Trung Quốc lại khiến láng giềng "sục sôi"

11:35, 03/02/2015
|

(VnMedia) - Hồi cuối tuần qua, báo chí Trung Quốc cho đăng tải một số nguồn tin rò rỉ cho thấy nước này đang chuẩn bị bắt tay vào chế tạo con tàu sân bay thứ hai. 
 
Tờ Changzhou Evening News ngày 31/1 đưa tin, công ty Shangshang Cable đã giành được gói thầu trong việc cung cấp thiết bị cho chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc. 
 
Tờ báo cho biết: “Shangshang Cable Group, công ty số một của Trung Quốc trong lĩnh vực về đường dây cáp và đứng thứ 10 trên thế giới, đã giành được gói thầu cung cấp thiết bị cho tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc và sẽ thay thế các công ty nước ngoài trong việc cung cấp các thiết bị liên quan cho các mẫu tàu khu trục và tàu ngầm trong thời gian tới".


Ảnh minh họa
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc

Thông tin rò rỉ còn cho biết, thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô được chọn làm nơi thực hiện một số chương trình lớn trong năm 2015.
 
Bên cạnh đó, thông tin trên cũng xuất hiện ở trang blog của chính quyền thành phố trên mạng xã hội Weibo ngày 31/1. Văn phòng thông tin của chính quyền Thường Châu đăng tin này vào lúc 9h07 ngày 31/1 (theo giờ địa phương) và cũng trong ngày hôm đó, tờ Tin tức Thường Châu buổi tối cũng đưa tin tương tự.
 
Tờ South China Morning Post trích dẫn nguồn tin từ trang blog của chính quyền thành phố Thường Châu cho biết một nhà sản xuất cáp điện tại đây "thắng gói thầu cung cấp nguyên vật liệu cho việc xây mới chiếc tàu sân bay thứ hai" của Trung Quốc, đồng thời thêm rằng công ty cũng sẽ cấp một phần phụ tùng cho các tàu khu trục và tàu ngầm của hải quân.
 
Đây được coi là lời xác nhận chính thức đầu tiên về việc Hải quân Trung Quốc đang chuẩn bị các bước chế tạo tàu sân bay tiếp theo sau tàu Liêu Ninh.
 
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Hoàn cầu, ông Li Jie, chuyên gia về hải quân của Trung Quốc cho rằng cần có thêm xác nhận chính thức từ phía quân đội về thông tin trên. Hiện các cơ quan có trách nhiệm của Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào. Được biết, trước đây, những thiết bị này  chủ yếu phải nhập khẩu. Các nguồn trên dẫn lại thông tin từ một hội nghị kinh tế và công nghệ của thành phố diễn ra hôm 30/1.

Trước đó vào đầu năm 2014, ông Wang Min  - Bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh từng tiết lộ rằng, kế hoạch xây dựng tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc tại Đại Liên. Ông Vương nói thêm rằng việc xây dựng tàu sân bay mới sẽ mất ít nhất 6 năm. Tuy nhiên, thông tin trên sau đó đã bị gỡ bỏ.  Một nhà phân tích quân sự  của Trung Quốc cũng từng nhận định rằng, một tàu sân bay là không đủ cho nhu cầu của Trung Quốc và cần ít nhất 3 tàu để duy trì sự hiện diện của hải quân nước này. 

Trung Quốc gỡ toàn bộ thông tin về tàu sân bay thứ 2

Tuy nhiên, ngay sau đó, thông tin trên đã bị gỡ bỏ khỏi toàn bộ các trang web cũng như các trang mạng xã hội ở Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc không hề “giấu giếm” gì về tham vọng bành trướng sức mạnh hải quân cũng như việc trang bị thêm tàu sân bay của mình, nhưng thông tin trên nếu là sự thật sẽ khiến các quốc gia láng giềng “sục sôi” về quy mô quân sự ngày một lớn của Trung Quốc, nhất là khi nước này  đang có những hành động “ngang ngược” và “trắng trợn” trên Biển Đông và Biển Hoa Đông những năm gần đây.
 
Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, một ủy ban quốc hội của Mỹ đã từng dự đoán rằng, hải quân Trung Quốc sẽ sở hữu số lượng tàu chiến nhiều hơn cả Mỹ, đồng thời cảnh báo rằng “cán cân quyền lực” ở châu Á sẽ chuyển hướng sang Trung Quốc.
 
Dù vậy, các chuyên gia quân sự nhận định rằng, tuy chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đang tăng trưởng ở mức hai con số theo từng năm, nhưng năng lực quân sự của nước này thực chất vẫn còn thua xa Mỹ.
 
Ngoài ra, Trung Quốc cũng vẫn kém quốc gia láng giềng “đầy duyên nợ” là Ấn Độ về số lượng tàu sân bay. Trong khi Ấn Độ đã có 2 tàu sân bay đang hoạt động và một tàu đang trong quá trình chế tạo thì Trung Quốc mới chỉ có một – tàu sân bay huấn luyện được nâng cấp từ một tàu sân bay cũ từ thời Liên xô cũ.  Tác giả Sun Xiaobo bình luận trong bài viết đăng tải trên tờ Thời báo Toàn cầu rằng, điều này “không xứng tầm với sức mạnh kinh tế của đất nước”, viện dẫn việc Trung Quốc có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Hiện nay, Trung Quốc mới sở hữu một chiếc tàu sân bay  duy nhất đó là tàu Liêu Ninh. Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh được Trung Quốc tu sửa từ tàu sân bay Varyag  mua lại của Ukraine vào cuối những năm 1990. Tàu được bàn giao cho Hải quân nước này từ ngày 25/9/2012. Tàu sân bay Liêu Ninh được chính thức biên chế cho Hải quân Trung Quốc năm 2013 và đã tiến hành các thử nghiệm liên quan đến chiến đấu cơ J-15 - phiên bản copy từ máy bay Su-33 của Nga.

Tàu sân bay vốn được xem là thứ vũ khí bá chủ trên đại dương, là biểu tượng sức mạnh trên biển của bất kỳ quốc gia nào sở hữu nó. Chính vì vậy, Trung Quốc coi tàu sân bay Liêu Ninh là niềm tự hào của Lực lượng Hải quân bởi đây là lần đầu tiên nước này được sở hữu một chiếc siêu tàu chiến như vậy.
 
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích, đặc biệt là của Nga và Mỹ đã “dội gáo nước lạnh” vào niềm tự hào của Trung Quốc khi tỏ ra hoài nghi về sức mạnh thực sự của chiếc tàu chiến “khủng” này. Thậm chí, có nhà phân tích còn thẳng thừng tuyên bố, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc chỉ là một thứ vũ khí “vô dụng”, dễ dàng trở thành mồi ngon của các máy bay chiến đấu của những nước láng giềng.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc