Syria: Thua to, phe nổi dậy đành nhún?

10:00, 30/11/2013
|

(VnMedia) - Quân đội Syria hôm 28/11 đã chiếm lại được thành phố chiến lược Deir Attiyeh chỉ chưa đầy một tuần sau khi để mất nó vào tay phe nổi dậy. Với chiến thắng này, quân của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ giành được lợi thế trong nỗ lực đè bẹp lực lượng nổi dậy ở phía bắc thủ đô Damascus.
 

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh hoạ


"Quân đội anh hùng của chúng tôi đã giành lại hoàn toàn quyền kiểm soát thành phố Deir Attiyeh ở tỉnh Damascus sau khi nghiền nát những sào huyệt cuối cùng của lực lượng khủng bố”, đài truyền hình quốc gia Syria đưa tin.
 
Một quan chức an ninh cấp cao xác nhận thông tin về việc thành phố Deir Attiyeh đã được “dọn sạch” và rằng “chiến dịch đánh đuổi những kẻ khủng bố ra khỏi các khu vực gần đó sẽ được tiếp tục”.
 
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria thân phe nổi dậy cho biết, quân đội hiện “đã gần như kiểm soát hoàn toàn” thành phố Deir Attiyeh – nơi phe nổi dậy vừa chiếm được hồi cuối tuần trước.
 
Một nguồn tin an ninh cho hay, quân đội cũng đã tiến vào thành phố kế bên Nabuk. "Giai đoạn tiếp theo sẽ là chiếm lại khu vực phía nam Syria. Khu vực phía bắc và phía đông sẽ được để lại sau đó”, nguồn tin an ninh cho biết thêm.
 
Là nơi sinh sống của khoảng 10.000 người, thành phố Deir Attiyeh nằm ở rặng núi Qalamoun, phía bắc thủ đô Damascus và dọc đường biên giới với Li-băng.
 
Các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và phe nổi dậy bắt đầu dậy lên ở Qalamoun trong vài tuần trở lại đây khi quân đội Syria tìm cách giành giật lại những vùng lãnh thổ đã từng mất vào tay lực lượng nổi dậy.
 
Deir Attiyeh là một thành trì có tầm quan trọng chiến lược bởi nó đang được sử dụng như một căn cứ hậu phương cho lực lượng nổi dậy ở những khu vực then chốt ở Homs và tỉnh phía đông Damascus.

Việc quân đội chiếm được Deir Attiyeh nằm trên đường cao tốc nối từ Damascus đến Homs diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang nỗ lực xúc tiến một hội nghị hoà bình ở Geneva trong thời gian tới nhằm tìm kiếm một lối thoát cho cuộc nổi dậy kéo dài đã 32 tháng qua ở Syria và đã cướp đi sinh mạng của hơn 120.000 cũng như đẩy hàng triệu người vào tình cảnh không nhà không cửa.
 
Phe đối lập đòi hỏi rằng, bất kỳ cuộc đàm phán hoà bình nào cũng phải dẫn đến một giai đoạn chuyển tiếp mà ở đó Tổng thống Bashar al-Assad sẽ không còn giữ một vai trò gì.
 
Tuy nhiên, khi mà thời điểm diễn ra hội nghị Geneva II vào ngày 22/1 mỗi lúc một đến gần, lực lượng trung thành với Tổng thống Assad đang ngày càng giành thêm nhiều lợi thế khi liên tiếp đả bại phe nổi dậy ở một loạt chiến trường. Trong tình thế như vậy, chính quyền Assad rõ ràng đang ở thế thượng phong so với phe nổi dậy.
 
Phe nổi dậy Syria cuối cùng đã chịu nhún?
 
Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến tình hình Syria, phe đối lập chính hôm qua đã chính thức xác nhận rằng, họ sẽ cử đại diện đến tham dự hội nghị hoà bình do Liên Hợp Quốc làm trung gian ở Geneva vào đầu năm tới.
 
Trước đó, hồi đầu tuần, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết, hội nghị hoà bình ban đầu được dự kiến diễn ra vào tháng 5 sẽ chính thức được khai màn vào ngày 22/1 tới. Cuộc đàm phán này bị trì hoãn liên tục bởi các phe phái đối địch nhau trên chiến trường Syria không thể nhất trí được với nhau về những điều kiện cũng như danh sách thành phần tham gia hội nghị.
 
Liên minh Quốc gia Syria cho biết trong một tuyên bố rằng, họ “có ý định tham gia” hội nghị hoà bình Geneva II. Như vậy, đây sẽ là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa chính quyền của Tổng thống Assad với phe đối lập kể từ khi cuộc nội chiến ở nước này bắt đầu bùng lên cách đây gần 3 năm.
 
Bộ Ngoại giao Syria trước đó cũng nhiều lần khẳng định cũng sẽ tham gia vào hội nghị hoà bình quốc tế.
 
Tuy nhiên, hai phe đối địch nhau vẫn có những kỳ vọng và mong đợi khác nhau đối với hội nghị Geneva II và nội dung mà họ sẽ thảo luận tại hội nghị này.
 
Liên minh Quốc gia Syria cho biết, mục tiêu chính của hội nghị là là đàm phán về một “chính quyền chuyển tiếp với đầy đủ các chức năng” mà không có sự tham gia của ông Assad cũng như các đồng minh thân thiết của ông này.
 
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Assad bác bỏ khả năng trao quyền cho bất kỳ ai. Giới chức Syria nhiều lần nhấn mạnh, họ không đến hội nghị hoà bình Geneva II để trao lại quyền hành và rằng ông Assad sẽ tiếp tục tại vị cho đến hết nhiệm kỳ. Thậm chí, Nhà lãnh đạo Syria còn cân nhắc khả năng tham gia tái tranh cử nhiệm kỳ sau.
 
Quân đội Syria Tự do đang chiến đấu chống lại quân chính phủ và cũng là lực lượng được phương Tây hậu thuẫn thì khẳng định, họ sẽ không tham gia hội nghị Geneva II.
 
“Chúng tôi sẽ đàm phán với chính quyền chỉ sau khi họ chịu phóng thích tù nhân, trao lại quyền hành cho một chính phủ lâm thời và tuyên bố bầu cử”, phát ngôn viên của Quân đội Syria Tự do – ông Louay Meqdad cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh Voice of Russia của Nga.
 
“Chúng tôi tin rằng, cộng đồng quốc tế không có cách nào để gây ảnh hưởng đến tình hình ở Syria. Hội nghị Geneva II chỉ là cái cớ để chính quyền Assad có thể tồn tại lâu hơn”, ông Meqdad đã cáo buộc như vậy.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc