Trung Quốc hết chịu nổi Triều Tiên

06:40, 07/04/2016
|

(VnMedia) - Trung Quốc hôm 5/4 đã chính thức “ra tay” với đồng minh thân thiết và gắn bó nhất là nước láng giềng Triều Tiên. Theo đó, Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu hầu hết mặt hàng than đá và quặng sắt từ Triều Tiên. Đây là những mặt hàng xuất khẩu chính của Bình Nhưỡng. Đòn trừng phạt của Trung Quốc là bước gia tăng áp lực đáng kể đối với Triều Tiên trong bối cảnh nước này đang khuấy đảo khu vực bởi các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp trong những tháng vừa qua.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trung Quốc nhập khẩu ước tính đến 2/3 tổng giá trị xuất khẩu của Triều Tiên. Vì thế, sự hợp tác của Bắc Kinh trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua đối với Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân mới nhất hồi tháng1 là vô cùng quan trọng. Nói rõ hơn là chỉ có sự tham gia thực sự của Trung Quốc thì các biện pháp trừng phạt Triều Tiên mới thực sự có hiệu quả.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un gần đây liên tục đẩy mạnh các hoạt động hạt nhân, thể hiện một sự thách thức cao độ đối với cộng đồng quốc tế.

Trong một dấu hiệu cho thấy sự khó chịu và bất mãn ngày càng lớn với đồng minh, Trung Quốc hồi tháng trước đã thông qua gói biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất từ trước đến nay của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên, trong đó có việc bắt buộc kiểm tra mọi chuyến hàng ra vào Triều Tiên. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã kêu gọi tất cả các nước “tăng gấp đôi nỗ lực của mình” trong việc thực thi những đòn trừng phạt Bình Nhưỡng.

Đòn trừng phạt mới nhất của Trung Quốc là cấm nhập khẩu các mặt hàng than đá, quặng sắt, vàng, titanium, vanadi và đất hiếm. Đây là nguồn doanh thu chính của Triều Tiên – một quốc gia vốn giàu khoáng sản. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ ước tính, xuất khẩu năm 2013 của Triều Tiên đạt mức 4,4 tỉ USD, với 65% là xuất khẩu sang Trung Quốc và phần lớn là từ xuất khẩu khoáng sản.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, một số mặt hàng nhập khẩu được dùng cho mục đích dân sự sẽ vẫn được phép chừng nào điều đó không liên quan đến các chương trình tên lửa và hạt nhân.

Trung Quốc cũng cấm việc bán nhiên liệu máy bay cho Triều Tiên nhưng cho phép máy bay của đồng minh được tiếp nhiên liệu trong các chuyến bay đến Trung Quốc.

Trung Quốc luôn được tin là nước duy nhất có ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho Triều Tiên. Trung Quốc cũng luôn đứng ra bênh vực Triều Triêu trong những cuộc đối đầu của nước này với các cường quốc phương Tây và các nước láng giềng. Trong những lần thử hạt nhân và tên lửa trước, Bắc Kinh thường tìm cách tránh làm đồng minh Bình Nhưỡng tức giận.

Tuy nhiên, lần này mọi việc đã khác hẳn. Bắc Kinh đã thay đổi lập trường khi Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi hôm 12/2 lên tiếng kêu gọi trừng phạt mạnh tay đối với đồng minh Triều Tiên. Trả lời cuộc phóng vấn ở Munich khi đó, Ngoại trưởng Wang đã khiến nhiều người ngỡ ngàng khi nói rằng, đã đến lúc phải đưa ra một nghị quyết “mạnh” để xử lý Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân và tên lửa mới nhất.

Tiếp đó, Trung Quốc đã nhất trí với Mỹ, nước được xem là kẻ thù số 1 của Triều Tiên, về các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng. Và lần này, Trung Quốc đã trực tiếp có động thái thể hiện quyết tâm trừng phạt nghiêm khắc đồng minh Triều Tiên.

Quan hệ Trung -Triều kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền được cho là đã có nhiều dấu hiệu rạn nứt. Chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên cương vị mới là đến Hàn Quốc - đối thủ của Triều Tiên chứ không phải là Triều Tiên, nước luôn được Bắc Kinh hậu thuẫn mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn chính trị. Gần đây, giới phân tích đã không ít lần nói đến việc Bình Nhưỡng đang tìm cách rời xa dần Trung Quốc và Bắc Kinh cũng ngày càng tỏ ra khó chịu với một đồng minh lên xuống thất thường như Bình Nhưỡng.


Ý kiến bạn đọc