Cuống cuồng lo khủng bố, EU “bỏ rơi” Ukraine?

18:11, 19/01/2015
|

(VnMedia) - Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) hôm nay (19/1) sẽ tổ chức một cuộc họp trù bị trước thềm hội nghị thượng đỉnh chính thức vào tháng tới. Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất ở đây là thay vì tập trung vào cuộc khủng hoảng Ukraine đang nóng trở lại, các nước EU lại quan tâm nhiều hơn đến mối đe doạ từ khủng bố.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Sau khi xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu gây chấn động thế giới ở thủ đô Paris hồi đầu tháng này và vụ phát hiện một tổ chức chiến binh ở Bỉ, chủ đề mối đe doạ khủng bố đã che mờ tất cả các chủ đề khác và nó trở thành trọng tâm chính trong cuộc họp giữa Ngoại trưởng các nước EU trong ngày hôm nay. Tuy vậy, sau vấn đề khủng bố, các nước EU được cho là cũng sẽ tìm cách giải quyết các bất đồng sâu sắc trong nội bộ liên minh liên quan đến mối quan hệ với Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Loạt vụ tấn công xảy ra ở thủ đô Paris do 3 công dân Pháp gây ra có liên quan đến các nhóm chiến binh Hồi giáo khác nhau ở Syria và Yemen. Tiếp đó, giới chức Bỉ lại phát hiện ra một nhóm khủng bố ngay trong lòng nước này. Những diễn biến liên tiếp đáng lo ngại trên đã khiến EU không còn tâm trí nào để tập trung vào các vấn đề khác ngoài nội dung về sự cần thiết phải tăng cường sự hợp tác nhiều hơn cho cuộc chiến chống lại mối đe doạ từ lực lượng chiến binh nước ngoài trở về từ những thành trì khủng bố.
 
Ngoại trưởng các nước EU sẽ không đưa ra quyết định gì trong cuộc họp ngày hôm nay mà sẽ chỉ tập trung thảo luận về một loạt sự lựa chọn để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào tháng tới. Sở dĩ gọi hội nghị thượng đỉnh này là đặc biệt bởi nó được tổ chức chỉ để tập trung vào chủ đề chống chủ nghĩa khủng bố, các nguồn tin ngoại giao của EU cho hay.
 
Trong bối cảnh này, ngoại trưởng các nước EU cũng sẽ xem xét tình hình ở Liyba – một cuộc khủng hoảng “bị lãng quên một nửa và đang trở nên ngày một tồi tệ”, một nhà ngoại giao EU cho hay.
 
Liên minh Châu Âu (EU) hồi cuối tuần vừa rồi đã lên tiếng hoan nghênh một thoả thuận đạt được giữa các phe phái đối địch nhau ở Libya nhằm tìm cách tiến tới xây dựng một chính phủ đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, EU cũng cảnh báo, vẫn còn “một con đường dài phía trước cần phải đi” trước khi mang đến được hoà bình cho một quốc gia đang ở bờ vực của sự sụp đổ.
 
Ngoài chủ đề về chống khủng bố, EU cũng sẽ đề cập đến mối quan hệ với Nga. Chủ đề này được cho là rất khó giải quyết và có thể là “một bãi mìn tiềm năng” cho cao uỷ phụ trách chính sách đối ngoại của EU – bà Federica Mogherini.
 
EU muốn nhanh chóng hàn gắn quan hệ với Nga?
 
Bà Mogherini đã cho phân phát một bản tài liệu về nội dung thảo luận cho cuộc họp, trong đó yêu cầu ngoại trưởng các nước EU cân nhắc “về những yếu tố để dần dần tăng cường hợp tác” với Moscow. Cao uỷ phụ trách chính sách đối ngoại của EU cho rằng, Nga và EU có thể hợp tác trong những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm như Syria, Iraq và mối đe doạ từ nhóm khủng bố khét tiếng thế giới Nhà nước Hồi giáo.
 
Quan trọng hơn, tài liệu của EU đề nghị có sự phân biệt rõ ràng “giữa các biện pháp trừng phạt có liên quan đến Crimea và các biện pháp trừng phạt liên quan đến tình hình bất ổn ở miền đông Ukraine".
 
EU do đó sẽ tập trung vào việc bảo đảm thực hiện đầy đủ các thoả thuận Minsk được Nga ủng hộ hồi tháng 9 năm ngoái và các thoả thuận này nhằm chấm dứt tình trạng giao tranh, đụng độ ở miền đông Ukraine  - cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.800 người.
 
Tuy nhiên, đối với những người chỉ trích văn bản kêu gọi tăng cường hợp tác với Nga của EU là một hành động nguy hiểm, vì nó gần như thể hiện sự chấp nhận ngầm của liên minh đối với vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga hồi tháng 3 năm ngoái.
 
Việc tài liệu thảo luận của EU bị lộ ra ngoài hồi tuần trước đã khiến một số thành phần cứng rắn càng thêm lo ngại về bà Mogherini – người từng đối mặt với cáo buộc về lập trường mềm dẻo đối với Moscow khi bà còn giữ chức Ngoại trưởng Italia trước khi tiếp nhận vị trí cao uỷ phụ trách chính sách đói ngoại của EU.
 
Một số thành phần cứng rắn trong EU tuyên bố chưa thể thay đổi lập trường với Nga trong thời điểm này vì cho rằng điều đó sẽ phát đi thông điệp sai lầm cho Nga. Họ cho rằng, không thể tách riêng mối quan hệ Nga-EU với những gì đang xảy ra ở Ukraine.
 
Trên thực tế, hiện tại đang có rất nhiều nước EU muốn khôi phục, hàn gắn lại mối quan hệ với Nga, đặc biệt kể từ sau khi xảy ra loạt vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris. EU và NATO đều nhanh chóng lên tiếng tuyên bố về sự cần thiết phải hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố. Chưa kể, trước đó, nội bộ EU đã mâu thuẫn trong chính sách trừng phạt đối với Nga. “Ngấm đòn đau” từ chính những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, hàng loạt nước EU giờ đây chỉ mong nhanh nhanh chóng chóng có thể dỡ bỏ các đòn trừng phạt này để tháo gánh nặng cho chính họ.
 
Theo kế hoạch, vấn đề trừng phạt Nga sẽ trở thành trọng tâm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 3 khi một số đòn trừng phạt của Nga hết thời hạn. Khi đó, EU sẽ phải đưa ra quyết định về việc liệu có dỡ bỏ hay tiếp tục trừng phạt Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc