Biển Đông từ Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình

14:02, 07/04/2016
|

(VnMedia) - Sau một thời gian “ẩn mình” để phát triển, với sức mạnh tăng lên, Trung Quốc bắt đầu bộc lộ rõ dần tham vọng muốn biến Biển Đông chiến lược thành “ao nhà” của riêng họ. Đây là lý do khiến những năm trở lại đây, Biển Đông luôn nổi “sóng gió” và nhanh chóng trở thành một trong những điểm nóng dễ bùng phát thành xung đột nhất của thế giới.

Trung Quốc đang quyết liệt thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế
Trung Quốc đang quyết liệt thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế

Từ “ẩn mình” đến “lộ hình”, Trung Quốc khuấy đảo Biển Đông

Khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990, Nhà lãnh đạo của Trung Quốc khi đó - ông Đặng Tiểu Bình đã đưa ra chính sách nổi tiếng có tên “Thao Quang Dưỡng Hối” với các đặc điểm: “Bình tĩnh quan sát; Lập trường vững chắc; Bình tĩnh đối phó; Che giấu khả năng và chờ đợi thời thế; Duy trì ẩn mình, và không bao giờ nắm vị trí dẫn đầu”.

Trung Quốc đã có một thời gian dài thực hiện thành công chính sách “ẩn mình chờ thời” mà cố Chủ tịch Đặng Tiểu Bình của nước này đưa ra. Theo đó, Bắc Kinh sẵn sàng dẹp bỏ các tranh chấp lãnh thổ sang một bên để theo đuổi mục tiêu phát triển. Năm 1979, Bắc Kinh từng đưa ra một đề xuất chính thức với Tokyo trong việc cùng khai thác phát triển tài nguyên ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Trước đó, vào những năm 1970 và 1980, ông Đặng Tiểu Bình cũng từng đưa ra đề xuất dẹp bỏ tranh chấp tại khu vực quần đảo Trường Sa ở Biển Đông và theo đuổi mục tiêu cùng phát triển.

Nhờ những bước đi hòa dịu, mềm mỏng trên, Trung Quốc đã có một môi trường hòa bình, thuận lợi để phát triển mạnh mẽ không ngừng. Tuy nhiên, 3 thập kỷ sau đó, với sức mạnh và ảnh hưởng gia tăng, thay vì thể hiện vai trò một cường quốc có trách nhiệm trên chính trường quốc tế, Trung Quốc bắt đầu lao vào những cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng ở Biển Đông.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang áp dụng một chính sách hung hăng, quyết liệt và ngày càng lấn tới một cách trắng trợn trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông với mục tiêu cao nhất là nhằm độc chiếm khu vực biển này. Nếu như Trung Quốc ở thời “ẩn mình” có mối quan hệ hoà dịu với các nước xung quanh thì Trung Quốc ở thời “lộ hình” không ngại va chạm với bất kỳ nước nào, kể cả những nước vốn có quan hệ hữu hảo lâu đời với họ như Malaysia, Indonesia...

Trung Quốc sẵn sàng đụng độ tàu thuyền với Philippines, dùng vũ lực chiếm ngư trường truyền thống Scarborough của ngư dân nước này, khiến Manila “không còn con đường nào khác” là phải đưa tranh chấp Biển Đông lên toà án quốc tế.

Trung Quốc sẵn sàng đâm, phá các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đỉnh điểm là tiến hành ồ ạt các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo trái phép tại 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, xây dựng hàng loạt đường băng, cơ sở quân sự và hệ thống radar trên các đảo nhân tạo bất hợp pháp này. Mới đây nhất, Bắc Kinh thậm chí còn đưa tên lửa và máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Với Malaysia, vào năm 2013, Trung Quốc đưa cả lực lượng quân sự vào tiến hành tập trận ở bãi cạn James – nơi cách bờ biển Malaysia chỉ 80km nhưng cách Trung Quốc đến 1.800km. Mới đây nhất, ngày 25/3, khoảng 100 tàu, thuyền Trung Quốc đã ồ ạt thọc sâu vào vùng biển Malaysia ở khu vực gần cụm bãi cạn Luconia. Tàu cá Trung Quốc được cho là thường xuyên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Tàu hải giám Trung Quốc cản trở hoạt động của các tàu khảo sát Malaysia tại bãi cạn James và cụm bãi cạn Luconia. Trong khi đó, tàu bán quân sự Trung Quốc thường xuyên dùng vũ lực để đuổi các tàu cá Malaysia ra khỏi chính những ngư trường truyền thống của họ.

Indonesia dù không có tranh chấp ở Biển Đông cũng đã trở thành nạn nhân của chính sách hung hăng của Trung Quốc. Ngày 20/3, tàu cá Trung Quốc đã xâm nhập vào khu vực cách đảo Natuna của Indonesia có 4km và tàu hải cảnh Trung Quốc còn ngang nhiên tông thẳng vào tàu tuần tra Indonesia để giải vây cho các tàu cá xâm phạm. Trung Quốc từng công khai thừa nhận chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna. Nhưng giờ đây, họ lại tuyên bố các ngư dân, tàu thuyền của họ ở vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Natuna là “đang hoạt động trong ngư trường truyền thống của Trung Quốc”.

Vì Biển Đông, Trung Quốc đã gây gổ với hầu hết các nước xung quanh bất chấp việc nước đó có mối quan hệ hữu hảo truyền thống với họ hay là không có tranh chấp ở Biển Đông. Những động thái của Bắc Kinh thực sự đã đi quá giới hạn đến mức ngay cả những nước “nhẫn nhịn” như Malaysia cũng phải lên tiếng kêu gọi phản kháng Trung Quốc. Không chỉ bị các nước láng giềng xung quanh phản ứng, Trung Quốc còn vấp phải sự chỉ trích, phản đối dữ dội từ cộng đồng quốc tế. Hàng loạt nước, liên minh quốc gia và các tổ chức quốc tế đã lên tiếng trước chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, có thể kể đến những cái tên nổi bật như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU), G8…..

Có thể nói, Trung Quốc hiện giờ đang ở thế cô độc ở Biển Đông. Hàng loạt các nước quay lưng với Trung Quốc vì những hành động, lập trường của họ ở Biển Đông. Không những thế, do đi quá xa trong các cuộc tranh chấp, Bắc Kinh đang thúc đẩy các nước thành lập một loạt liên minh chống lại chính họ như liên minh Mỹ-Philippines, Nhật Bản-Philippines, Mỹ-Nhật Bản, Mỹ-Australia, Australia-Philippines, Mỹ-Ấn Độ-Nhật Bản….

Chưa bao giờ, hình ảnh và lợi ích của Trung Quốc trở nên xấu xí và bị ảnh hưởng nghiêm trọng như vậy. Câu hỏi được đặt ra ở đây là Biển Đông có điều gì hấp dẫn lớn đến như vậy mà để Bắc Kinh sẵn sàng bất chấp tất cả để có được vùng biển này.

Vì sao Trung Quốc thèm khát Biển Đông?

Biển Đông là một biển lớn và có nhiều tranh chấp thuộc loại phức tạp của thế giới, trong đó có những tranh chấp liên quan đến nhiều quốc gia. Do ví trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh…nên biển Đông đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia quanh Biển Đông và trên thế giới.

Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông khi đòi chủ quyền đối với 80% vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông này.

Người ta tin rằng Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông chủ yếu là để tranh giành nguồn hải sản dồi dào cùng với các nguồn tài nguyên phong phú, đặc biệt là trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, ở khu vực biển này.

Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, Biển Đông ước tính chứa khoảng 11 tỷ thùng dầu và trên 190 tỷ mét khối khí tự nhiên. Còn Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) lại cho rằng con số đó có thể lớn gấp 10 lần dự báo của EIA. Trung Quốc từng khẳng định rằng, quốc gia nào khống chế được vùng biển này sẽ nắm quyền khai thác nguồn tài nguyên dầu khí phong phú nói trên. Lòng tham được cho là nguyên nhân đẩy Trung Quốc lao vào con đường tranh chấp quyết liệt Biển Đông bất chấp các cơ sở pháp lý và lịch sử không ủng hộ họ. Bắc Kinh coi nguồn dầu khí cũng như nguồn hải sản ở Biển Đông là một trong những động lực thúc đẩy và duy trì sự phát triển kinh tế vững chắc và lâu dài cho họ trong bối cảnh nước này đang dần trở nên “đói” nguồn lực vì nhu cầu của họ là quá lớn.

Tuy nhiên, khía cạnh nguồn lực kinh tế chỉ là một, giá trị lớn hơn của Biển Đông nằm ở vai trò của nó trong thế giới thương mại, các con đường biển huyết mạch vận chuyển phần lớn năng lượng nhập khẩu của các nền kinh tế châu Á và hầu hết các hàng hóa xuất khẩu sang Châu Âu đều thông qua vùng biển này. Gần 50% tỷ trọng hàng hóa thương mại quốc tế ước tính khoảng trên 5000 tỷ USD đi qua Biển Đông mỗi năm. Con đường này có ý nghĩa sống còn với nhiều quốc gia trên thế giới. Kể từ khi mở cửa, Trung Quốc trở thành công xưởng sản xuất hàng hóa của thế giới. Và họ không nguôi nuôi tham vọng vượt qua Mỹ để trở thành một cường quốc vĩ đại trong cuối thập niên thứ ba của thế kỷ 21. Biển Đông có vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng, là cửa ngõ vươn ra Thái Bình Dương và các đại dương khác. Nắm được vị trí này sẽ giúp Trung Quốc sớm thực hiện được tham vọng của mình.

Trung Quốc thèm muốn Biển Đông còn vì những lý do quan trọng hơn liên quan đến tính chiến lược về mặt quân sự. Về hướng Nam, vị trí chiến lược của quần đảo Trường Sa của Việt Nam rất quan trọng. Khi xảy ra chiến tranh, cửa biển này sẽ trở thành cửa sinh tử của chiến lược phong tỏa và chống phong tỏa, bao vây và chống bao vây. Nếu không chiếm được Biển Đông, Trung Quốc sẽ mất quyền kiểm soát đối với tuyến đường sinh mệnh ra biển rất dài và tuyến quốc phòng của Trung Quốc cũng bị thu hẹp về đảo Hải Nam, con đường vươn ra đại dương của toàn bộ khu vực miền Nam Trung Quốc sẽ bị bóp nghẹt.

Chính vì Biển Đông có vai trò vô cùng quan trọng như vậy nên Trung Quốc đã bằng mọi giá tìm cách khống chế vùng biển này. Nếu thành công, chiều sâu phòng ngự của quân đội Trung Quốc sẽ được tăng lên đáng kể. Chiều sâu chiến lược này không những làm tăng không gian xoay xở của lực lượng không quân, hải quân Trung Quốc mà còn có ý nghĩa nổi bật đối với các hành động yểm trợ lực lượng mặt đất, chống lại sự tấn công bằng đường không chiến lược của các đối thủ của Trung Quốc.

Biển Đông giữ vị trí trọng yếu quan trọng đối với việc di chuyển nhanh chóng các lực lượng hải quân giữa khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Như vậy, nắm Biển Đông còn giúp Trung Quốc chiếm được ưu thế quân sự để từ đó thực hiện tham vọng vươn lên vị trí bá chủ toàn cầu.

Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến một nguyên nhân quan trọng khác khiến Bắc Kinh tăng cường tranh giành chủ quyền ở khu vực Biển Đông. Đó là, Trung Quốc muốn bảo vệ một thế hệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và được trang bị vũ khí hạt nhân của họ. Những chiếc tàu ngầm hạt nhân tối tân này của Trung Quốc đang đóng tại căn cứ Du Lâm trên đảo Hải Nam.


Ý kiến bạn đọc