Tổng thống Obama lo ngại phản ứng của Nga?

07:22, 19/12/2014
|

(VnMedia) - Tổng thống Barack Obama đã ký vào dự luật mở đường cho việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga nhưng tuyên bố chưa có ý định hành động theo dự luật đó. Phải chăng Tổng thống Obama đang run tay trước Nga và chỉ ký dự luật trên để làm hài lòng các nghị sĩ cứng rắn của Mỹ.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Obama


Tổng thống Obama được cho là chần chừ không muốn hạ bút ký vào Dự luật Hỗ trợ Tư do cho Ukraine. Điều đó được thể hiện qua thông tin mâu thuẫn mà giới chức Mỹ đưa ra trước đó quanh việc ký phê chuẩn dự luật này.

Trước đó, hôm thứ Ba (16/12), thư ký báo chí của Nhà Trắng – ông Josh Earnest đã ra một tuyên bố trong đó nói rằng, dự luật cho phép tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga dự kiến sẽ được ký kết “vào cuối tuần”. Một ngày sau, hôm 17/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Jen Psaki đã lên tiếng khẳng định, Tổng thống Obama đã ký vào dự luật nói trên.
 
“Ông ấy đã ký dự luật đó vào ngày hôm qua”, bà Psaki cho biết trong cuộc họp báo khi phóng viên hỏi về Dự luật Hỗ trợ Tự do cho Ukraine.
 
Tuy nhiên, theo xác nhận sau đó của đại diện đến từ Nhà Trắng thì “Tổng thống vẫn chưa ký dự luật” mà Quốc hội Mỹ đã thông qua bất chấp việc ông đang bị gây sức ép và hối thúc phê chuẩn dự luật.
 
"Bà Jen [Psaki] thực sự đã nói nhầm trong cuộc họp báo ngày hôm nay, vì thế chúng tôi đã đính chính lại thông tin ngay ở phần cuối của thông cáo báo chí được đăng tải trên website của chúng tôi chỉ một vài phút sau đó”, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận.

Sau những chần chừ, do dự, Tổng thống Obama hôm qua (18/12) cuối cùng cũng đã ký vào dự luật mở đường cho việc tung ra các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nữa nhằm vào Nga. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố, chính quyền của ông chưa có ý định đưa ra thêm bất kỳ động thái nào vào thời điểm này.

Ông Obama cho biết, ông đã ký vào bản Dự luật Hỗ trợ Tự do cho Ukraine nhưng chính quyền Mỹ không có ý định áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới với Nga ngay lúc này. "Việc ký kết dự luật không phải là tín hiệu của một sự thay đổi trong chính sách trừng phạt của chính quyền. Chính sách này cần phải được tính toán cẩn thận phù hợp với diễn biến tình hình trên thực tế và phải có sự phối hợp với các đối tác, đồng minh của chúng ta", Tổng thống Mỹ đã nói như vậy.

Phát biểu trên của ông Obama đồng nghĩa với việc, dự luật chỉ được ký trên giấy mà chưa được thực thi. Phải chăng, việc ông Obama ký dự luật chỉ là để làm hài lòng Quốc hội Mỹ nhưng ông này sẽ chưa dám hành động vì sợ sẽ khiến Moscow nổi giận.

Trước đó, tối muộn hôm Thứ Bảy (13/12), Quốc hội Mỹ đã thông qua Dự luật Hỗ trợ Tự do cho Ukraine. Dự luật Hỗ trợ Tự cho cho Ukraine cho phép nhưng không bắt buộc về mặt pháp lý việc Tổng thống Obama có thể cung cấp viện trợ quân sự gây sát thương và không gây sát thương cho Ukraine, trong đó có các vũ khí chống tăng, đạn dược và các máy bay do thám không người lái. Cụ thể, dự luật này có thể mở đường cho việc Mỹ cung cấp vũ khí hạng nặng có trị giá 350 triệu USD cho chính quyền Ukraine.
 
Ngoài vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine, dự luật vừa được Quốc hội Mỹ thông qua còn cho phép áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào các ngành công nghiệp quốc phòng và năng lượng của Nga với mục tiêu là những công ty như tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước của Nga - Rosoboronexport. Mỹ có thể tung ra thêm các biện pháp trừng phạt đối với ngành quốc phòng nếu các công ty nhà nước của Nga tiếp tục bán hoặc chuyển giao vũ khí, thiết bị quân sự cho Syria hoặc các thực thể ở Ukraine, Gruzia hay Moldova mà không được sự đồng ý của các chính phủ ở những nước đó.
 
Dự luật mới của Mỹ cũng mở ra khả năng trừng phạt tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga nếu tập đoàn này bị phát hiện hạn chế đáng kể nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho các nước NATO hoặc Ukraine, Gruzia hay  Moldova.

Chưa hết, dự luật của Mỹ còn tính đến việc cấp kinh phí 20 triệu USD hàng năm để hỗ trợ “cho các tổ chức dân sự và dân chủ ở Nga”, trong đó có việc tăng cường “các hoạt động truyền hình, truyền thanh do chính phủ Mỹ hỗ trợ”. Một ưu tiên khác là mở rộng hoạt động truyền hình, truyền thanh ở các nước cựu Xô –viết với chi phí mỗi năm khoảng 10 triệu USD.

"Phương pháp tiếp cận lỗi thời"
 
Tổng thống Obama lâu nay vẫn kiên quyết chống lại lựa chọn đưa vũ khí sát thương và binh lính vào Ukraine mà chỉ ủng hộ việc cung cấp viện trợ không gây sát thương cho quốc gia Đông Âu. Ông Obama cùng giới lãnh đạo phương Tây hoàn toàn không muốn cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine bởi điều đó có thể kích động Nga làm điều tương tự. Ngoài ra, cách đây không lâu, ông Obama cũng từng có phát biểu ám chỉ ông phản đối việc đơn phương áp đặt thêm các biện pháp kinh tế nhằm vào Moscow, nói rằng điều đó sẽ “gây phản tác dụng” cho Washington” khi “đi trước Châu Âu” trong vấn đề này.
 
Thông tin về việc ông Obama ký Dự luật Hỗ trợ Tự do cho Ukraine được đưa ra cùng ngày với thông tin ông chủ Nhà Trắng vừa có thông báo mang tính lịch sử về việc “thay đổi chính sách” với Havana. Theo đó, Mỹ có kế hoạch khôi phục lại quan hệ ngoại giao với Cuba, dỡ bỏ lệnh cấm vận mua bán và xuất khẩu cũng như mở Đại sứ quán tại Havana.
 
Khi đưa ra thông báo trên, Tổng thống Obama đã nói rằng, “nhiều thập kỷ áp dụng phương pháp tiếp cận lỗi thời đã không đem đến sự thay đổi về chính quyền ở Cuba. Không có nước nào khác tham gia cùng với chúng ta trong việc trừng phạt Cuba. Và nó cũng ít có tác dụng. Chúng ta sẽ chấm dứt phương pháp tiếp cận lỗi thời kéo dài nhiều thập kỷ và đã thất bại đó để phục vụ cho lợi ích của chúng ta”.
 
Trong trường hợp của Nga, giới chính khách Mỹ, trong đó có Tổng thống Obama, đã từng thừa nhận việc áp dụng các biện pháp trừng phạt cho đến nay không hiệu quả như mong đợi. Tuy nhiên, “trường hợp với mỗi nước rất là khác nhau”, phát ngôn viên Psaki đã nói như vậy rõ ràng là để ám chỉ rằng Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách “cô lập” Nga.
 
Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ hy vọng, Washington cuối cùng có thể nhận ra sự vô hiệu quả, vô tác dụng của những biện pháp trừng phạt mà họ thường dùng để gây sức ép với các nước như trong trường hợp của Cuba.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc