“Công chức lười nhác nhưng lại muốn làm lãnh đạo”

12:33, 18/11/2014
|

(VnMedia) - Vì sao cán bộ công chức lười nhác, chỉ một dạ hai vâng nhưng ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều? Đây là câu hỏi đã được đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trong phiên chất vấn sáng 18/11.

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, dư luận phản ánh hiện có tình trạng người có năng lực không vào làm việc ở khu vực nhà nước, mà có vào rồi thì ra đi khỏi ngày càng nhiều. Ngược lại, người kém năng lực lại gia tăng trong khu vực nhà nước” và điều này “làm gia tăng con người hành chính sáng cắp ô đi tối cắp ô về”.

Trước thực trạng đó, đại biểu TP. Hồ Chí Minh đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng: “Vì sao số công chức tận tâm với công việc và sáng tạo trong công tác thì ngày càng ít, nhưng số công chức lười nhác, chỉ “một dạ hai vâng” nhưng lại ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều? Đây có phải là nguyên nhân chính làm gia tăng bộ máy hành chính và cũng là nguyên nhân của tội phạm tham nhũng?”

Song song với việc đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chính của tình trạng trên, đại biểu Đỗ Văn Đương cũng yêu cầu Bộ trưởng nêu lên giải pháp đột phá để tham mưu cho Đảng, Nhà nước khắc phục tình trạng đó.

Đánh giá đây là câu hỏi khó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do việc sử dụng cán bộ công chức, viên chức chưa đúng phẩm chất, năng lực, trình độ; cơ chế thưởng phạt chưa nghiêm; chế độ đánh giá chưa đổi mới gắn với trách nhiệm người đứng đầu; chế độ lương và đãi ngộ chậm được cải thiện; tuyển dụng đầu vào có trường hợp chưa thực sự đáp ứng nhiệm vụ, chưa tuyển được người có năng lực, tâm huyết.

Về giải pháp đã và đang thực hiện, Bộ trưởng cho biết, trước hết là sự đổi mới cơ chế đánh giá, theo nguyên tắc cấp trên đánh giá cấp dưới; sử dụng, trọng dụng người có tài năng, phẩm chất, làm được việc.

“Bộ Nội vụ cũng được Bộ Chính trị giao xây dựng Đề án tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ. Chúng tôi đã trình Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã có kết luận thông qua. Hiện chúng tôi đang xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ để triển khai. Mục tiêu từ nay đến năm 2020 bảo đảm có 1000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang. Đây cũng là một đột phá đối với người tài.” - Bộ trưởng cho biết.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng Nghi định trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ và cũng đang trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về việc thực hiện chế độ miễn nhiệm, chuyển vị trí công tác, tính giảm biên chế đối với người không đáp ứng được công việc, Bộ trưởng cho biết hiện đang tập trung xây dựng Nghị định tinh giản biên chế và đã trình Thủ tướng để thay thế Nghị định 132 để có thể triển khai ngay trong những tháng đầu năm 2015.

“Đồng thời với Đề án tinh giảm biên chế do Bộ chính trị giao thì mới đây Bộ Chính trị cũng đã thông qua đề án này và giao cho Bộ Nội vụ hoàn thiện Đề án, tờ trình, nghị quyết để kỳ họp trung ương tới thì xin ý kiến trung ương để ban hành.” - Bộ trưởng cho biết và khẳng định, “với nhiều giải pháp mạnh như vậy, hy vọng sẽ giải quyết được mục tiêu tinh giản biên chế”.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn - ảnh: Tuệ Khanh


Bệnh vô cảm của công chức cũng ngày càng tăng

Chất vấn tại Nghị trường, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết: “Cử tri phàn nàn với tôi về sự xuống cấp về đạo đức và sự nhũng nhiễu của một bộ phận viên chức, bây giờ lại thêm bệnh mà nhiều người gọi là bệnh vô cảm. Bộ trưởng có cho rằng đây là bệnh khá phổ biến hiện nay và ngày càng tăng hay không?"

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cũng chia sẻ thêm: “Theo tôi, để đòi hỏi một người đồng cảm trong thực thi công vụ cũng là điều rất khó, nhưng để yêu cầu thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao thì không khó mà căn cứ và xác định vị trí việc làm.”

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định, bệnh vô cảm của cán bộ công chức, viên chức trong thực thi công vụ là có. “Chúng ta phải có sự đồng cảm giữa cán bộ công chức, viên chức của cơ quan công quyền để giải quyết công việc cho người dân. Anh làm cán bộ giải quyết cấp quyền sử dụng đất thì anh phải đặt mình trong bối cảnh người xin đi cấp. Người thầy thuốc phải đặt mình trong bối cảnh của bệnh nhân. Đây là mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nó là thực tế đòi hỏi, nhưng trong tình hình thực tế hiện nay, cũng rất khó bởi vì theo tôi, vô cảm thuộc phạm trù đạo đức mà các quy phạm pháp luật chỉ cấm cái nọ cái kia" - Bộ trưởng phân bua.

Theo người đứng đầu ngành Nội vụ, để cơ bản để giải quyết tình trạng này, việc cán bộ công chức phải có ý thức trách nhiệm cao trong công việc là đòi hỏi mang tính nguyên tắc, trước hết phải thực hiện đúng và đầy đủ chức trách nhiệm vụ của mình trong thực thi công vụ. Ngoài ra, pháp luật còn có quy định cấm cán bộ công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu. “Thực hiện nghiêm các quy định đó chính là chống bệnh vô cảm như đại biểu nêu" - Bộ trưởng nói.

Cũng không đưa ra các giải pháp cụ thể hay đột phá thuộc phạm vi quản lý, tham mưu của Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình lại cho rằng, do tình trạng này thuộc phạm trù đạo đức nên cần phải tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, cán bộ công chức phải tu dưỡng đạo đức, xây dựng cho mình tư tưởng hết lòng hết sức phụng sự tổ quốc, nhân dân.

“Tôi chắc rằng, nếu thực hiện được điều đó sẽ làm tốt nhiệm vụ của người cán bộ công chức, chống được bệnh vô cảm của một số cán bộ công chức, viên chức” - Bộ trưởng nói.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc