"Việc tăng lương lần này chưa thỏa đáng..."

11:16, 19/11/2014
|

(VnMedia) - Sáng 19/11, trả lời chất vấn Quốc hội,  Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận, mức tăng lương lần này chưa thỏa đáng và đạt yêu cầu. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn, việc tăng lương là một quyết định hết sức nhân văn.

>>
"Đầu tư đường Việt Nam rẻ hơn nhiều nước"

Sáng nay (19/11), sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
 
Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, từ kỳ họp thứ 7 đến nay, đơn vị này nhận được 149 kiến nghị của cử tri và đã có văn bản trả lời. Riêng kỳ họp Quốc hội lần này, Bộ nhận được 17 phiếu chất vấn và nghiêm túc trả lời các chất vấn này.
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) về việc hiện tại lương trong doanh nghiệp nhà nước và CPH có thực hiện theo Bộ luật Lao động và nếu có thì khi nào thực hiện?, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013 đã được thực hiện tất cả các điều của luật, trong đó có lĩnh vực tiền lương.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội, vấn đề tiền lương trong doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã được thực hiện và có lộ trình thực hiện. Cụ thể, trong tổng số 242 điều đến nay đã có 17 Nghị định của Chính phủ ban hành hướng dẫn và Bộ cũng đã ban hành một số Thông tư hướng dẫn.

  Ảnh minh họa

  Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 19/11. Ảnh: Xuân Tùng

Bộ trưởng cho biết, Bộ Lao động Thương binh Xã hội cũng đã tham mưu thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia và Hội đồng này đã tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng xây dựng thang bảng lương khu vực hàng năm. Hội đồng này đã tham vấn được 2 năm.

Cùng với đó, Bộ đã có hướng dẫn về triển khai thực hiện tiền lương của các doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn còn một nội dung tiền lương trong doanh nghiệp chưa giải quyết xong đó là doanh nghiệp chịu trách nhiệm xây dựng thang bảng lương theo quy định.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ Lao động Thương binh Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi xây dựng thang bảng lương mới, các doanh nghiệp thực hiện theo thang bảng lương đó, không còn lương tối thiểu như luật cũ.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho biết, đang làm và trong tháng 12 này sẽ hướng dẫn các đơn vị xây dựng thang bảng lương. Tuy nhiên trong quá trình hướng dẫn, có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội kiến nghị lương thực tế hiện nay chiếm tới 60-70% thu nhập, khi xây dựng thang bảng lương, doanh nghiệp sẽ áp dụng theo lương mới theo hướng dẫn quy định của luật, trong đó người lao động đóng bảo hiểm gồm lương, phụ cấp lương và các khoản thu nhập khác. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xác định được các khoản thu nhập khác là gì để đưa vào phần đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Cùng quan tâm đến vấn đề tiền lương, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) chất vấn: Quyết định tăng lương vừa qua cho thấy sự cố gắng của Chính phủ, tuy nhiên, sau hai lần trì hoãn thì việc tăng lương vừa qua vẫn không giải quyết được vấn đề cơ bản là bảo đảm cuộc sống tối thiểu của người lao động. Dù ngân sách Nhà nước đã dành 11 tỷ đồng để tăng lương nhưng "chưa làm mát hơn cuộc sống của người thu nhập thấp". Bộ trưởng có biện pháp căn cơ nào để sự tăng lương có tác động tích cực đến xã hội chứ không như hiện nay?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội thừa nhận tiền lương so với yêu cầu mức tối thiểu mới đạt trên 60%. Nâng lương lần này chưa phải đã thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết vấn đề cơ bản của tiền lương. 

Theo bà Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội, theo lộ trình lẽ ra giai đoạn 2015-1016 tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu, nhưng do ngân sách khó khăn nên phải đi từng bước, phải giãn lộ trình.

Năm nay do khả năng ngân sách, Hội đồng tiền lương đã nêu nếu tăng lương thì không có nguồn. Nhưng do yêu cầu, bất cập trong lương thực tế giữa cán bộ viên chức nhà nước và lương tối thiểu vùng phân theo khu vực doanh nghiệp nên dù khó khăn khi thảo luận về tình hình ngân sách Quốc hội đã quyết định giành 11.000 tỷ đồng cho người có công, người nghỉ hưu và công chức. Đây là một quyết định hết sức nhân văn.

Không phải sinh viên thất nghiệp là ngồi chơi

Cũng trong phần trả lời chất vấn sáng nay, trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) về việc hiện có 174.000 lao động tốt nghiệp đại học không có việc làm. Biện pháp phối hợp giữa Bộ Lao động Thương binh Xã hội và Bộ Giáo dục đào tạo trong việc tuyển dụng và hướng nghiệp như thế nào để dẫn đến tình trạng trên?, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho biết, hiện nay trong một năm tuyển sinh đào tạo, dạy nghệ khoảng 220-230.000 và đào tạo đại học hơn 500.000 sinh viên tốt nghiệp.

Theo bà Chuyền, ai cũng muốn học xong có việc làm, tuy nhiên, có thực tế hiện nay tình hình kinh tế xã hội không đạt như mong muốn do đang còn có khó khăn cho nên nếu chúng ta không có khó khăn về kinh tế khiến hàng nghìn doanh nghiệp phải giải thể thì số lao động 174.000 người thất nghiệp không là gì.
 
"Tôi cho rằng 174.000 người này không phải ra trường là ngồi chơi mà là họ có thể làm công việc này việc khác. Trong lúc chờ việc làm, tôi thấy nhiều người rất năng động ra thành phố tìm việc làm, góp vốn về địa phương làm việc. Theo tôi làm bất cứ công việc gì đều là việc làm và đều tốt. Tuy nhiên, chúng ta khuyến khích những người được đào tạo làm đúng chuyên ngành chuyên nghề được đào tạo", Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.

Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc