Quân ly khai Ukraine rầm rập tổng động viên quân

07:23, 03/02/2015
|

(VnMedia) - Lực lượng ly khai miền đông Ukraine đang lên kế hoạch thực hiện một cuộc tổng động viên quân nhằm xây dựng lực lượng chiến đấu của họ thành một đội quân mạnh lên tới 100.000 binh lính. Đây là thông tin vừa được một trong những lãnh đạo hàng đầu của lực lượng ly khai tiết lộ trong ngày hôm qua (2/2).
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Các hãng tin Nga dẫn lời ông Alexander Zakharchenko – Lãnh đạo nước cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng, cho biết cuộc tổng động viên quân sẽ diễn ra vào tuần tới.
 
"Theo kế hoạch, nước cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng sẽ tiến hành cuộc tổng động viên quân trong vòng 10 ngày. 10 nghìn thanh niên sẽ được gọi nhập ngũ”, hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Zakharchenko cho biết ở thành phố Donetsk. Mặc dù vậy, ông Zakharchenko không nói rõ cuộc tổng động viên này sẽ được thực hiện như thế nào.
 
"Quân đội của cả nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk kết hợp lại sẽ thành một đội quân hùng mạnh với 100.000 binh lính”, hãng tin Interfax dẫn lời Lãnh đạo của Donetsk cho hay.
 
"Tổng động viên quân là giai đoạn đầu tiên. Sẽ có những người tình nguyện đầu tiên và chúng tôi sẽ xem xét những bước tiếp theo”, ông Zakharchenko cho biết.
 
Thông tin trên được Nhà lãnh đạo nước cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng đưa ra sau khi lực lượng ly khai tuyên bố sẽ chiếm toàn bộ hai khu vực Donetsk và Luhansk.
 
Lực lượng mới sẽ được triển khai để chống lại quân đội đang được củng cố ở phía nam vùng xung đột và “đến mùa xuân, họ sẽ phải đối đầu với một lực lượng hoàn toàn khác”, ông Zakharchenko tự tin tuyên bố. Theo nhà lãnh đạo của Donetsk, lực lượng được tổng động viên ”chắc chắn có thể chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào”.
 
Thông tin về một cuộc tổng động viên quân của lực lượng ly khai được đưa ra đúng thời điểm tờ New York Times vừa đưa tin Nhà Trắng đang cân nhắc khả năng cấp vũ khí gây sát thương cho chính quyền Kiev sau khi quân đội Kiev liên tiếp phải hứng chịu những thất bại có tính chiến lược trong cuộc chiến đấu với lực lượng ly khai. Ngày càng nhiều quan chức Mỹ ủng hộ cho kế hoạch cung cấp vũ khí gây sát thương cho Kiev bởi giới chức Mỹ tin rằng các biện pháp trừng phạt về kinh tế dường như không đủ để ngăn Nga rót vũ khí và binh lính vào chiến trường miền đông Ukraine để hậu thuẫn cho lực lượng ly khai. Cả Kiev và phương Tây liên tục đổ lỗi cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine và cáo buộc Nga đưa quân cũng như vũ khí vào miền đông Ukraine. Điện Kremlin kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc trên đồng thời thách Kiev và phương Tây đưa ra được bằng chứng xác thực.
 
Mỹ can thiệp trực tiếp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine
 
Trong khi Mỹ, phương Tây và Kiev ra sức đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng ở Ukraine thì mới đây, hồi cuối tuần, Tổng thống Barack Obama đã thừa nhận một thông tin gây sốc về vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Yanukovych hồi tháng 2 năm ngoái.
 
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNN hôm 1/2, Tổng thống Barack Obama đã nói: "Ông Putin đã đưa ra quyết định về Crimea, và Ukraine không phải là do một chiến lược to lớn nào cả mà chủ yếu là do ông ấy bị bất ngờ bởi làn sóng biểu tình ở Maidan, và sau đó là vụ chạy trốn khỏi đất nước của Tổng thống Viktor Yanukovych, sau khi chúng tôi đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận chuyển giao quyền lực ở Ukraine”.
 
Phản ứng trước phát biểu trên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, lời thừa nhận của ông Obama là “bằng chứng cho thấy Mỹ có dính líu, can thiệp trực tiếp vào cuộc đảo chính lật đổ chính phủ ở Ukraine”.
 
Cũng theo lời Ngoại trưởng Lavrov, phát biểu của ông Obama là “bằng chứng cho thấy, ngay từ đầu, Mỹ đã dính líu đến cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Ukraine mà Tổng thống Obama đã cố dùng từ dịu nhẹ là “chuyển giao quyền lực”.
 
Cuộc đảo chính ngày 22/2/2014 diễn ra ngay sau khi Tổng thống Ukraine lúc đó là ông Viktor Yanukovych vừa ký một thỏa thuận hòa giải dân tộc với phe đối lập dưới sự làm trung gian của Liên minh Châu Âu (EU) và Nga.
 
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine được châm ngòi từ sự kiện chính phủ của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 bất ngờ hủy bỏ việc ký kết các thỏa thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với Liên minh Châu Âu (EU) chỉ vài ngày trước khi sự kiện này chính thức diễn ra. Thay vào đó, Kiev chọn con đường thiết lập quan hệ gắn bó hơn với Moscow.
 
Lực lượng biểu tình ở Kiev sau đó đã lật đổ Tổng thống Yanukovych và lên cầm quyền. Điều đáng chú ý là chính quyền mới ở Kiev đã quyết liệt theo đuổi chính sách thân phương Tây và bài Nga rõ rệt. Chính quyền Kiev còn thực thi chính sách chống lại cộng đồng nói tiếng Nga ở Ukraine, khiến người dân bán đảo Crimea tìm cách được quay trở về Nga. Những diễn biến trên đã gây ra một cuộc đối đầu chính trị toàn diện ở Ukraine và biến thành một cuộc nội chiến đẫm máu ở miền đông Ukraine.
 
"Những phát biểu mới nhất của ông Obama đã cho thấy Washington có ý định tiếp tục hỗ trợ chính quyền Kiev bằng mọi cách và chính quyền Kiev rõ ràng đang tìm cách chấm dứt cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bằng con đường bạo lực”, ông Lavrov cáo buộc.
 
"Trên khắp thế giới, các đối tác phương Tây của chúng tôi đang kêu gọi đối thoại giữa chính phủ và phe đối lập như ở Yemen, Iraq, Afghanistan, Nam Sudan. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, Ukraine là một ngoại lệ và các đối tác phương Tây của chúng tôi tránh kêu gọi đối thoại. Thay vào đó, họ chỉ kêu gọi mọi sự giúp đỡ cho Kiev”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc