Iran tung cảnh báo khiến kẻ thù "lạnh sống lưng"

13:37, 06/01/2016
|

(VnMedia) - Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã nhanh chóng lên án vụ Ả-rập Xê-út hành quyết giáo sĩ người Shiite nổi bật Nimr al-Nimr bằng lời cảnh báo ớn lạnh. Theo đó, IRGC tuyên bố, “không còn nghi ngờ gì nữa, chính quyền bị căm ghét của Ả-rập Xê-út sẽ phải trả giá cho hành vi đáng xấu hổ của họ”.

Hình ảnh một cuộc biểu tình ở Iran sau khi xảy ra vụ Ả-rập Xê-út hành quyết một giáo sĩ nổi bật của dòng Hồi giáo Shiite
Hình ảnh một cuộc biểu tình ở Iran sau khi xảy ra vụ Ả-rập Xê-út hành quyết một giáo sĩ nổi bật của dòng Hồi giáo Shiite

Đối với một tổ chức can thiệp rất sâu vào hai cuộc chiến tranh ở Syria và Iran, lời cảnh báo của IRGC không có vẻ là một lời cảnh  báo vu vơ, ít nhất là trong mắt của các quốc gia theo dòng Hồi giáo Sunni ở vùng Vịnh như Ả-rập Xê-út. Lâu nay, Ả-rập Xê-út vẫn luôn khăng khăng cho rằng, Iran - một nước lớn theo dòng Hồi giáo Shiite ở Trung Đông, đang tìm cách phá hoại an ninh của họ.

Lời phát biểu đầy tức giận của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran không phải là lời kêu gọi cho một cuộc xung đột trực tiếp với Ả-rập Xê-út, một thứ mà cả hai nước địch thủ đều không muốn xảy ra. Tuy nhiên, nó là một lời nhắc nhở đối với những người Ả-rập ở vùng Vịnh có liên quan đến Ả-rập Xê-út và các nơi khác trong khu vực rằng, IRGC có nhiều cách để phát động một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài giữa Tehran với những kẻ thù Ả-rập khác.

Tehran phủ nhận việc nước này can thiệp vào các vùng đất Ả-rập. Song, Lực lượng Quds - một cánh tay hoạt động ở nước ngoài của IRGC, trên thực tế đã đóng góp chiến binh, vũ khí và các nguồn cung cấp về quân sự để ủng hộ cho các lợi ích và chính sách của Iran trên khắp khu vực.

Viễn cảnh trên thật đáng lo ngại cho một khu vực - nơi các cuộc xung đột hay khủng hoảng chính trị từ Li-băng đến Syria, Yemen, Iraq và Bahrain đều có liên quan đến hai kẻ thù không đội trời chung với nhau là Iran và Ả rập Xê-út.

Một ngày sau khi IRGC phát đi tuyên bố trong đó miêu tả chính quyền của Ả-rập Xê-út là “những kẻ nuôi dưỡng khủng bố, chứa đầy hận thù và chống lại Hồi giáo”, Riyadh đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran, làm leo thang căng thẳng trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông giữa Iran và Ả-rập Xê-út.

Chưa có một chỉ dấu chắc chắn nào về việc giới lãnh đạo bị chia rẽ của Iran đã nhất trí được với nhau về việc họ sẽ trả thù cho cái chết của ông Nimr ở mức nào và các biện pháp nào sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, dù Iran tung ra biện pháp nào thì Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cũng sẽ tham gia nhưng ở tiến trình lên kế hoạch thay vì can dự trực tiếp, giới chuyên gia nhận định.

"IRGC sẽ không trực tiếp đáp trả”, ông Hilal Khashan - một giáo sư về khoa học chính trị ở trường Đại học Mỹ của Beirut cho hay.

Sự kình địch giữa Iran và Ả-rập Xê-út

Theo giới chuyên gia, IRGC "có các gián điệp, có người của họ cũng như có những mối kết giao ở khắp khu vực và đó là các lực lượng sẽ đáp trả những gì mà Ả-rập Xê-út đã làm. Diễn biến này sẽ làm leo thang tình hình. Iran ở trong một vị thế rất mạnh để có thể đáp trả tỉnh phía đông của Ả-rập Xê-út. Và họ có thể làm nhiều chuyện ở Bahrain."

Các thành phần ôn hoà ở hai phía đều không muốn chứng kiến tình hình leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện, các chuyên gia nói thêm.

Cả Iran và Ả-rập Xê-út thực chất đều không hề muốn căng thẳng leo thang vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Cả hai đều muốn ngăn chặn không để cuộc xung đột lạnh hiện nay xấu đi và biến thành một cuộc xung đột nóng. Tuy nhiên, khi căng thẳng leo cao, hiện tại là hơn bao giờ hết, thì điều đó có nguy cơ gây ra một cuộc đối đầu không mong đợi.

Giáo sĩ người Shiite 56 tuổi đã bị Ả-rập Xê-út hành quyết hôm 2/1 cùng với 46 nhà hoạt động người Shiite và Sunni khác. Những người này bị xử tử vì bị cáo buộc có liên quan đến các vụ giết chóc của tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Một số bị chặt đầu và những người khác bị hành quyết bằng súng.

Cái chết của giáo sĩ Nimr đã mở ra một chương mới của sự thù hận, hiềm khích trong cuộc đấu tranh kéo dài lâu nay giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite. Cuộc đấu tranh này tiếp tục lan rộng khắp Trung Đông với Iran và Ả-rập Xê-út là hai đối thủ chính.


Ý kiến bạn đọc