Không chấp nhận chuyện “kiểm định phân bón bằng miệng”

19:48, 17/11/2014
|

(VnMedia) - Là người chất vấn về việc chống hàng giả và được Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời bằng cách nêu khó khăn khi phải “kiểm định phân bón bằng miệng”, đại biểu Nguyễn Thị Khá cho biết bà “không đồng ý” câu trả lời này.


Ảnh minh họa

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Không thể chấp nhận chuyện lạc hậu như thời cổ đại - ảnh: Tuệ Khanh

 

Ngay sau phần trả lời những câu hỏi đầu tiên của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đại biểu Nguyễn Thị Khá đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 17/11.

 

- Bà nhận xét thế nào về phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đối với những câu hỏi đầu tiên trong chiều nay?

 

Nói chung là Bộ trưởng nắm vấn đề khá rõ, nhưng cách trả lời thì có lúc hình như còn có ý đối phó. Ví dụ như câu hỏi của tôi về vấn đề hàng giả, về cách quản lý thì Bộ trưởng cho rằng thiếu phương tiện kiểm định đến nỗi phân bón phải kiểm định bằng miệng. Tôi không đồng ý bởi vì như vậy thì thuốc trừ sâu sẽ kiểm định bằng gì?

 

Một cơ quan quản lý nhà nước không thể thiếu phương tiện kiểm định đến nỗi phải dùng miệng để kiểm định. Có thể một người nông dânnào đó người ta có thể nếm một mặt hàng, nhưng cơ quan quản lý nhà nước có biết bao nhiêu mặt hàng, diễn ra hàng ngày phức tạp như thế mà để đến nỗi không có phương tiện, lạc hậu đến nỗi dùng miệng để kiểm định thì không thể chấp nhận ở một xã hội hiện tại được.

 

Tôi muốn Bộ trưởng phải làm rõ để người dân tin tưởng, chứ chống bằng miệng thì biết chừng nào mà chống được? Trong khi những kẻ gian dối dùng đủ mọi cách thì Bộ trưởng lại nói mình dùng cách thô sơ lạc hậu như thời cổ đại để chống là tôi không chịu.

 

- Với cách trả lời như vậy thì bà có hy vọng tới đây Bộ Công Thương sẽ có giải pháp đầu tư mạnh mẽ cho lực lượng chống buôn lậu để họ có phương tiện hoạt động hiệu quả hơn không?

 

Vấn đề chống buôn lậu không phải là trách nhiệm của riêng Bộ Công Thương, nhưng Bộ Công Thương là cơ quan tham mưu. Ví dụ như Ban chỉ đạo 389 do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, nhưng lĩnh vực nào của Bộ Công Thương mình Bộ phải đóng vai chính, đề xuất mua sắm thế nào, phương tiện gì cần thiết cho mặt hàng nào chứ không thể trả lời như thế được. Tôi không đồng ý!


- Thưa bà, nếu thực sự có chuyện thiếu phương tiện đến mức đó thì lỗi là do đâu?


Lỗi là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước


- Cụ thể là?

 

Phương tiện của ngành nào thì ngành đó chịu trách nhiệm. Như phương tiện của ngành thương mại thì phải là Bộ Công Thương, còn ngành Y tế thì không thể Bộ Công Thương được mà là Bộ Y tế.

 

- Nhưng chính Bộ trưởng Bộ Công Thương lại vừa nêu lên cái khó khăn khi mà chính họ phải là người giải quyết?

 

Theo tôi cá nhân Bộ Công Thương không làm hết được nhưng với vai trò tham mưu thì việc đề xuất với Chính phủ như thế nào, không được Chính phủ chấp nhận hay không có tiền; thiếu đề xuất hay đề xuất không kịp thời, đề xuất đến nơi đến chốn chưa và đúng trách nhiệm của mình chưa?

 

- Hiện nay, ngân sách thì không thể cấp đủ cho các địa phương, các ngành, vậy theo bà phải làm thế nào?

 

Đúng là ngân sách thì không thể, nhưng người ta thường nói dùng đậu để nấu đậu. tức là những cái thu được từ phạt, xử lý… thì có thể tái đầu tư cho những thiết bị đó. Điều này người ta rất dễ chấp nhận, Quốc hội cũng rất dễ chấp nhận, nhưng mình đã đề xuất chưa khi mà tiền phạt hàng ngày rất nhiều?

 

- Là một người nội trợ, bà có sợ không khi hàng ngày mua, ăn những mặt hàng được kiểm định bằng lưỡi? và bà nghĩ như thế nào với câu trả lời sốc như vậy?

 

Tôi đã nói là tôi không hài lòng, không đồng tình dù đi bất cứ nơi đâu tôi vẫn tiếp tục cãi. Tại sao tôi lại không sợ được ? với phương tiện như thời thiên cổ đó thì người sản xuất không yên tâm và người tiêu dùng cũng không yên tâm.

 

- Thưa bà, riêng trong phần trả lời về trách nhiệm của Bộ trưởng về công nghiệp hỗ trợ, bà có thấy hài lòng không?

 

Phần công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng có trả lời đi vào trọng tâm nhưng tôi cũng chưa thực sự hài lòng. Như câuhỏi của tôi về tỷ lệ nội địa hóa thấp, Bộ trưởng có đề nghị sắp tới đào tạo nguồn nhân lực về khoa học công nghệ, nhưng thời gian qua nhà nước và xã hội đã đầu tư rất nhiều cho lĩnh vực khoa học công nghệ, nhưng chúng ta không sử dụng hết tiền này và chúng ta không khai thác hết tiềm năng của nó.

 

- Vậy theo bà, Bộ trưởng cần làm gì để thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ này?

 

Bộ trưởng vẫn chưa thực sự mạnh dạn nhận trách nhiệm về mình lĩnh vực nào cụ thể. Có những lĩnh vực đòi hỏi sự phối hợp nhưng vai trò tham mưu đề xuất chủ chốt là của Bộ trưởng. Tức là Bộ trưởng phải đề xuất với liên ngành, với Chính phủ, Bộ Giáo dục hay Bộ Công an, Bộ Y tế hay là bộ nào liên quan… nhưng nếu không đề xuất, tham mưu thì đó là trách nhiệm của Bộ trưởng.

 

- Cử tri và đại biểu luôn mong muốn những chuyển động thật sự sau mỗi lần chất vấn. Bà có tin rằng lần này sẽ có thay đổi sau những câu trả lời này ?

 

Tôi nghĩ chuyển biến thì cũng có, nhưng ở mức độ nào, có đáp ứng mong mỏi của cử tri hay không mới là quan trọng. Nói không thì không được, nhưng chỉ đáp ứng một phần nào đó mong mỏi của cử tri mà thôi.

Chiều 17/11, trả lời Đại biểu Nguyễn Thị Khá về công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói: "Công tác đấu tranh của chúng ta về phương tiện, công cụ vừa thiếu, vừa yếu, đặc biệt trang thiết bị kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng thiếu nên có nơi cán bộ quản lý thị trường phải thử bằng miệng để kiểm tra chất lượng phân bón, đây là hiện tượng có thật"


Tuệ Khanh - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc