Có lúc đích thân Bộ trưởng phải “ra trận”

07:17, 18/11/2014
|

(VnMedia) -  So với các Bộ trưởng khác, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng dường như xuống thực địa nhiều hơn, chỉ đạo trực tiếp nhiều hơn. Điều này đang gây tranh cãi trong dư luận.

Có người cho rằng là Bộ trưởng thì phải ngồi ở nhà làm chính sách chứ không nên chạy ra đường làm những việc cụ thể, “lặt vặt”; người khác lại cho rằng, cần phải đi xuống thực địa để “gần dân”; người lại có ý kiến: nếu vừa “ra trận”, vừa làm tốt chính sách thì không có gì đáng phàn nàn…

Còn thực tế thì, Bộ trưởng vừa được các đại biểu Quốc hội “chấm điểm” khá cao, vượt hơn nhiều Bộ trưởng khác và quan trọng hơn, vượt hơn hẳn sự đánh giá của các đại biểu đối với ông tại lần lấy phiếu tín nhiệm trước.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với một Bộ trưởng khác về vấn đề này: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.

Ảnh minh họa

Chính sách cũng không thể xa rời với thực tiễn


- Thưa Bộ trưởng, theo ông thì một Bộ trưởng nên ngồi ở nhà làm chính sách hay là thường xuyên đia xuống “hiện trường”?

Bộ trưởng là chức danh thuộc về quản lý và tham mưu quản lý vĩ mô nên phải tập trung trí tuệ, tập trung suy nghĩ những vẫn đến lớn mang tính chiến lược, mang tính chính sách. Tuy nhiên, chính sách cũng không thể xa rời với thực tiễn, nhất là những người quản lý trực tiếp những việc hàng ngày diễn ra như giáo dục, y tế, giao thông… thì phải lăn lộn với sự kiện thực tế. Nếu kết hợp cả hai là tốt nhất.

- Ông nghĩ sao về quan điểm cho rằng mình làm Bộ trưởng cũng có người giúp việc, như Thứ trưởng và các cơ quan chức năng khác nên không nhất thiết việc gì cũng phải lao vào và tập trung vào việc vận hành bộ máy thì sẽ hiệu quả hơn?

Đương nhiên là phải sử dụng bộ máy sẽ phát huy hiệu quả nhất. Nếu bộ máy tinh nhuệ làm giúp cho mình, tham mưu cho mình đúng thì mình đỡ, còn nếu bộ máy không hoàn toàn như vậy, có lúc đích thân Bộ trưởng phải ra trận mới đạt hiệu quả, tôi nghĩ như vậy cũng hoan nghênh.

Thực ra, tôi rất khâm phục những người đi xuống thực địa nhiều mà người ta vẫn làm việc tốt. Có thể mình chưa tốt lắm nên mình ít ra trận mà phải tập trung nhiều vào vấn đề vĩ mô, lĩnh vực quản lý.

- Có hiện tượng cấp dưới sợ trách nhiệm nên đẩy việc lên trên quyết. Việc Bộ trưởng hay Chính phủ phải làm nhiều việc cụ thể có phải xuất phát từ hiện tượng này?

Đó cũng cũng là vấn đề. Như tôi chẳng hạn, thường xuyên bị phê bình là cầu toàn. Nhiều khi mình cầu toàn nên phải đọc rất kỹ, nhiều khi mình làm lại. Làm lại có hai cái, anh nào mà nghiêm túc thì tiếp thu rút kinh nghiệm, còn anh nào cũng không nghiêm túc lắm thì cho rằng đằng nào Bộ trưởng cũng làm lại thì làm qua loa. Điều đó là tôi phải quyết liệt chẩn chỉnh.

Đúng là càng ở tầm cao thì càng phải tập trung nhiều vào chiến lược của thể chế, vào chính sách vĩ mô, vào những vấn đề phát sinh đối nội, đối ngoại. Tuy nhiên, bộ máy chúng ta còn những vấn đề đang phải cải cách, trong đó có chức trách, nhiệm vụ nhiều khi chưa rõ ràng; phân cấp, phân quyền địa phương – trung ương chưa rõ. Tới đây một loạt luật sẽ thông qua Quốc hội như thế nào, Chính phủ như thế nào, chính quyền địa phương như thế nào, tòa án, kiểm soát như thế nào… chắc là tinh thần Hiến pháp mới sẽ rõ thêm một bước. Như thế trách nhiệm sẽ rõ ràng hơn, và các nhà lãnh đạo càng cao thì càng có nhiều thời gian hơn tập trung vào vấn đề vĩ mô, đúng việc của mình.

- Bộ trưởng có bao giờ để ý hình ảnh của mình trước truyền thông không?

Thực tình tôi không hay để ý lắm.

- Kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua cho thấy những người lăn lộn tại hiện trường thì có phiếu tín nhiệm cao. Ông có chia sẻ thế nào?

Thực ra cũng không thể nói thay các đại biểu khác. Bản thân cơ chế lấy phiếu tín nhiệm của chúng đang còn vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nhưng kết quả vừa qua tôi cho là xác đáng, bởi qua ba năm rồi, các đại biểu Quốc hội cũng đã theo dõi, nhân dân, cử tri cũng đã nhìn thấy rồi thì nó có điều chắc chắc hơn so với kỳ năm 2013, còn hoàn hảo chưa tôi cho là còn phải nghiên cứu, kiến nghị tiếp.

- Đối với cá nhân ông, kết quả này có phản ánh thực chất nỗ lực của mình không?

Đối với tôi, chắc là cũng phải cố gắng thêm. Như thế cũng vui mừng rồi.

- Thực tế vừa qua, Bộ trưởng lăn lộn trong công việc được phiếu tín nhiệm cao hơn. Vậy kinh nghiệm của họ có thể chia sẻ với các thành viên khác của Chính phủ không, thưa ông?

Tôi nghĩ kinh nghiệm tốt đương nhiên mình học rồi. Lăn lộn giải quyết những vấn đề của dân thì tốt, nhất là người nhận nhiệm vụ trong lĩnh vực còn bừa bộn thì xông xáo là rất quan trọng.

- Bộ trưởng chờ đợi cử tri và Quốc hội đánh giá mình ở việc nào, làm chính sách, điều hành hàng ngày hay điểm nóng vừa phát sinh?

Theo tôi thì cả ba.

- Nhưng điều gì quan trọng nhất, thưa ông?

Tất nhiên người ta chờ đợi ở chính sách, ở chiến lược, đường hướng làm sao cho tốt thì các cái khác sẽ tốt. Trong lúc cái khác chưa tốt thì phải làm cả hai cái kia.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc