Nga đã khiến Mỹ sợ quá mức?

16:21, 07/04/2016
|

(VnMedia) - Ông chủ Lầu Năm Góc hôm qua (6/4) tiếp tục tuyên bố Nga là “mối đe doạ chiến lược số 1” của Mỹ, đồng thời thúc giục quân đội Mỹ xây dựng một lực lượng mạnh hơn, hiệu quả hơn và phối hợp tốt hơn để đối phó với Nga. Phải chăng Nga đã khiến Mỹ ám ảnh đến mức câu cửa miệng của giới chức quân sự Mỹ luôn là mối đe doạ mang tên Nga?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter

Với mục tiêu tìm cách xây dựng quân đội Mỹ trở thành đội quân hoạt động hiệu quả hơn và phối hợp tốt hơn khi đối mặt với “mối đe doạ chiến lược” từ Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đang tìm cách khôi phục lại khung tổ chức của Lầu Năm Góc được thiết lập từ những năm 1970.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở thủ đô Washington, DC, ông Carter cho biết, các cuộc cải cách trong quân đội là cần thiết để đảm bảo xây dựng lực lượng này trở nên “thiện chiến” hơn, và có thể đối mặt với 5 thách thức chiến lược mà ông chủ Lầu Năm Góc liệt kê lần lượt là “Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran và chủ nghĩa khủng bố”.

Cách tổ chức, sắp xếp hiện nay của quân đội Mỹ là sản phẩm của Dự luật Tái tổ chức Bộ Quốc phòng Goldwater-Nichols được ký thành luật hồi tháng 10 năm 1986.

Trong khi cuộc cải cách năm 1986 là do rút ra từ những bài học trong chiến tranh Việt Nam và trong vụ giải cứu con tin bất thành ở Iran, Bộ trưởng Carter cho hay, những cải cách trong tổ chức của quân đội Mỹ hiện tại không phải xuất phát từ những thất bại. “Tôi vô cùng tự hào về cách mà lực lượng của chúng ta đã chiến đấu và hoạt động ở Iraq cũng như ở Afghanistan trong hơn 15 năm qua”, ông Carter phát biểu.

Những thay đổi được đề xuất lần này sẽ cho Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ thêm nhiều thẩm quyền hơn trong công tác cố vấn và phối hợp giữa các cơ quan và bộ chỉ huy khác nhau trong quân đội, giúp việc điều hành, chỉ huy trở nên hiệu quả hơn, đồng thời cải tiến quy trình mua sắm trang thiết bị vũ khí.

“Trong vài tuần tới, chúng tôi sẽ đưa ra một số quyết định trong thẩm quyền cho phép hiện nay của mình”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết thêm rằng những quyết định khác có thể cần phải được phê chuẩn từ cơ quan lập pháp.

Đây không phải là lần đầu tiên giới chức Mỹ tuyên bố công khai việc coi Nga là mối đe doạ trực tiếp đối với nước họ.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Tư lệnh Lục quân Mỹ - Tướng Mark Milley từng miêu tả Nga là nước “hung hăng, hiếu chiến và là kẻ thù đối với lợi ích của nước Mỹ". Thậm chí, ông Milley cho rằng, với vũ khí hạt nhân và năng lực có thể sử dụng loại vũ khí huỷ diệt đó, Nga là mối đe doạ lớn nhất đối với nước Mỹ.

Trước đó nữa, Tướng James Dunford – một quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ, cũng có những phát biểu tương tự, khẳng định Nga là kẻ thù số 1 của nước Mỹ.

Mối quan hệ giữa Nga với Mỹ đang ngày một xấu đi, đặc biệt là kể từ sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát..

Trong thời gian qua, Mỹ cùng với các đồng minh của mình liên tục tìm cách thổi phồng về mối đe dọa mang tên Nga, gây hoảng sợ đối với các nước láng giềng xung quanh Nga. Điều đó khiến cho những nước này tha thiết kêu gọi NATO đưa quân và vũ khí vào lãnh thổ của họ để đối phó với Moscow đồng thời tăng chi tiêu quân sự để đối phó với cái mà họ gọi là mối đe dọa Nga. Một số nước láng giềng xung quanh Nga cũng đã coi Nga là thách thức lớn nhất đối với an ninh Châu Âu.

Về phần mình, Mỹ cũng tìm mọi cách tăng cường sự hiện diện quân sự ở những khu vực bao quanh Nga.

Moscow đương nhiên không ngồi yên để Mỹ và các đồng minh tự do “dàn trận” đối phó với mình. Nga cũng đã thực hiện nhiều biện pháp quân sự riêng để sẵn sàng “đấu” với Mỹ.


Ý kiến bạn đọc