Kim Jong Un ra tiền tuyến, “báo động” quân đội

16:30, 12/03/2013
|

(VnMedia) - Nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên – ông Kim Jong Un lại vừa có chuyến thị sát lực lượng quân đội đóng tại khu vực tiền tuyến. Tại đây, ông đã kêu gọi quân đội “đặt trong tình trạng báo động cao nhất” để sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh.
 

 Ảnh minh họa

 
Cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn đang đốt nóng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên


Theo một bản tin được đăng tải trên báo chí nhà nước Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong Un đã nói với các đơn vị pháo binh đóng gần khu vực từng nhiều lần chứng kiến các cuộc đụng độ đẫm máu với Hàn Quốc rằng, “chiến tranh có thể nổ ra ngay lúc này”.
 
Chuyến thăm các đơn vị ở tiền tuyến của ông Kim Jong Un diễn ra trong bối cảnh chính quyền Triều Tiên vừa tuyên bố huỷ bỏ thoả thuận đình chiến mà nước này ký với Hàn Quốc nhằm kết thúc cuộc chiến tranh năm 1950-1953. Bình Nhưỡng gần đây liên tục “tung” ra những lời đe doạ sắc lạnh như tấn công phủ đầu hạt nhân Mỹ, chiến tranh toàn diện với Hàn Quốc.
 
Không rõ, sau những lời nói và hành động trên, bước tiếp theo của chính quyền Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un sẽ là gì. Nhiều người đang tự hỏi, liệu Bình Nhưỡng có thực hiện những lời đe doạ mà họ đưa ra trong vài ngày qua hay không.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc hôm nay (12/3) cho biết, không có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên sẽ tấn công hoặc tiến hành thêm các vụ phóng tên lửa, thử hạt nhân trong thời gian trước mắt. Vị quan chức quân sự cấp cao nhất của Hàn Quốc tin rằng, những cảnh báo và đe doạ của Bình Nhưỡng thực chất chỉ là nhằm “gây áp lực về mặt tinh thần” đối với nước láng giềng.
 
Liên quan đến việc Triều Tiên huỷ bỏ thoả thuận đình chiến, một phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc cho biết, Bình Nhưỡng không thể đơn phương xoá bỏ thoả thuận này và vì thế, nó vẫn còn hiệu lực. Bình Nhưỡng cũng còn nhiều năm nữa mới có thể thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân đưa lên tên lửa. Như vậy, trước mắt, nước này chưa thể gây ra mối đe doạ hạt nhân đối với Mỹ.
 
Trên thực tế, bất chấp những sóng gió hiện nay ở bán đảo Triều Tiên, nhiều dấu hiệu cho thấy, mọi việc vẫn diễn ra bình thường trong quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
 
Triều Tiên đã cắt đường dây nóng khẩn cấp với Hàn Quốc nhưng ngoài động thái này, không có sự thay đổi đáng kể nào xảy ra ở khu vực biên giới, Bộ Thống nhất Hàn Quốc và Bộ Tổng tham mưu liên quân Hàn Quốc hôm nay cho biết.
 
Tuy nhiên, sự tức giận của Triều Tiên và những phản ứng đáp trả lạnh lùng của phía Hàn Quốc đã làm tăng sự thù địch giữa hai nước, gây lo ngại trên bán đảo Triều Tiên vốn đã đầy căng thẳng này. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi hai nước tuần này tiến hành hai cuộc tập trận rầm rộ song song với nhau.
 
Các nước có thể không lo ngại về những lời đe doạ khủng khiếp của Triều Tiên về một cuộc tấn công hạt nhân. Tuy nhiên, ngoài những lời đe doạ kiểu này, Bình Nhưỡng cũng đã đưa ra những lời đe doạ mập mờ như tấn công kẻ thù vào một thời điểm hoặc một nơi mà nước này tự chọn. Chính những lời đe doạ kiểu này mới khiến các nước lo ngại thực sự. Seoul đã đáp trả lời đe doạ của Bình Nhưỡng bằng những lời cảnh báo sắc lạnh của riêng mình đồng thời đặt quân đội vào tình trạng báo động cao.
 
Mỹ tuyên bố bảo vệ Hàn Quốc
 
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ - ông Tom Donilon hôm nay đã phát biểu ở New York rằng, Bình Nhưỡng có thể không thực hiện những lời đe doạ của nước này nhưng Mỹ chắc chắn sẽ bảo vệ các đồng minh của mình.
 
"Có một điều không nên nghi ngờ: Chúng tôi sẽ dùng hết mọi khả năng của mình để bảo vệ bản thân và các đồng minh trước mối đe doạ từ phía Triều Tiên”, ông Donilon đã nói như vậy.
 
Trong khi cho rằng, Bình Nhưỡng có thể không thực hiện những lời đe doạ của nước này, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết, Mỹ vẫn “có sự lo ngại nhất định trước những lời đe doạ của Triều Tiên”.
 
Chính quyền Mỹ hôm qua (11/3) đã áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào một ngân hàng lớn và 4 cá nhân của Triều Tiên với cáo buộc họ có vai trò nhất định trong chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
 
Bộ Tài chính Mỹ đã đưa vào “danh sách đen” Ngân hàng Ngoại thương ở Bình Nhưỡng và ông Paek Se-Bong – Chủ tịch Uỷ ban Kinh tế thứ hai Triều Tiên (SEC). Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt đối với 3 quan chức cấp cao của chính phủ Triều Tiên gồm Pak To-Chun, Chu Kyu-Chang và O Kuk-Ryol.
 
Động thái mới của Mỹ chắc chắn sẽ đốt nóng thêm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc hôm qua đã lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế, tránh có hành động làm leo thang căng thẳng sau khi quân đội Mỹ, Hàn tiến hành một cuộc tập trận chung và Bình Nhưỡng cắt đứt đường dây nóng với Seoul.
 
"Hiện tại, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang cực kỳ phức tạp và nhạy cảm. Trung Quốc cho rằng, việc duy trì hoà bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á là lợi ích cơ bản của cộng đồng quốc tế”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - bà Hua Chunying cho biết tại một cuộc họp báo định kỳ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc