Đã tìm thấy nơi không tặc giấu máy bay Boeing 777?

11:33, 16/03/2014
|

(VnMedia) - Sau khi giới chức Malaysia lên tiếng kết luận, chiếc máy bay Boeing 777 mất tích của họ gây ra do “một hành động có chủ đích”, cụ thể là một vụ không tặc thì báo chí phương Tây bắt đầu rộ lên tin về việc chiếc máy bay này có thể đang được giấu ở nơi nào đó trong lãnh thổ Pakistan.

 

Ảnh minh họa

Người Trung Quốc cầu nguyện cho các hành khách đi trên máy bay mất tích.


Phản ứng trước thông tin trên, một quan chức hàng đầu của ngành hàng không Pakistan hôm qua (15/3) đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ thông tin từ báo chí phương Tây về việc chiếc máy bay mất tích bí ẩn của hãng hàng không Malaysia Airlines đang ở đâu đó trên lãnh thổ của họ.

 

“Đó là một thông tin hoàn toàn sai lệch, máy bay đó chưa bao giờ tiến về phía Pakistan ”, trợ lý đặc biệt của Thủ tướng Pakistan về Hàng không – ôngShujaat Azeem cho hay.

 

Ông Azeem cho biết, ông đọc được tin trên báo chí phương Tây cho rằng, chiếc máy bay mất tích cùng 239 người có thể đã tới Pakistan. “Các hệ thống radar của ngành hàng không dân sự Pakistan chưa bao giờ phát hiện ra chiếc máy bay đó”, ông Azeem nói.

 

Theo lời cố vấn đặc biệt Azeem, chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia đã biến mất ở rất xa không phận của Pakistan và không hề được nhìn thấy trên radar của chúng tôi, vì thế, làm sao nó có thể được giấu ở một nào đó trên đất nước Pakistan”.

 

Tuy nhiên, ông Azeem cho hay, ông vẫn ra lệnh cho lực lượng của mình đề cao cảnh giác và theo dõi mọi diễn biến liên quan đến vụ máy bay mất tích.

 

“Hiện tại, có 95 tàu của nhiều nước khác nhau đang rà soát ở khu vực Ấn Độ Dương để tìm kiếm chiếc máy bay. Không ai trong số các lực lượng tìm kiếm liên hệ với chúng tôi để tìm hiểu thông tin về thảm kịch”, ông Azeem nói.

 

Cố vấn đặc biệt về hàng không của Thủ tướng Pakistan khẳng định, ngành hàng không nước này sẽ hợp tác toàn diện nếu được yêu cầu. Ông này cũng cho biết, hãng hàng không quốc gia của Pakistan đã gửi điện chia buồn đến hãng hàng không Malaysia Airlines.

 

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã lên tiếng khẳng định thông tin về việc, hai hệ thống liên lạc trên máy bay của họ đã bị ngắt một cách có chủ ý và một ai đó đi trên máy bay đã cố tình thay đổi hướng lái trước khi chiếc máy bay biến mất bí ẩn trên bầu trời cách đây một tuần. Tuy nhiên, khác với lời khẳng định trước đó của một quan chức cấp cao khác của Malaysia , ông Najib chưa khẳng định đây là một vụ cướp máy bay.

 

Mặc dù vậy, trong những ngày gần đây, giới chức điều tra Malaysia và cả Mỹ đều hướng về khả năng máy bay mất tích do bàn tay của con người. Cụ thể, người ta đã hướng cuộc điều tra vào việc máy bay bị bắt cóc bởi phi công hay một người nào đó đi trên máy bay và am hiểu về hàng không. Những kịch bản trước đó như máy baynổ tung giữa bầu trời, bị trục trặc kỹ thuật hoặc lao xuống Biển Đông dường như đã bị bác bỏ. Thông báo mới nhất của Thủ tướng Najib mở ra hướng điều tra mới, trong đó có cả khả năng một vụ tấn công kiểu ngày 11/9/2001 ở Mỹ.

 

Những kẻ cướp máy bay trong vụ 11/9 đã ngắt bộ phận tiếp sóng trên 3 trong 4 chiếc máy bay mà chúng bắt cóc. Bộ phận tiếp sóng có nhiệm vụ truyền thông tin, dữ liệu về vị trí của chiếc máy bay về đài kiểm soát không lưu. Để tắt được bộ phận tiếp sóng, những kẻ cướp máy bay phải am hiểu về kỹ thuật hàng không.

 

Trong trường hợp của máy bay MH370 mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines, bộ phận tiếp sóng của máy bay này cũng bị ngắt một cách cố ý, Thủ tướng Najib cho biết.

 

Tín hiệu cuối cùng được phát đến vệ tinh từ chiếc Boeing 777 là ở thời điểm hơn 6,5 giờ đồng hồ sau khi chiếc máy bay này biến mất khỏi màn hình radar lúc khoảng 1h30 rạng sáng ngày 8/3. Khoảng thời gian này trùng với thời gian hãng Malaysia Airlines tính toán chiếc máy bay của họ hết nhiên liệu, ông Najib tiết lộ.

 

Các nhà điều tra cuối cùng đi đến kết luận, chiếc máy bay mất tích bí ẩn của họ đã chuyển hướng về phía tây từ đường bay ban đầu và vì thế, công cuộc tìm kiếm ở Biển Đông chính thức chấm dứt. Thay vào đó, hoạt động tìm kiếm sẽ được chuyển sang khu vực Ấn Độ Dương.

 

Tuy nhiên, vùng tìm kiếm mới hiện tại quá lớn. Chiếc máy bay có thể ở bất kỳ nơi đâu kéo dài từ Kazakhstan đến phía nam Ấn Độ Dương.

 

Trước đó, một quan chức quân sự cấp cao của Malaysia đã tiết lộ, các nhà điều tra của nước này tin rằng, máy bay của họ bị khống chế bởi một “phi công lão luyện và có năng lực” – người biết cách tránh hệ thống radar. Hiện tại, các thành viên phi hành đoàn và hành khách đang trở thành đối tượng bị điều tra, xem xét.

 

Giới chức an ninh Malaysia trước đó đã đặt nghi vấn với hai hành khách Iran sau khi phát hiện những người này lên máy bay bằng việc sử dụng hộ chiếu ăn cắp của người Châu Âu. Và hiện tại, các nhà điều tra an ninh bắt đầu tập trung tìm hiểu về cơ trưởng Ahmad Shah, 53 tuổi, và phi công lái phụ cho ông này - Fariq Abdul Hamid, 27 tuổi.

 

Các phóng viên Malaysia cho biết, họ đã chứng kiến lực lượng cảnh sát vào nhà của cơ trưởng Shah ngày hôm qua và ở trong đó 2 giờ đồng hồ.

 

Một đài truyền hình Australia mới đây tiết lộ, phi công phụ Hamid từng để cho hai người phụ nữ vào buồng lái trong một chuyến bay từ Thái Lan. Đây là một hành động vi phạm quy định an ninh hàng không nghiêm trọng.

 

Tờ New York Times dẫn lời giới chức Mỹ nắm rõ thông tin về cuộc điều tra, cho biết, chiếc máy bay Boeing 777 đã rung lắc dữ dội trước khi đổi hướng. “Các nhà điều tra nên tập trung vào động cơ khủng bố hoặc tội ác”, ông Rohan Gunaratna – một chuyên gia chống khủng bố của trường Đại học Công nghệ Nanyang Singapore , cho biết.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc