Indonesia bác tin cơ trưởng Air Asia rời ghế lái!

11:38, 03/02/2015
|

(VnMedia) - Các quan chức điều tra Indonesia và ông chủ của hãng Air Asia đều lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng, cơ trưởng Iriyanto có hành động bất thường rời ghế lái và tắt hệ thống điện của máy tính trước khi chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 lao xuống biển Java.

>>> Máy bay Air Asia phát nổ trước khi rơi xuống biển
>>> Tìm thấy toàn bộ thân máy bay Air Asia gặp nạn
>>> Những chi tiết rúng động vụ rơi máy bay AirAsia
 

Không có bằng chứng xác thực
 
Hãng tin Bloomberg và Reuters hôm 1/2 gây sốc khi dẫn nguồn tin từ phía Indonesia cho hay cơ trưởng Iriyanto đã có hành động bất thường khi máy bay gặp nạn. Cụ thể vào thời điểm trước khi máy bay đi vào khu vực thời tiết xấu, ông Iriyanto đã rời ghế lái và tắt nguồn điện cấp cho máy tính, vô hiệu hóa hệ thống cân bằng (FAC) trong khi cơ phó Remi Emmanuel Plesel đã mất khả năng kiểm soát máy bay.

  Ảnh minh họa

  Cơ trưởng Iriyanto và cơ phó Remi Emmanuel


Thông tin trên đã gây ra nhiều tranh cãi xoay quanh hành động bất thường của cơ trưởng Iriyanto. Vì rõ ràng việc tắt FAC của ông Iriyanto (nếu có) chẳng khác nào hành động tự sát khi máy bay sẽ không thể tự động đảm bảo được độ cao cần thiết khi nó chuẩn bị đi vào khu vực mưa bão.
 
Ngay sau khi thông tin trên được đưa ra, ông chủ của hãng Air Asia Tony Ferdandes hôm qua (2/3) đã kịch liệt phản đối giả thiết đó. “Đừng bao giờ nói về phi công của hãng chúng tôi như vậy. Họ đã chết và không thể tự bào chữa cho mình nhưng không có nghĩa là chúng ta cứ thoải mái buộc tội họ. Sự thật sẽ sớm được làm sáng tỏ khi thông tin từ hộp đen chính thức được công bố”, ông Tony Ferdandes tuyên bố.
 
Các quan chức thuộc Ủy ban an toàn giao thông Indonesia cũng đồng quan điểm với ông Tony Ferdandes. Người đứng đầu cơ quan điều tra vụ tai nạn máy bay QZ8501 - Mardjono Siswosuwarno khẳng định việc tắt máy tính là không thể xảy ra và thiếu lôgic.
 
“Báo chí không thể cứ tung tin và kết luận hồ đồ như vậy. Chúng tôi không hề có bất cứ thông tin hay bằng chứng cho thấy cơ trưởng Iriyanto đã rời ghế lái và tắt FAC. Làm sao họ biết cơ trưởng Iriyanto đã làm vậy khi không có bằng chứng, hình ảnh….?”, người phụ trách tiểu ban an toàn hàng không – Masruri nhận xét.
 
Hãng tin AFP thì dẫn lời một phi công dày dạn kinh nghiệm chuyên lái loại máy bay A320 cho biết, thông thường phi công có thể khởi động lại FAC nhưng việc ngắt điện là hành động vô cùng bất thường, có lẽ chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp.
 
Gia đình cơ phó khởi kiện hãng Air Asia
 
Thân nhân của cơ phó người Pháp Plesel đã gửi đơn kiện hãng hàng không Air Asia lên tòa án Pháp. Theo đơn kiện, gia đình cơ phó buộc tội hãng Air Asia đã “gây ra nguy hiểm cho toàn bộ hành khách” khi cố tình thực hiện chuyến bay giữa Surabaya và Singapore dù không hề được cấp phép bay.
 
“Gia đình cơ phó Remi Plesel đã ủy quyền cho tôi thực hiện vụ kiện và hy vọng sẽ làm sáng tỏ vụ tai nạn bí ẩn này”, luật sư Eddy Arneton cho biết.

  Ảnh minh họa
Lực lượng cứu hộ trục vớt các mảnh vỡ máy bay trong suốt hơn 1 tháng qua

  Ảnh minh họa
Trong số 162 người gặp nạn, bao gồm cả phi hành đoàn, mới chỉ có 84 thi thể được tìm thấy


Trước đó, chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của Air Asia không hề được cấp phép hoạt động trong ngày chủ nhật (28/12/2014). Thế nhưng không rõ vì sao nó vẫn thực hiện lộ trình quen thuộc của mình từ thành phố Surabaya tới Singapore.
 
Cụ thể, hãng Air Asia được phép khai thác đường bay từ Surabaya tới Singapore 4 ngày/tuần nhưng không hề có ngày bay vào cuối tuần. Vụ việc chỉ vỡ lở khi QZ8501 gặp nạn.
 
Bộ trưởng Giao thông vận tải Indonesia - Ignatious Jonan đã gọi đây là một “vi phạm vô cùng nghiêm trọng” trong ngành hàng không. “Tôi không hiểu vì sao QZ8501 có thể cất cánh? Ai đã cấp phép cho máy bay này. Chắc chắn là QZ8501 phải nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý sân bay hoặc đài kiểm soát không lưu. Đó là một vi phạm cực kỳ nghiêm trọng”.
 
Liên quan tới việc cấp phép “ảo” cho QZ8501, cơ quan điều tra hiện nghi ngờ các quan chức hàng không Indonesia nhận hối lộ để các hãng bí mật tăng và đổi lộ trình bay mà không hề được cho phép. 7 nhân viên của AirNav – cơ quan giám sát và điều phối bay Indonesia – đã bị tạm thôi việc để phục vụ cho công tác điều tra
 
Chiếc máy bay A320 mang số hiệu QZ8501 được xác định do Cơ trưởng Iriyanto cùng cơ phó mang quốc tịch Pháp Remi Emmanual Plesel điều khiển. Máy bay rời Surabaya, đông Indonesia để tới Singapore sáng 28/12 nhưng nó đã mất liên lạc với đài không lưu sau khi đề nghị được nâng độ cao và chuyển hướng để tránh khu vực có thời tiết xấu phía trước.
 
Giả thiết mới đây nhất được đưa ra là phi hành đoàn quyết định nâng độ cao để tránh vùng thời tiết xấu ở vận tốc 1,83 km/phút. Đây là hành động rất mạo hiểm và bất thường của cơ trưởng Iriyanto vì tốc độ này cao gấp đôi quy định cho phép khi nâng độ cao của chiếc máy bay thương mại như  A320.
 
Các thiết bị báo động đã được kích hoạt trên máy bay. Thế nhưng khi tổ lái nhận ra được cảnh báo thì gió lớn đã khiến máy bay chòng chành dẫn tới việc thất tốc, mất kiểm soát và lao xuống biển Java. Trong hộp đen ghi âm buồng lái, các điều tra viên cho biết đã nghe thấy tiếng chuông báo động.
 
Hiện tại, hãng hàng không Air Asia đã chấp thuận chi trả bồi thường thêm 100.000 USD cho gia đình mỗi nạn nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay. Trước đó, Air Asia công bố khoản bồi thường ban đầu 24.000 USD cho mỗi nạn nhân.


Minh Quang - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc