Nga tung “át chủ bài”, EU ngỡ ngàng

15:12, 19/01/2015
|

(VnMedia) - Moscow mới đây tuyên bố, nước này đang có kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí đốt nối giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Trong 3 năm nữa, Nga sẽ không còn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Tây Âu thông qua Ukraine. Dự án này được cho là mang tính chính trị nhiều hơn là kinh tế.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Các hãng tin Nga hồi tuần trước đưa tin, Nga đã ra thông báo về việc sẽ ngừng cung cấp khí đốt trực tiếp cho Châu Âu thông qua hệ thống mạng lưới đường ống trung chuyển ở Ukraine trong vòng 3 năm tới.
 
Động thái trên đe doạ đến an ninh năng lượng của Liên minh Châu Âu (EU) và có thể buộc người Châu Âu phải nhanh chóng tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc của khu vực này vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga.
 
Moscow cho biết, nước này sẽ sử dụng hệ thống mạng lưới đường ống khí đốt mới thông báo đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, bỏ qua Ukraine, để vận chuyển khoảng 60 tỉ mét khối khí đốt đến trung tâm khí đốt mới nằm giữa biên giới Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. 40% lượng khí đốt trên là xuất khẩu sang Châu Âu. Thông tin này đòi hỏi Châu Âu cần phải có sự sắp xếp của riêng mình, trong đó có việc phải xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới để nhận khí đốt từ Nga cũng như phân phối đi các nơi.
 
Hiện tại, Nga vẫn chưa ký một thoả thuận toàn diện với Thổ Nhĩ Kỳ cũng chưa bắt đầu tiến hành dự án xây dựng được cho là đắt đỏ và mất nhiều năm này.
 
Theo Bloomberg, giới chức năng lương Châu Âu đã hoàn toàn bị động, ngỡ ngàng trước thông báo của Nga. "Chúng tôi không làm việc như thế này. Hệ thống thương mại và thói quen thương mại là khác nhau. Quyết định của Nga không có ý nghĩa về mặt kinh tế”, ông Sefcovic –một quan chức năng lượng của Châu Âu nhấn mạnh.
 
Giới chuyên gia cho rằng, chiến lược đường ống dẫn khí đốt mới của Nga cho Châu Âu mang động cơ chính trị, được thiết kể không phải để bán thêm khí đốt hay giúp cho hoạt động cung cấp khí đốt trở nên hiệu quả hơn mà là để tránh hệ thống đường ống Hữu nghị thời Xô-viết – một hệ thống mà phần lớn khí đốt và dầu mỏ của Nga được đưa đến Châu Âu thông qua Ukraine.
 
Nga xem Ukraine như là một đối tác trung chuyển khí đốt thiếu tin cậy từ thời Cách mạng Cam năm 2004. Moscow liên tục mẫu thuẫn, cãi vã với chính quyền Kiev về các điều khoản vận chuyển khí đốt. Trong hai dịp lần lượt vào năm 2006 và 2009, cuộc chiến khí đốt giữa Nga và Ukraine đã dẫn đến việc Moscow ngừng cung cấp khí đốt cho Châu Âu, đẩy khách hàng Châu Âu vào một mùa đông tê công.
 
Năm 2011, Nga đã đạt được một nửa mục tiêu chiến lược khi khởi công xây dựng dự án đường ống khí đốt mang tên Dòng chảy Phía Bắc dưới Biển Baltic. Theo đó, khí đốt của Nga sẽ được vận chuyển thẳng trực tiếp đến khách hàng quan trọng nhất của nước này là Đức.
 
Tuy nhiên, dự án Dòng chảy Phía Nam 45 tỉ USD – một nửa mục tiêu chiến lược còn lại của Nga, đã không thành công được như dự án Dòng chảy Phía Bắc. Dự án Dòng chảy Phía Nam được thiết kế để phục vụ cho các khách hàng ở trung và nam Âu. Dự án này đã rơi vào bế tắc sau khi cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine bùng lên hồi năm ngoái. Khi Uỷ ban Châu Âu thuyết phục Bulgaria ngừng tham gia vào dự án Dòng chảy Phía Nam, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tung một đòn gây choáng váng khi bất ngờ tuyên bố huỷ bỏ toàn bộ dự án này hồi tháng trước.
 
Theo kế hoạch ban đầu, hệ thống đường ống Dòng chảy Phía Nam sẽ đi qua Bulgaria, Serbia, Hungary, Slovenia, Áo, Italia ở một nhánh và Croatia, Macedonia, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ ở nhánh thứ hai. Nga đã bắt tay xúc tiến dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phía Nam đi qua Biển Đen từ năm 2012. Hệ thống đường ống dẫn này sẽ cho phép Nga cung cấp khí đốt cho Châu Âu mà không đi qua hệ thống đường ống trung chuyển trên lãnh thổ Ukraine. Như vậy, Moscow sẽ không còn phụ thuộc vào nước láng giềng Ukraine và sẽ không có chuyện xảy ra những cuộc chiến khí đốt gây ảnh hưởng đến các khách hàng Châu Âu của Nga.
 
Dự án Dòng chảy Phía Nam thực ra là có lợi cho nhiều nước Châu Âu. Dự án này ngoài việc đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt ổn định cho nhiều nước Châu Âu còn giúp các nước ở dọc tuyến đường ống dẫn khí có được những khoản tiền phí trung chuyển lớn và công ăn việc làm cho người dân ở những nước đó.
 
Tuy nhiên, dự án trên đã trở thành nạn nhân của sự phản đối từ Ủy ban Châu Âu và sự phản đối này càng trở nên mạnh mẽ hơn khi dự án có trị giá đến 40 tỉ USD này bỗng chốc bị chính trị hoá vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Động thái huỷ bỏ dự án Dòng chảy Phía Nam đã khoét sâu thêm mâu thuẫn chính trị trong nội bộ Châu Âu, đặc biệt là giữa các nước đang hy vọng được hưởng lợi từ dự án khủng của Nga khi dự án này cung cấp cho họ nguồn cung cấp khí đốt trực tiếp từ Nga.
 
Thông báo của Nga hồi tuần trước về việc nước này sẽ vận chuyển toàn bộ khí đốt của mình đến một trung tâm ở biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Châu Âu đã gây ra một cuộc tranh cãi gắt gắt. Trong khi Liên minh Châu Âu lên án dự án đó thì những nước được lợi như Hy Lạp lại hoan nghênh nhiệt liệt.
 
Nhiều nhà phân tích tin rằng, động thái mới của ông chủ điện Kremlin Putin là bước đi nhanh nhạy, sắc bén và tuyệt vời. Ông Putin đã tung ra một cú đấm choáng váng cho những người Châu Âu chống đối ông và củng cố vị thế trên bàn đàm phán của Nga với Châu Âu.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc