Bộ trưởng nói về cảm giác "ngồi thử" tàu ngầm do "nông dân" chế tạo

15:06, 19/11/2014
|

(VnMedia) - " Tôi sẽ nói với các đại biểu Quốc hội vì sao tôi dám ngồi vào cái tàu ngầm đó. Vì tôi hoàn toàn tin tưởng vào trình độ, năng lực của những người làm khoa học với bảo lãnh của cơ quan đăng kiểm của nước ngoài", Bộ trưởng Nguyễn Quân nói trước Quốc hội sáng 19/11.

>>
"Việc tăng lương lần này chưa thỏa đáng..."
>> "Đầu tư đường Việt Nam rẻ hơn nhiều nước"

Sáng nay, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) về việc làm thế nào để nâng cao năng suất lao động, tránh bẫy thu nhập trung bình, nhất là khi Việt Nam sắp trải qua thời kỳ dân số vàng?, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, trong thời gian gần đây, báo chí nói rất nhiều về năng suất lao động của Việt Nam rất thấp so với khu vực. Thấp hơn năng suất bình quân 2 lần trong khối Asean và 14 lần so với Singapore, gần 2 lần so với Thái Lan… Đây là do tác động của khoa học công nghệ (KHCN) đối với năng suất lao động còn rất hạn chế.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng bị ảnh hưởng do KHCN rất nhiều. Ví dụ, cách đây 10 năm ông đi công tác tại khu công nghiệp Tân Trúc (Đài Loan), ở đó chỉ có 100 nghìn lao động nhưng là lao động trình độ cao được đào tạo bài bản, bình quân mỗi lao động làm được 400.000 USD xuất khẩu/năm. 

Ở Việt Nam cũng có một số nơi đạt được yêu cầu về công nghệ cao như công nhân làm việc cho nhà máy Samsung tại Việt Nam đủ yêu cầu về năng suất lao động. Một người lao động Việt Nam nếu được làm ở khu công nghệ cao cũng có thể làm ra 400.000-500.000 USD/năm. Nhưng nhìn chung còn rất nhiều các doanh nghiệp có nhu cầu lao động có trình độ tay nghề về công nghệ cao là chưa đạt.

  Ảnh minh họa

 Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân trả lời
chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 19/11.

Theo người đứng đầu ngành khoa học công nghệ, trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay chúng ta có khoảng hơn 40 triệu lao động, mỗi năm làm ra khoảng 43 triệu tấn gạo, như vậy mỗi lao động chỉ có thể làm được 1 tấn gạo, xuất khẩu khoảng trên 400 USD. Như vậy lao động trong nông nghiệp nhiều nhưng chất lượng không cao. Đó là do thiếu trình độ khoa học công nghệ.

Theo ông Quân, sở dĩ có tình trạng trên là do chúng ta chưa lựa chọn được sản phẩm quốc gia để xây dựng thương hiệu thì sẽ không xây dựng được công nghiệp hỗ trợ. “Phải thay đổi cơ cấu kinh tế, nặng về công nghiệp hóa, nâng cao giá trị sản phẩm công nghệ cao, giá trị trí tuệ trong sản phẩm thì mới nâng được năng suất lao động”, Bộ trưởng khẳng định.

Nhà nước luôn trân trọng sáng kiến của người dân

Cũng trong phần trả lời của mình trước Quốc hội sáng nay, khi được hỏi Bộ Khoa học công nghệ đánh giá sao về các sản phẩm tàu ngầm, tàu nặn do các kỹ sư “nông dân” sản xuất, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, ông rất quan tâm đến vấn đề này. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, riêng về tàu ngầm, tàu nặn trong thời gian vừa qua có 3 địa chỉ được báo chí, người dân quan tâm ở Thái Bình, TPHCM và thuộc tập đoàn Vinashine.

Ông khẳng định, Nhà nước luôn trân trọng những sáng kiến, phát minh của người dân nhưng các sản phẩm phải được thị trường chấp nhận, phải có giá trị thực tiễn với cuộc sống. Bộ luôn hỗ trợ cho phát minh của người dân qua các hội chợ Techmart hàng năm, nhiều người đã phát triển được sản phẩm của mình và trở thành những doanh nghiệp sản xuất.
  Ảnh minh họa

  Tàu ngầm Hòa Bình trong một lần thử nghiệm. Ảnh: Internet

Ông cho biết, đã cử cán bộ đến làm việc với những nông dân sáng tạo các sản phẩm trên nhưng có một số trường hợp bà con cứ lặng lẽ làm, cơ quan quản lý không biết, đến khi vào cuộc thì không thể thay đổi được thiết kế. 

Đề cập đến lần ngồi thử nghiệm tàu ngầm Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, tàu ngầm Hòa Bình do một số nhà khoa học cũ của Vinashin tự nghiên cứu, bỏ tiền làm. Tàu chở được 4 người, lặn 20m, đã mời các cơ quan đăng kiểm, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng tham gia. Đăng kiểm của Đức tham gia vào ngay từ đầu nên có thể hoạt động được, sau khi hoàn thành sẽ được Đăng kiểm Đức chứng nhận. 

“Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực này của những nhà khoa học. Giá thành của tàu này là khoảng 28 tỉ đồng, Bộ Khoa học Công nghệ cũng chủ trương hỗ trợ 5 tỉ đồng nhưng do hệ thống chính sách không phù hợp nên rất nhiều chứng từ không thanh toán được, cuối cùng chỉ quyết toán được chưa đến 3 tỉ đồng, tức là khoảng 10% giá trị con tàu”, Bộ trưởng Quân nói chia sẻ.

Theo đánh giá của người đứng đầu ngành khoa học công nghệ, con tàu này có giá thành chưa tới 1,5 triệu USD trong khi những con tàu lặn mua của nước ngoài đều có giá trị từ 5-7 triệu USD. Ngay cả thuê những tàu lặn này để kiểm tra các chân giàn khoan, giá thuê trong vòng 3 năm cũng đắt hơn giá mua con tàu này của Việt Nam.

“Tôi sẽ nói với các đại biểu Quốc hội vì sao tôi dám ngồi vào cái tàu ngầm đó. Vì tôi hoàn toàn tin tưởng vào trình độ, năng lực của những người làm khoa học với bảo lãnh của cơ quan đăng kiểm của nước ngoài. Tôi đã cùng với anh em thiết kế ngồi vào con tàu đó. Trong quá trình chạy thử nghiệm ở Cam Ranh, đã kiểm tra tất cả các thông số thiết kế. Thậm chí có nhiều thông số còn tốt hơn cả thiết kế”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc