương mại giữa Nga với Châu Âu cũng rất lớn, gấp 10 lần giá trị thương mại giữa Nga và Mỹ.

 

Chính vì lý do trên, Moscow đã vài lần cảnh báo, những biện pháp trừng phạt nhằm vào nước họ sẽ phản tác dụng, “gậy ông đập lưng ông” và là “con dao hai lưỡi”.

 

Trong khi Mỹ và phương Tây ra sức gây sức ép bằng những lời cảnh báo và đe dọa, thì Moscow vẫn giữ một lập trường cứng rắn, kiên quyết và không chịu lùi bước. Nga khăng khăng khẳng định, cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là hợp pháp và sẽ tôn trọng nguyện vọng cũng như sự lựa chọn của người dân ở bán đảo tự trị này.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc