Kỹ sư “Hai lúa” sang Campuchia: Vừa tiếc, vừa buồn!

07:38, 18/11/2014
|

(VnMedia) - Những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến sự kiện bố con ông Trần Quốc Hải (mà mọi người trìu mến gọi là "kỹ sư Hai lúa") được Campuchia mời sang sửa chữa xe bọc thép với sự đãi ngộ rất hậu hĩnh. Xung quanh câu chuyện này, PV đã cuộc trao đổi với các đại biểu Quốc hội.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Vừa tiếc, vừa buồn!

 

- Nổi lên trong thời gian vừa qua có một số kỹ sư “Hai lúa”. Theo bà, mình cần phải có chính sách, giải pháp như thế nào?

 

Với những người nông dân nổi lên trong việc sản xuất một số mặt hàng, thiết bị… tôi nghĩ chúng ta nên tạo điều kiện cho họ, giúp họ phát huy. Đối với những nhà khoa học “Hai lúa”, họ chỉ biết làm thôi. Vì thế, khi có những trường hợp cụ thể, chúng ta cần phải có giải pháp giúp đỡ họ để làm những thủ tục được công nhận về mặt pháp lý, như hướng dẫn làm đề tài để được khoa học công nhận, để đem ra nhân rộng mô hình và họ được hưởng lợi từ thành quả của họ làm ra. Đó là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước. N hưng chính sách của mình chưa rõ.

 

Ngay cả chính sách sử dụng khoa học công nghệ từ nước ngoài cũng vậy. Hoặc những nhà khoa học của nước mình, sau khi đi nghiên cứu, học tập, có nghiên cứu sáng chế… người ta không muốn về nước với lý do chính sách ưu đãi của mình, thu hút của mình, đầu tư của mình chưa thỏa đáng với công sức bỏ ra của người ta.

 

-Thưa bà, vừa rồi, khi nghe tin nhà khoa học “Hai lúa” của mình rất được trọng vọng tại Campuchia, cảm xúc của bà như thế nào? Tiếc hay buồn?

 

Vừa tiếc vừa buồn. Tiếc là vì mình không biết sử dụng nhân tài. Buồn là vì chủ trương của mình quá chậm chạp. Người trong nước mình có bộ óc như thế, sáng chế được như thế? nhưng mình muốn sử dụng thì phải có chính sách thế nào đảm bảo đủ khả năng, được trọng dụng để người ta tin tưởng và đáp ứng cái công sức của họ thì họ mới trở về...

Ảnh minh họa

Đại biểu Nguyễn Thị Khá - ảnh: Tuệ Khanh



Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân: Chưa có chính sách hỗ trợ cho nhà khoa học “Hai lúa”

Cơ chế chính sách của chúng ta trong lĩnh vực này cũng có những bất cập. Chính phủ đã có Nghị định về sáng kiến năm 2013 nhưng vướng mắc với hệ thống luật pháp nên nguồn lực để hỗ trợ cho những sáng kiến, sáng tạo của người dân chưa có cơ chế nên rất khó khăn. Hiện nay, chưa có điều khoản nào trong các văn bản luật pháp của ta cho phép các cơ quan nhà nước có thể dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ trực tiếp cho người dân…

Chính vì ngân sách dành cho việc này hiện nay gần như không có nên khi người dân đến các cơ quan nhà nước để tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính thì không đạt được. Họ thất vọng rồi không tìm đến nữa. Nhưng bà con phải hiểu rằng, hỗ trợ tài chính chỉ là một phần, điều quan trọng là hỗ trợ về chính sách, về những quy định quản lí, để sản phẩm của bà con có có thể được cấp phép và lưu hành.


Trước đây việc sử dụng phần ngân sách này phải được lập kế hoạch, cái gì không đúng dự toán thì không chi được, mà sáng kiến của người dân thì nảy sinh đột xuất. Nhưng Luật Khoa học Công nghệ sửa đổi có một điểm mới là cơ chế quỹ, tức là dự toán ngân sách sau khi được Quốc hội phê chuẩn sẽ được Chính phủ giao cho các quỹ về khoa học công nghệ. Khi có nhiệm vụ, đề tài, hay sáng kiến của người dân… nảy sinh bất kì thời điểm nào đều có thể cấp phát kinh phí để triển khai ngay, không phải chờ năm sau. Chờ đợi thì người dân chán nản, các nhà khoa học cũng thấy đề tài của mình lạc hậu. Hiện Nghị định về sáng kiến nói trên vẫn đang chờ thông tư hướng dẫn.
 


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc