EU sợ lộ điểm yếu trước Nga

09:28, 20/01/2015
|

(VnMedia) - Liên minh Châu Âu hôm qua (19/1) đã phải vội vã tìm cách đập tan bất cứ hoài nghi nào về việc mặt trận thống nhất của liên minh này đang dần tan vỡ trước Nga và rằng EU đang cân nhắc khả năng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Moscow trong tương lai gần.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Những câu hỏi lâu nay về việc liệu EU có thể duy trì được sự đoàn kết trước Nga hay không lại nổi lên sau khi xuất hiện một văn bản của EU bị lộ ra ngoài trong đó cho thấy liên minh này đang tìm cách để cải thiện quan hệ với Moscow. Các thành viên EU thân thiết với Nga từ lâu đã tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt.

 

Tuy nhiên, ngoại trưởng các nước thành viên EU hôm qua nhấn mạnh, họ chỉ cân nhắc nới lỏng các biện pháp trừng phạt nếu Nga bắt đầu tuân theo các điều khoản của thoả thuận được ký kết ở thủ đô Minsk của Belarus hồi tháng 9 năm ngoái.

 

Thoả thuận Minsk có mục đích là để giảm căng thẳng bằng cách thiết lập một chế độ ngừng bắn, yêu cầu các bên rút vũ khí, thiết bị quân sự hạng nặng và thực hiện một số biện pháp khác. Bạo lực ở miền đông Ukraine bắt đầu leo thang trong mấy ngày gần đây với chiến sự đặc biệt nóng bỏng và ác liệt ở thành trì chính của quân ly khai - Donetsk .

 

“Vấn đề cần thảo luận không phải là sự giúp đỡ, ủng hộ của chúng ta với Ukraine . Sự giúp đỡ đó luôn mạnh mẽ và kiên định”, cao uỷ phụ trách chính sách đối ngoại của EU - bà Federica Mogherini cho biết tại cuộc họp giữa các ngoại trưởng ở Brussels ngày hôm qua. “Bất kỳ quyết định nào về các biện pháp trừng phạt... sẽ chỉ dựa trên sự tiến triển của tình hình thực địa”, bà Mogherini nói thêm.

 

Giới lãnh đạo phương Tây cho rằng Moscow đang coi thường thoả thuận Minsk , vì vậy họ không có lý do gì để nới lỏng các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nga. Mỹ và EU cáo buộc Nga ủng hộ, hậu thuẫn và cung cấp cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine nhưng Moscow kiên quyết bác bỏ cáo buộc này.

 

“Bất kỳ ý kiến nào cho rằng EU đang tiến dần tới việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga đều là không đúng”, ông Charles Flanagan – Bộ trưởng Đối ngoại và Thương mại Ireland khẳng định.

 

EU: Phe cứng rắn đang thắng thế?

 

Trên thực tế, điểm yếu mà EU sợ lộ trước Nga chính là sự mâu thuẫn trong nội bộ của liên minh này trong chính sách đối vớiNga. Hiện tại, EU đang được chia làm hai phe với một bên quyết liệt theo đuổi chính sách trừng phạt, gây sức ép với Nga trong khi bên còn lại muốn nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga và thay vào đó là con đường đàm phán, đối thoại. Có vẻ như phe cứng rắn, diềuhâu đang thắng thế trong nội bộ EU.

 

Tài liệu bị rò rỉ của bà Federica Mogherini trong đó thể hiện sự mong muốn cải thiện quan hệ với Nga đã nhanh chóng vấp phải phản ứng mạnh mẽ của những thành phần diều hâu trong EU. Những nước này cho rằng, việc áp dụng một lập trường dịu nhẹ hơn với Nga vào thời điểm này sẽ phát đi một thông điệp sai lầm cho Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc quyết tâm của EU đang tan vỡ.

 

Ngoại trưởng Lithuania – ông Linkevicius phát biểu đầy quyết liệt rằng, không có lý do gì để EU thay đổi chính sách và gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga.

 

Cùng quan điểm với ông Linkevicius, Ngoại trưởng Đan Mạch Martin Lidegaard cho rằng, bây giờ chưa phải là thời điểm thích hợp để EU “từ bỏ bất kỳ biện pháp trừng phạt nào hay phát đi bất kỳ tín hiệu nào về việc chúng ta sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp đó. Nhưng chúng ta nên khai thác khả năng tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng".

 

Ngoại trưởng Thuỵ Điển Margot Wallstrom nhấn mạnh, EU cần phải duy trì các biện pháp trừng phạt với Nga nhưng cũng cần một kế hoạch lâu dài để tăng cường hợp tác với Nga.

 

Trái với những phát biểu mạnh mẽ, cứng rắn trên, ông Sebastian Kurz- Ngoại trưởng Áo cho rằng, EU nên vạch ra một chiến lược để đưa quan hệ với Nga trở lại vị trí vững chắc, lâu dài. “Đó không phải là chiến lược mài sắc thêm hay nới lỏng các biên pháp trừng phạt. Đó là về cách thức để tránh việc phản ứng đơn thuần... Tôi cho rằng thật là sai lầm khi chỉ phản ứng”, ông Kurz nhấn mạnh. Áo là một trong nhiều nước trong EU muốn áp dụng một lập trường dịu nhẹ với Nga.

 

Ngoại trưởng các nước thành viên EU không đưa ra quyết định gì về các biện pháp trừng phạt Nga trong ngày hôm qua (19/1). Tuy nhiên, chắc chắn EU sẽ phải đưa ra một quyết định về chính sách trừng phạt Nga vào tháng 3 tới bởi đây là thời điểm một số biện pháp trừng phạt của Liên minh Châu Âu nhằm vào Moscow hết hạn.

 

Cuộc họp vào tháng 3 tới được cho là sẽ chứng kiến nhưng cuộc thảo luận, tranh cãi gay gắt trong nội bộ các nước EU về việc có nên tiếp tục theo đuổi chính sách trừng phạt Nga. Để gia hạn thời gian thêm cho các biện pháp trừng phạt Nga đòi hỏi phải có sự đồng lòng, thống nhất của các nước EU. Tuy nhiên, điều này không phải là dễ khi hiện tại nhiều nước EU đã bắt đầu sốt ruột về hậu quả gây ra từ chính sách trừng phạt Nga đối với chính bản thân họ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc