Bỏ Nga chạy theo EU, Kiev bị Hà Lan "dội gáo nước lạnh"

16:26, 07/04/2016
|

(VnMedia) - Các cử tri Hà Lan hôm qua (6/4) đã bỏ phiếu phản đối thoả thuận hợp tác giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Ukraine trong một cuộc trưng cầu dân ý. Đây không chỉ là đòn giáng choáng váng với EU, với chính phủ Hà Lan mà còn với chính Kiev.

Các cử tri Hà Lan đã nói không với thoả thuận hợp tác EU-Ukraine
Các cử tri Hà Lan đã nói không với thoả thuận hợp tác EU-Ukraine

Hãng tin ANP của Hà Lan đưa tin, với 99,8% số phiếu được kiểm, phe nói “không” với thoả thuận hợp tác EU-Ukraine chiếm đến 61,1% số phiếu. Chỉ 38% cử tri bỏ phiếu ủng hộ thoả thuận hai năm giữa EU và Kiev.

Sau những nghi ngờ ban đầu, ANP cũng khẳng định, 32,2% cử tri tham gia bỏ phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc cuộc trưng cầu dân ý là có giá trị và chính phủ liên minh của Thủ tướng Mark Rutte phải quan tâm đến kết quả cuộc bỏ phiếu đó.

"Kết quả đó giống như là người dân Hà Lan nói KHÔNG với EU và nói KHÔNG với thoả thuận EU-Ukraine. Khởi đầu cho sự kết thúc của EU”, nghị sĩ theo đường lối cực hữu của Hà Lan – ông Geert Wilders tối qua đã hả hê bình luận như vậy.

Các cử tri đã được yêu cầu trả lời câu hỏi liệu họ có ủng hộ cho thoả thuận hợp tác giữa EU với Ukriane hay không. Thoả thuận này nhằm tăng cường mối quan hệ thương mại giữa Liên minh Châu Âu với quốc gia Ukraine đang bất ổn, hỗn loạn vì cuộc nội chiến.

Tuy nhiên, các nhà tổ chức thừa nhận, cuộc bỏ phiếu không mang tính ràng buộc nói trên không nhất thiết mang ý nghĩa chống EU mạnh mẽ. Tuy nhiên, nó là đòn giáng với EU bởi Hà Lan đang nắm chức Chủ tịch luân phiên của liên minh này.

Kết quả cuộc bỏ phiếu ở Hà Lan có thể là một vấn đề đau đầu cho EU khi liên minh này đang chuẩn bị cho khả năng Anh rời khối.

Hà Lan hiện là nước duy nhất trong 28 nước thành viên không phê chuẩn thoả thuận hợp tác với Ukraine dù cả Thượng viện và Hạ viện Hà Lan đều đã thông qua.

Thủ tướng Rutte thừa nhận, phe nói KHÔNG với thoả thuận hợp tác EU-Ukraine đã chiến thắng một cách thuyết phục. Và vì thế, ông này cũng phải thừa nhận không thể phớt lờ kết quả nói trên.

Trước đó, ông Rutte từng kêu gọi các cử tri hãy bỏ phiếu cho thoả thuận EU-Ukraine, nói rằng “chúng ta phải giúp Ukraine xây dựng một nhà nước pháp quyền và dân chủ”.

Tổng thống Ukraine tức giận trước kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Hà Lan

Phản ứng trước kết quả bỏ phiếu ở Hà Lan, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm nay (7/4) đã tức giận cho rằng, việc cử tri Hà Lan phản đối thoả thuận hợp tác giữa EU và Kiev là “một cuộc tấn công vào sự đoàn kết của Châu Âu”.

"Tôi muốn nhắc mọi người rằng, mục tiêu thực sự của những người tổ chức cuộc trưng cầu dân ý không phải là thoả thuận hợp tác EU-Ukraine. Đó là một cuộc tấn công vào sự đoàn kết của Châu Âu, một cuộc tấn công vào các giá trị của Châu Âu”, ông Poroshenko gay gắt chỉ trích.

Nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố, kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Hà Lan không mang tính ràng buộc và vì vậy nó không phải là cản trở đối với Ukraine trên con đường tiến lại gần EU bởi Kiev sẽ tiếp tục thực thi các biện pháp nhằm hội nhập sâu hơn vào liên minh gồm 28 thành viên này.

Ukraine–EU đã ký kết thoả thuận hợp tác hồi tháng 3 năm 2014. Theo đó, hai bên sẽ dần thiết lập một mối quan hệ chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc. Một khu vực tự do thương mại sẽ được lập ra để đưa nền kinh tế của Ukraine hòa nhập vào nền kinh tế 17.000 tỉ USD với hơn 500 triệu người tiêu dùng của EU.

Việc ký kết thỏa thuận hợp tác với EU đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ mất đi những ưu đãi cũng như việc tiếp cận thị trường 2,5 nghìn tỉ USD và 146 triệu người tiêu dùng của Nga.

Ukraine sẽ phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn của EU về chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm. Kiev và Brussels cũng sẽ hợp tác với nhau trong một loạt vấn đề khác như năng lượng, thuế má, du lịch và hệ thống tư pháp, pháp luật....

Hiệp ước Hợp tác với EU sẽ giúp Ukraine có thể tìm kiếm những khoản vay tài chính từ EU dễ dàng hơn

Việc Ukraine chính thức ký kết hiệp ước với EU đã cho thấy quyết tâm rời xa nước láng giềng Nga của chính quyền Kiev bất chấp lịch sử gắn bó lâu dài giữa hai nước cũng như những mối dây gắn kết sâu sắc giữa người dân hai nước. Hiệp ước vừa ký kết cũng cho thấy quyết tâm của Kiev trong việc tìm đến với EU.

Tuy nhiên, cánh cửa của EU không hoàn toàn rộng mở với Ukraine như Kiev mong đợi bao lâu nay. Ukraine được cho là sẽ phải mỏi mòn chờ đợi và gặp không ít chướng ngại vật để có thể được kết nạp chính thức vào gia đình EU.


Ý kiến bạn đọc