NATO chuẩn bị gây hấn quân sự với Nga?

06:31, 13/07/2017
|

(VnMedia) - Các thành viên NATO có thể đang thực hiện những bước chuẩn bị toàn diện cho một cuộc gây hấn quân sự nhằm vào Nga. Đây là nhận định vừa được ông Konstantin Sivkov – Giám đốc Học viện Các Vấn đề Địa chính trị của Nga đưa ra ngày hôm qua (12/7).

NATO đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở những khu vực sát biên giới với Nga
NATO đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở những khu vực sát biên giới với Nga

Phát biểu tại hội nghị bàn tròn ở thủ đô Moscow về chính sách của NATO đối với Nga, ông Sivkov cho rằng, có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương có thể đang chuẩn bị cho một “cuộc gây hấn về quân sự”.

"NATO đang thực hiện những bước chuẩn bị toàn diện quy mô lớn cho một cuộc gây hấn về quân sự”, vị chuyên gia của Nga cho hay.

Ông Sivkov nhấn mạnh đến thực tế là các nước thành viên NATO đã và đang triển khai một loạt lực lượng quân sự lớn ở sát biên giới phía tây của Nga.

"4 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn gồm khoảng 1.000 binh sĩ, đang đóng tại các khu vực nằm dọc biên giới với Nga. Tuy nhiên, hỏa lực của mỗi đơn vị đó lớn hơn rất nhiều so với quy mô một tiểu đoàn đơn lẻ cần. Về lý thuyết, những tiểu đoàn đó có thể dễ dàng biến thành một quân đoàn có quy mô từ 40.000 đến 50.000 binh sĩ với các đội quân được bổ sung từ Mỹ và nhiều khu vực khác của Châu Âu”, ông Sivkov cho hay.

Hơn nữa, theo vị chuyên gia của Nga, NATO trước đó từng tuyển những người nói tiếng Nga để tham gia cuộc tập trận ở Đức. Hồi tháng Ba, NATO đã đăng tải quảng cáo tuyển người nói tiếng Nga cho cuộc tập trận của họ trên cổng thông tin chính thức của Berlin.

"Các ứng cử viên sẽ đóng vai người dân thường trong vùng xung đột. Điều này sẽ giúp tạo ra một kịch bản huấn luyện như thật cho các binh sĩ và tăng tính hiệu quả lên mức cao nhất có thể cho lực lượng tập trận”, quảng cáo tuyển dụng đã viết như vậy.

"Trên thực tế, đó rõ ràng là hành động thù địch nhằm vào Nga, coi Nga như kẻ thù tiềm năng”, ông Leonid Slutsky – Chủ tịch Ủy ban Các Vấn đề Quốc tế của Duma Quốc gia Nga, đã nói như vậy với hãng tin Sputnik hồi cuối tháng Ba.

Cuối cùng, ông Sivkov chỉ ra một xu hướng khác cho thấy khả năng NATO đang chuẩn bị gây hấn với Nga. Đó là việc Mỹ có kế hoạch tăng cường năng lực về mặt vũ khí và kỹ thuật cho Hạm đội Số 7 của nước này ở Thái Bình Dương.

"Rõ ràng, các chiến hạm của NATO trong khu vực đang chuẩn bị cho một hành động gây hấn. Đây có thể là cái cớ cho các hành động quân sự chống lại Nga”, nhà phân tích của Nga kết luận.

Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.

Moscow tin rằng, NATO đang dựa vào cái cớ Nga can thiệp vào cuộc xung đột ở Ukraine làm lý do để bành trướng ra hướng đông, tiến ngày một gần đến sát biên giới của Nga.

Hồi tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết, sự hiện diện của NATO ở các đường biên giới với Nga đã tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua và riêng ở các đường biên giới phía tây của Nga là tăng đến gấp 8 lần.

Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm đáp trả NATO.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đạo diễn người Mỹ Oliver Stone gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không ngần ngại cảnh báo, Moscow sẽ đáp trả thích đáng đối với những hành động của NATO ở sát biên giới với Nga nhằm mục đích duy trì thế cân bằng chiến lược.

Hải Yến


Ý kiến bạn đọc