Nhún trước Trung Quốc, Mỹ khiến đồng minh hoảng?

13:00, 01/12/2013
|

(VnMedia) - Chính phủ Mỹ đã bất ngờ khuyên các hãng hàng không dân sự của nước này thông báo trước cho giới chức Trung Quốc về lịch trình chuyến bay của họ khi bay qua vùng phòng không mà Bắc Kinh vừa tuyên bố thành lập hồi tuần trước ở biển Hoa  Đông. Động thái “nhún mình” này của chính quyền Tổng thống Barack Obama khiến một số người Mỹ tức giận và nó có thể cũng sẽ khiến các đồng minh thân thiết ở Châu Á của cường quốc số 1 thế giới rơi vào trạng thái hoang mang, lo ngại.
 

Ảnh minh họa

Máy bay Nhật Bản trên không phận biển Hoa Đông


Hôm thứ Sáu (29/11), Mỹ cho biết, nước này mong đợi các hãng hàng không của mình thực hiện đúng với cái gọi là quy định đối với phi công do các nước bên ngoài đưa ra. Tuy nhiên, giới chức Mỹ vẫn nhấn mạnh, lời khuyên trên của họ “không đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ chấp nhận các yêu cầu của Trung Quốc”.

Theo một số nguồn tin báo chí hôm qua (30/11) cho biết, sau khi nhận được lời khuyên đầy bất ngờ của chính quyền Obama, các hãng hàng không của Mỹ gồm United, American và Delta đã bắt đầu thực hiện thủ tục thông báo cho giới chức Trung Quốc về lịch trình bay của họ khi bay qua Vùng Nhận diện Phòng không biển Hoa Đông mà Bắc Kinh mới tuyên bố thành lập hồi cuối tuần trước.

Một phát ngôn viên của hãng hàng không Delta Airlines cho hay, họ đã tuân theo yêu cầu của phía Trung Quốc về việc thông báo về lịch trình bay qua khu vực phòng không ở biển Hoa Đông. Cùng với đó, hai hãng hàng không American và United Airlines cũng lần lượt cho biết, họ cũng tuân theo quy định của phía Trung Quốc nhưng không nói cụ thể họ sẽ thực hiện thủ tục này trong bao lâu.
 
Việc Mỹ có hành động thể hiện sự lùi bước trước Trung Quốc sau khi vừa đưa máy bay ném bom B-52 ra thách thức vùng phòng không ở biển Hoa Đông đã khiến nhiều người ngỡ ngàng. Dù giới chức Mỹ có khẳng định điều đó không đồng nghĩa với việc nước này công nhận vùng phòng không của Trung Quốc ở biển Hoa Đông thì người ta tin rằng, việc chính quyền Obama khuyên các hãng hàng không dân sự của mình tự nguyện tuân theo các quy định mà Bắc Kinh đặt ra đã tăng thêm tính hợp pháp cho vùng phòng không của cường quốc Châu Á.
 
Động thái của chính quyền Mỹ đã vấp phải phản ứng tức giận của một số người. Nhiều tờ báo đã đưa tin về sự việc trên với cái tít kiểu như “Obama tránh đối đầu với Trung Quốc”, “Sợ đối đầu với Trung Quốc, Obama yêu cầu các hãng hàng không tuân theo quy định của Trung Quốc” hay thậm chí có tờ còn viết hẳn một bài nói về sự khác biệt giữa nhà lãnh đạo mạnh mẽ và yếu mềm, ám chỉ đến quyết định của ông Obama trong vấn đề vùng phòng không của Trung Quốc.
 
Một tác giả đã thể hiện sự khó hiểu về việc sau khi đưa ra hành động táo bạo trong việc tung máy bay ném bom B-52 thách thức vùng phòng không Trung Quốc, chính quyền Obama lại nhanh chóng có hành động lùi bước trước nước này.
 
Rõ ràng, trước đó, Mỹ cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc đã khiến Bắc Kinh phải nhượng bộ, lùi bước trở lại trong vấn đề vùng phòng không bằng các hoạt động cứng rắn và đầy thách thức. Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, chính Mỹ dường như lại rút lui trước Trung Quốc. Sự kiện này diễn ra sau khi Trung Quốc thông báo cử máy bay chiến đấu đi theo dõi máy bay của các nước ở vùng phòng không. Phải chăng Mỹ thực sự e ngại Trung Quốc?
 
Theo giải thích của giới chức Mỹ, nước này vẫn tiếp tục cử máy bay quân sự của mình đi vào khu vực vùng phòng không của Trung Quốc mà không thông báo nhưng kêu gọi các máy bay dân sự tuân theo quy định mới của Bắc Kinh để tránh những vụ đối đầu bất ngờ.
 
Quyết định của Mỹ đi ngược lại với quyết định của chính phủ Nhật Bản bởi trước đó Tokyo đã yêu cầu các hãng hàng không dân sự của nước này không tuân theo quy định của Bắc Kinh và họ đã làm thế.
 
Dù vẫn nhấn mạnh rằng chính quyền Mỹ phản đối hành động đơn phương tuyên bố vùng phòng không của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, bước đi mới nhất của cường quốc số 1 thế giới được hiểu là hành động nhượng bộ trong cuộc “chiến về ý chí” với Trung Quốc.
 
Một nhà bình luận Mỹ cho rằng, hành động nhượng bộ của nước này là nguy hiểm bởi nó sẽ khuyến khích “sự hiếu chiến” thêm nữa của Trung Quốc trong khu vực.
 
Bước đi mới nhất của Mỹ chắc chắn cũng sẽ khiến các đồng minh hàng đầu của họ trong khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc cảm thấy hoang mang và có phần lo ngại. Những nước này sẽ đặt dấu hỏi lớn về cam kết mạnh mẽ mà giới chức Mỹ thường xuyên đưa ra về việc bảo vệ họ.
 
Nhật Bản tiếp tục “rắn” với Trung Quốc
 
Trong khi các hãng hàng không của Mỹ thực hiện nghiêm túc quy định của Trung Quốc ở vùng phòng không thì các hãng hàng không của Nhật Bản như ANA Holdings và Japan Airlines vẫn tiếp tục thực hiện các chuyến bay qua bầu trời biển Hoa Đông mà không thông báo cho giới chức Bắc Kinh. Và tất nhiên, những chuyến bay của họ không gặp phải bất kỳ trở ngại hay vấn đề gì.
 
Hai hãng hàng không trên tuyên bố, họ sẽ giữ nguyên lập trường của mình bất chấp sự nhún mình của phía Mỹ.
 
Trước đó, hôm 28/11, trong một động thái thể hiện sự nhượng bộ trước phản ứng quyết liệt của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, việc họ lập vùng phòng không ở biển Hoa Đông sẽ không có ảnh hưởng gì đến các hoạt động an toàn của các chuyên bay dân sự quốc tế qua khu vực mặc dù Bắc Kinh vẫn "hy vọng" các hãng hàng không hợp tác.
 
Ngoài Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu (EU) mới đây cũng bày tỏ sự lo ngại về hành động của Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Nhà ngoại giao hàng đầu của EU – bà Catherine Ashton, cho biết, EU rất lo ngại về quyết định lập vùng phòng không của Trung Quốc cũng như thông báo của nước này về việc áp dụng “các biện pháp an ninh khẩn cấp” nếu các nước không tuân theo quy định của họ.
 
"Diễn biến đó làm tăng nguy cơ leo thang và góp phần gây căng thẳng trong khu vực. EU kêu gọi các bên thận trọng và kiềm chế”, bà Ashton nói thêm.
 
Phản ứng lại phát biểu trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Qin Gang đã lên tiếng chỉ trích EU, nói rằng EU nên đánh giá tình hình “một cách khách quan và hợp lý”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc