Nữ Thủ tướng Thái nhận tối hậu thư lạnh lùng

07:34, 02/12/2013
|

(VnMedia) - Những người biểu tình chống chính phủ Thái Lan đêm qua (1/12) đã ra tối hậu thư cho nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, trong đó yêu cầu bà phải trao lại quyền lực cho nhân dân trong hai ngày nữa. Điều này đồng nghĩa với việc bà Yingluck sẽ phải từ chức và giải tán Hạ viện.

 

Ảnh minh họa

Thủ tướng Thái Lan không giấu nổi nỗi lo âu trên khuôn mặt của bà khi cuộc khủng hoảng chính trị mỗi lúc một nghiêm trọng.


Ông Suthep Thaugsuban – người đang dẫn dắt các cuộc biểu tình đường phố lớn nhất kể từ năm 2010 đến giờ, đã đưa ra thông báo về tối hậu thư trên khi tóm tắt nội dung cuộc họp giữa ông với Thủ tướng Yingluck trước đó cùng ngày cho những người biểu tình.

 

Lập trường của Ủy ban Cải cách Dân chủ của Nhân dân (PDRC) đã được tái khẳng định tại cuộc họp, ông Suthep cho biết. PDRC là một liên minh vừa được thành lập bao gồm các nhóm chống chính phủ khác nhau với mục đích thúc đẩy cải cách chính trị ở Thái Lan. Ông Suthep hiện đang giữ chức Tổng thư ký của PDRC.

 

Ông Suthep tuyên bố, những người biểu tình sẽ không thỏa mãn cho đến khi ghi được “một chiến thắng cho nhân dân”. Tuy nhiên, ông này không cho biết cụ thể họ sẽ “tung” ra hành động gì nếu như nữ Thủ tướng Thái Lan thách thức tối hậu thư của họ. Thủ lĩnh cuộc biểu tình và cũng từng là cựu nghị sĩ Đảng Dân chủ - ông Suthep khẳng định, cuộc họp ngày hôm qua sẽ là cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa ông này với bà Yingluck. “Sẽ không có đàm phán hay nhân nhượng nào cả”, ông Suthep nhấn mạnh. Ông này liên tục bác bỏ mọi lời kêu gọi đối thoại, đàm phán của Nhà lãnh đạo Yingluck.

 

Động thái gửi tối hậu thư trên có thể giúp tạm dừng tình trạng biểu tình leo thang hiện nay nhưng nó được cho là không thể giải quyết cuộc xung đột căn bản giữa hai phe phái trên chính trường Thái Lan, đặc biệt khi mà hầu hết giới các nhà quan sát và phân tích đều tin rằng đảng cầm quyền Pheu Thai gần như chắc chắn sẽ quay trở lại cầm quyền sau một cuộc bầu cử sớm.

 

Tất cả các tướng lĩnh trong Lực lượng Vũ trang Thái Lan, trong đó có cả Tư lệnh Quân đội Prayuth Chan- ocha, được cho là đã chứng kiến cuộc họp giữa ông Suthep và Thủ tướng Yingluck ở một địa điểm bí mật.

 

Người ta tin rằng, đây là lần đầu tiên giới tướng lĩnh quân sự hàng đầu Thái Lan tham gia vào cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở quốc gia Đông Nam Á.

 

Trước đó cùng ngày, Tư lệnh Prayuth đã đề nghị được làm trung gian hòa giải giữa chính phủ với người biểu tình nhằm sớm tìm được lối thoát cho tình hình hỗn loạn hiện nay. Ông Prayuth đến giờ vẫn khẳng định lập trường trung lập của quân đội trong cuộc đối đầu giữa hai phe chống và ủng hộ chính phủ.

 

Lo ngại về viễn cảnh một cuộc đảo chính quân sự đang tăng lên kể từ sau khi bạo lực bắt đầu bùng phát từ tối ngày 30/11. Những người biểu tình chống chính phủ và phe áo đổ ủng hộ chính phủ đã lao vào ẩu đả, đụng độ với nhau khiến ít nhất 4 người chết và 57 người bị thương.

 

Nữ Thủ tướng Thái Lan đã phải trốn chạy người biểu tình

 

Hai ngày cuối tuần vừa rồi đã chứng kiến tình hình leo thang một cách nghiêm trọng và đáng báo động trong các cuộc biểu tình mà phe đối lập gọi là “cuộc đảo chính của nhân dân”.

 

Trong một diễn biến cho thấy mọi việc sắp vượt qua tầm kiểm soát, cảnh sát Thái Lan hôm qua đã lần đầu tiên có cuộc đối đầu với làn sóng người biểu tình. Cảnh sát đã buộc phải bắn hơi cay khi người biểu tình ném đá về phía họ, gây ra tình trạng hỗn loạn và làm tê liệt nhiều khu vực ở thủ đô Bangkok .

 

Một nhóm người biểu tình đã buộc Thủ tướng Yingluck phải sơ tán đến một địa điểm bí mật bởi tòa nhà nơi bà có ý định thực hiện một số cuộc trả lời phỏng vấn báo chí đã bị hàng trăm người biểu tình chiếm đóng. Người biểu tình cũng kéo đến bủa vây, giành quyền kiểm soát và vẫy cờ, thổi còi ở đài truyền hình quốc gia Thai PBS.

 

Tuyên bố ngày hôm qua là ngày "V-Day" trong nỗ lực kéo dài một tuần nhằm lật đổ chính phủ của bà Yingluck và chấm dứt ảnh hưởng kéo dài cả một thập kỷ của gia đình bà Yingluck đối với chính trường Thái Lan, giới thủ lĩnh biểu tình kêu gọi những người ủng hộ chiếm giữ 10 văn phòng chính phủ, 6 đài truyền hình, các trụ sở của cảnh sát và các văn phòng của Thủ tướng.

 

Cảnh sát cho biết, khoảng 30.000 người biểu tình chống chính phủ đã tụ tập tại ít nhất 8 địa điểm. Ở 3 trong số những địa điểm này, cảnh sát đã sử dụng súng hơi cay và súng nước để bắn vào những người biểu tình đang ném đá, chai nhựa và nhiều vật thể khác.

 

Ngày hôm qua, chính phủ Thái Lan đã buộc phải áp đặt lệnh giới nghiêm kéo dài từ 10h đêm đến 5 giờ sáng ngày hôm nay (2/12) trên khắp thủ đô Bangkok và những khu vực lân cận xung .

 

Trong khi đó, đảng cầm quyền Pheu Thai thừa nhận, giải tán Hạ viện có thể sẽ là “biện pháp cuối cùng” để chấm dứt tình hình cuộc khủng hoảng chính trị đang leo thang nghiêm trọng hiện nay.

 

Tờ Bangkok Post hôm qua dẫn lời một quan chức cấp cao trong đảng cầm quyền cho biết, các nhà lãnh đạo của đảng đã có cuộc găp với nữ Thủ tướng Yingluck để bàn về những lựa chọn nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng hiện nay. Và tất cả đều đồng ý rằng, chính phủ sẽ cố gắng hết sức để giải quyết tình hình nhưng “nếu mọi biện pháp đều thất bại thì chúng tôi có thể sẽ phải giải tán Hạ viện”, vị quan chức giấu tên cho biết.

 

Trước đó, nữ Thủ tướng Thái Lan liên tục bác bỏ những lời kêu gọi đòi bà từ chức và giải tán Hạ viện để mở đường cho một cuộc bầu cử sớm.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc