Sự sống chắc chắn từng tồn tại trên sao Hỏa

19:39, 13/03/2013
|

(VnMedia) - Một phần tinh mẫu đá do siêu xe thăm dò Curiosity của NASA thu thập được trên sao Hỏa cho thấy hành tinh này chắc chắn đã từng tồn tại sự sống. Thông tin trên vừa được Cơ quan Vũ trụ NASA của Mỹ đưa ra hôm qua (12/3).

Sau khi tiến hành khoan xuống tảng đá sao Hỏa ở gần địa điểm hạ cánh, xe thăm dò Curiosity vừa tìm ra câu trả lời cho sứ mệnh chủ chốt trên hành trình khám phá sao Hỏa: hành tinh Đỏ trước đây chứa các thành phần cần thiết cho sự sống.

Ông Michael Meyer – nhà khoa học làm chủ dự án Khám phá Sao Hỏa của NASA cho biết: “Câu hỏi căn bản cho sứ mệnh của chúng tôi là liệu sao Hỏa có thể hỗ trợ môi trường sống hay không. Và từ kết quả này, giờ dây chúng tôi đã biết câu trả lời là có”.

Phát hiện trên là kết quả sau 7 tháng Curiosity hạ cánh xuống một miệng núi lửa cổ. Tháng trước, Curiosity dùng cánh tay robot khoan xuống tảng đá trầm tích khá mịn ở nơi hạ cánh, gần dòng sông cổ Gale Crater trên sao Hỏa hồi tháng trước, sau đó tiến hành xét nghiệm bột đá trong phòng thí nghiệm mà xe này được trang bị.

Ảnh minh họa
Siêu xe thăm dò Curiosity

Các nhà khoa học cho biết, sau khi phân tích họ đã phát hiện thấy dấu vết của lưu huỳnh, nitơ, hydro, oxy, phốt pho và các-bon trên bề mặt Hành tinh Đỏ - đây là những thành tố hóa học căn bản để hình thành nên sự sống.

Ngoài ra, các loại khoáng chất giống như trong đất sét, khoáng chất sulfat, sunfua và các hóa chất khác cũng được phòng thí nghiệm tối tân trên Curiosity phát hiện trong mẫu vật chất được thu thập. Những khoáng chất này chính là nguồn năng lượng lý tưởng để bổ sung cho vi sinh vật, nếu chúng từng tồn tại trên bề mặt sao Hỏa. Những mẫu phân tích còn cho thấy, các loại đá trên sao Hỏa có độ pH trung tính tương đối là do từng bị nước tác động.

Bên cạnh đó, dữ liệu này còn cho biết Vịnh Yellowknife nơi mà xe thăm dò phát hiện thấy là nhánh cuối của hệ thống sông cổ hay một lòng sông ẩm ướt, có thể cung cấp năng lượng hóa học cũng như các điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển.

Cũng theo các nhà khoa học của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), kết quả phân tích mẫu đá Sao Hỏa của siêu xe thăm dò Curiosity cho thấy, nước trên sao Hỏa lý tưởng tới mức con người có thể uống được.

Trước đây, Robot Opportunity và Spirit của NASA cũng tìm ra bằng chứng đâu đó trên Sao Hỏa xưa kia từng ẩm ướt. Tuy nhiên, khi đó, các nhà khoa học sợ rằng loại nước đó có thể mang tính axit mạnh, khiến vi khuẩn không thể sống nổi. Tuy nhiên, những thành phần trong đá mà Curiosity vừa phát hiện được cho thấy loại nước từng có trên sao Hỏa có vẻ trung tính và không mặn quá.

Ông John Grotzinger, chuyên gia cấp cao thuộc dự án Curiosity khẳng định: “Chúng tôi tìm thấy những yếu tố lý tưởng, chứng tỏ rằng sao Hỏa từng đủ điều kiện hỗ trợ sự sống. Thậm chí, vào thời điểm nước vẫn còn tồn tại trên bề mặt sao Hỏa, con người có thể sử dụng chúng để uống, thay cho loại nước được sử dụng trên trái đất”.

Các nhà khoa học đang có kế hoạch sẽ khoan vào núi để thu thập thêm các dữ liệu, nhưng phải đợi sau khi Curiosity khoan thêm một tảng đá khác để xét nghiệm. Tuy nhiên, trung tâm kiểm soát chuyến bay trên Trái đất sẽ không thể liên lạc với Curiosity trong tháng tới do hiện tượng các thành tinh thẳng hàng, nên nhiệm vụ khoan tảng đá thứ hai sẽ phải hoãn đến tháng 5 năm nay.

Thêm vào đó, các nhà khoa học dự kiến sẽ tiếp tục vận hành siêu xe thăm dò Curiosity ở khu vực Vịnh Yellowknife nhiều tuần nữa trước khi bắt đầu hành trình khám phá Núi Mount Sharp ở dòng sông cổ Gale Crater. Việc nghiên cứu lớp đất sét ở Mout Sharp, nơi các khoáng chất trong đất sét cũng như trên bề mặt được nhận dạng trong quỹ đạo có thể đóng góp thêm thông tin hữu ích về khoảng thời gian cũng như sự đa dạng về điều kiện sống trên sao Hỏa.

Cỗ xe thăm dò 6 bánh Curiosity chạy bằng năng lượng hạt nhân đáp xuống Hành tinh Đỏ hồi tháng8 năm ngoái trong miệng núi lửa cổ gần xích đạo để bắt đầu sứ mệnh thám hiểm kéo dài khoảng 2 năm. Curiosity là phi thuyền đầu tiên đáp xuống sao Hỏa có khả năng thu thập mẫu để xét nghiệm thành phần bên trong tảng đá.

Tuy nhiên, Curiosity thiếu công cụ để xác định vi khuẩn vẫn đang sống hay đã tuyệt chủng, mà chỉ có thể xác định loại môi trường chứa vi khuẩn.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc