"Gót chân Achilles" của Lãnh đạo Kim Jong Un

10:04, 13/03/2013
|

(VnMedia) - Nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un đã cho các cường quốc thế giới thấy ông là một vị tổng chỉ huy rắn rỏi, quyết liệt và không dễ đối phó như họ tưởng. Mặc dù phương Tây cho rằng họ đã tìm được “gót chân Achilles” của ông Kim Jong Un nhưng các nước này lại hầu như không thể lợi dụng vào điểm yếu đó.

 

Ảnh minh họa


Cách đây vài ngày, tờ Chosun Ilbo – một tờ báo lớn của Hàn Quốc, đưa tin, các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đã “phát hiện hàng chục tài khoản lớn được cho là của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại nhiều ngân hàng ở Trung Quốc”. Bài báo trên tờ Chosun Ilbo tỏ ý nghi ngờ tính hiệu lực của gói biện pháp trừng phạt mới nhất mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa thông qua nhằm vào Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân mới nhất của nước này. Tờ báo của Hàn Quốc cho rằng, lý do dẫn đến sự hoài nghi của họ là do các biện pháp trừng phạt đã không được áp dụng với những tài khoản bị nghi là của ông Kim Jong Un.

 

"Sau vụ thử hạt nhân thứ ba của Triều Tiên, Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn sàng của họ trong việc tham gia vào các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như không muốn động chạm vào gót chân Achilles thực sự của Triều Tiên”, nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc đã nói như vậy với tờ Chosun Ilbo.

 

Thậm chí nếu những thông tin về hàng trăm triệu đô la Mỹ trong các tài khoản ở một loạt ngân hàng Trung Quốc được cho là của ông Kim Jong Un là sai (nguồn tin duy nhất của thông tin này xuất phát từ một quan chức chính phủ Hàn Quốc), thì người ta vẫn cho rằng, Trung Quốc luôn tìm cách làm dịu nhẹ tác động của những biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.

 

"Trong quá khứ, Trung Quốc cố tìm cách tránh bất kỳ biện pháp trừng phạt nào có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến chính quyền Triều Tiên nhưng trong nghị quyết trừng phạt mới, Trung Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt thắt chặt về tài chính. Điều này có thể gây ảnh hưởng thực sự đến chính quyền Triều Tiên nếu Trung Quốc thực hiện nghiêm túc lệnh trừng phạt này. Chìa khóa cho tính hiệu lực của gói biện pháp trừng phạt mới chính là Trung Quốc", ông Ellen Kim, trợ lý giám đốc và là một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, đã nhận định như vậy.

 

Theo các biện pháp trừng phạt mới, các nước bị cấm tham gia thực hiện những giao dịch tài chính với Bình Nhưỡng theo cách có thể liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Mục đích của gói biện pháp trừng phạt này là nhằm ngăn không cho Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.

 

Tuy nhiên, phương Tây cho rằng, một số từ ngữ được đưa ra trong nghị quyết trừng phạt mới hơi mập mờ như “bằng chứng đáng tin cậy” hay “những lý do hợp lý có thể tin được”. Phương Tây tin rằng, đây là kẽ hở cho phép Trung Quốc chọn cách thực hiện nghị quyết trừng phạt theo cách thức thích hợp để tránh gây ảnh hưởng trực tiếp đến Triều Tiên.

 

Cho đến thời điểm này vẫn chưa thể xác định được liệu các biện pháp trừng phạt mới có thể làm tổn thương Triều Tiên đến đâu nhưng các nhà phân tích hầu hết đều có chung nhận định, Trung Quốc sẽ cố gắng tránh viễn cảnh sụp đổ của chính quyền Triều Tiên.

 

"Ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là giữ nguyên trạng mặc dù họ phản đối vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Trung Quốc muốn chính quyền của ông Kim Jong Un vẫn tồn tại trên bán đảo Triều Tiên", ông Kim cho biết.

 

Theo ông Jia Qingguo, một chuyên gia của trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt với mục đích đưa Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn bảo đảm chắc chắn rằng, những biện pháp trừng phạt đó sẽ không đủ hà khắc để có thể gây ra sự sụp đổ của chính quyền Triều Tiên.

 

Ai cũng biết rằng, Triều Tiên có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với Trung Quốc. Mặc dù rất tức giận trước việc Bình Nhưỡng qua mặt mình tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba, Bắc Kinh được cho là sẽ không có nhiều lựa chọn trong việc đối phó với nước láng giềng của mình. Triều Tiên là vùng đệm an toàn chiến lược vô cùng quan trọng của Trung Quốc. Chính vì thế, Bắc Kinh được cho là sẽ phải tiếp tục kiềm chế, không đưa ra những hành động mạnh tay có thể làm Bình Nhưỡng nổi giận. Bắc Kinh hiểu rất rõ, một Triều Tiên đổ vỡ sẽ gây nguy hiểm như thế nào đối với họ. Điều đó sẽ đồng nghĩa với việc quân Mỹ được triển khai sát cạnh biên giới với Trung Quốc. Đó là chưa kể, làn sóng người tị nạn Triều Tiên đổ vào Trung Quốc – nước vốn đã đang phải chịu sức ép lớn từ dân số khổng lồ của mình.

 

Chính quyền của Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un gần đây đã khiến các cường quốc “sôi sùng sục” vì liên tiếp tiến hành phóng tên lửa đạn đạo tầm xa và thử hạt nhân chỉ trong vòng 2 tháng. Phương Tây đã tìm cách gây sức ép mạnh mẽ hơn nữa lên chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên bằng các biện pháp trừng phạt mới hà khắc hơn. Thay vì khiến Bình Nhưỡng khuất phục, các biện pháp trừng phạt mới đã khiến nước này tức giận thực sự. Triều Tiên tố cáo Mỹ luôn áp dụng chính sách thù địch với nước này. Bình Nhưỡng cũng cho rằng, tại sao Mỹ được quyền có vũ khí hạt nhân mà họ lại không được.

Rõ ràng, việc phương Tây dùng các biện pháp trừng phạt để uy hiếp Triều Tiên là không có tác dụng. Điều đó đã được thể hiện qua kết quả của một loạt biện pháp trừng phạt được áp dụng đối với Bình Nhưỡng trong suốt nhiều năm qua. Giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là đàm phán và đây cũng chính là điều Bình Nhưỡng mong muốn.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc