Mỹ cuống cuồng lo thua bẽ bàng trước Nga, Trung

09:22, 03/02/2015
|

(VnMedia) - Lầu Năm Góc Mỹ mới đây đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước viễn cảnh Mỹ cuối cùng sẽ mất đi ưu thế về mặt công nghệ quân sự trước các đối thủ như Nga và Trung Quốc. Trong bối cảnh này, Mỹ đang cuống cuồng thúc giục các nước thuộc Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng hợp tác để bắt tay vào phát triển các loại vũ khí sáng tạo nhằm tối ưu hoá nguồn chi tiêu quân sự.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


“Tôi rất quan ngại về nguy cơ ngày càng tăng của việc Mỹ mất đi ưu thế về mặt công nghệ quân sự”, một khách hàng mua vũ khí của Lầu Năm Góc – ông Frank Kendall đã thẳng thắn cho biết tại một phiên điều trần của Uỷ ban Quân vụ Hạ viện Mỹ. “Chúng ta đang đối diện với nguy cơ đó và tình hình đang ngày một trở nên tồi tệ hơn”, ông Kendall cảnh báo. Ông này chỉ rõ rằng mối quan ngại của ông nằm ở việc Nga và Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ và ồ ạt vào các chương trình thiết kế và chế tạo vũ khí mới.
 
Theo lời ông Kendall, các chương trình phát triển tàu sân bay và công nghệ vệ tinh mà Trung Quốc và Nga đang thực hiện là nhằm thẳng vào năng lực quân sự của Mỹ.
 
Trong một cuộc điều trần riêng rẽ khác tại Uỷ ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ - ông Robert Work hồi giữa tuần trước đã thông báo rằng, Mỹ cần phải có “hành động táo bạo” để duy trì vị thế dẫn đầu của nước này trong công nghệ trước Nga, Trung Quốc và các nước khác khi những nước này đang tích cực phát triển những hệ thống vũ khí của riêng họ.
 
Mỹ phải “tăng cường hợp tác, phối hợp” với các thành viên của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như với các đồng minh ở Châu Á và các khu vực khác trong việc đầu tư vào những chương trình phát triển vũ khí mới.
 
Ông Work kêu gọi các nước thành viên NATO giữ lời cam kết mà liên minh này đã đưa ra hồi năm ngoái, đó là sử dụng 2% GDP để đầu tư cho quốc phòng.
 
Sự cộng tác trên diện rộng với các đồng minh trên khắp thế giới là một phần trong kế hoạch mới của Mỹ có tên là “Sáng kiến Sáng tạo Quốc phòng” (DII) với mục đích là nhằm để đảm bảo ưu thế tuyệt đối về mặt kỹ thuật, công nghệ quân sự của Mỹ trước các kẻ thù tiềm năng khác.
 
Những nhà sản xuất, chế tạo hàng đầu trong ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ như Boeing và Lockheed Martin liên tục kêu gọi Lầu Năm Góc đầu tư mạnh tay hơn nữa, nhiều hơn nữa vào các công nghệ mới.
 
Đáp lại, Lầu Năm Góc đã công bố chương trình Sáng kiến Sáng tạo Quốc phòng. Kế hoạch này được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ  Chuck Hagel đưa ra vào tháng 11 năm 2014.
 
“Chương trình đó sẽ đưa mọi nguồn lực vào các sáng tạo”, ông Hagel tuyên bố hôm 15/11 năm ngoái tại một hội thảo về quốc phòng của Quỹ Tổng thống Ronald Reagan ở Simi Valley, California. Nguồn ngân sách dành cho Chương trình Sáng tạo Quốc phòng chưa được công bố cụ thể.
 
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work được bổ nhiệm dẫn đầu nhóm các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc trong Chương trình Sáng tạo Quốc phòng.
 
Hai tháng sau, phát biểu tại Uỷ ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, ông Work cũng đã tiết lộ ngân sách đầu tư cho Chương trình Sáng tạo Quốc phòng. Ông Work cho hay khoản đầu tư đó sẽ “rất đáng kể” và sẽ được dành cho nhiều phương tiện vũ khí hạng nặng khác nhau, từ vũ khí hạt nhân, năng lực kiểm soát vũ trụ, hệ thống chiến tranh mạng, phòng thủ tên lửa đến vũ khí tấn công tốc độ cao, phương tiện hoạt động dưới biển không người lái, các thiết bị cảm biến tối tân và hệ thống công nghệ lazer năng lượng cao và súng điện từ.
 
Về phần mình, ông Kendall tiết lộ, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cấp  một nguồn ngân quỹ đặc biệt cho việc thiết kế một loại máy bay tương lai thế hệ mới X-plane để “kế nhiệm” siêu chiến đấu cơ F-35 và chế tạo động cơ mới cho nó.
 
Ông Work cũng cho hay, một số công nghệ then chốt như công nghệ robot, chế độ tự động sẽ được các công ty thương mại đầu tư nghiên cứu thêm.
 
Nỗi lo của Mỹ không phải không có cơ sở khi nước Mỹ đang phải đối diện với tình trạng thắt chặt, cắt giảm chi tiêu quốc phòng thì Nga và Trung Quốc lại đang tăng cường đầu tư ô ạt và mạnh tay vào các chương trình vũ khí, hiện đại hoá quân sự.
 
Ngay từ khi giới chức cầm quyền Mỹ nói đến việc cắt giảm chi tiêu ngân sách quốc phòng, rất nhiều các tướng lĩnh quân sự Mỹ để bày tỏ sự lo ngại thực sự về khả năng siêu cường số 1 thế giới bị thụt lùi so với các đối thủ tiềm tàng. Ngoài ra, Mỹ còn phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh mới - những thách thức lớn hơn, đáng sợ hơn rất nhiều.
 
Lầu Năm Góc đòi ngân sách quốc phòng lớn hơn
 
Trước tình hình trên, chính quyền của Tổng thống Barack Obama ngày hôm qua (2/2) đã đề nghị một khoản ngân sách quốc phòng là 534 tỉ USD cộng thêm ngân sách chiến tranh là 51 tỉ USD. Lầu Năm Góc kêu gọi Quốc hội Mỹ chấm dứt cắt giảm chi tiêu quốc phòng để tránh làm xói mòn sức mạnh quân sự của siêu cường số 1 thế giới.
 
Nguồn ngân sách quốc phòng căn bản được đề xuất đã vượt qua ngưỡng 499 tỉ USD được Mỹ đặt ra cho đến năm tài chính 2016. Điều này đã gây ra một cuộc tranh cãi trong Quốc hội Mỹ về việc liệu có nên tiếp tục cắt giảm sâu ngân sách hay là sửa đổi mức hạn chế được đặt ra trong một dự luật năm 2011 nhằm thu hẹp thâm hụt ngân sách của Mỹ nói trên.
 
Giới chức quốc phòng thừa nhận, khoản ngân sách đề nghị của họ đã vượt mức giới hạn chi tiêu liên bang nhưng Tướng Martin Dempsey - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ cho rằng, khoản ngân sách đó là “mức nguồn lực tối thiểu cần thiết để duy trì một lực lượng thích hợp về quy mô và đủ năng lực cũng như sự sẵn sàng để đáp ứng các cam kết toàn cầu” của Mỹ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc