18 nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 của VNPT

09:18, 16/01/2015
|

(VnMedia) - Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT Trần Mạnh Hùng, định hướng của Tập đoàn trong năm 2015 là tiếp tục tập trung nguồn lực và những dịch vụ có khả năng sinh lời cao, những khu vực đầu tư có hiệu quả, nâng cao chất lượng mạng lưới, dịch vụ, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực như lao động, chi phí, vốn đầu tư...

>> VNPT phải làm chủ công nghệ và vươn tầm quốc tế
>> VNPT: Vượt thử thách, khẳng định vị thế trên thị trường VT-CNTT



  Ảnh minh họa
Tổng giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng giới thiệu với Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son các sản phẩm công nghiệp do VNPT tự sản xuất.


 

Tập đoàn đã đặt ra các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 cụ thể.

 

Thứ nhất, tiếp tục triển khai đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2690/TTg-ĐMDN ngày 31/12/2014 và chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông; chủ động triển khai các nội dung phù hợp với định hướng của đề án và chuẩn bị sẵn sàng các thủ tục, nội dung công việc có liên quan để triển khai ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

 

Thứ hai, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2015, tổng lợi nhuận toàn Tập đoàn năm 2015 là 2.935 tỷ, tăng 15,2% so với năm 2014; Tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2015 là 87.500 tỷ, tăng 6% so với năm 2014; Tổng nộp ngân sách nhà nước của Tập đoàn năm 2015 tăng 2,4% so với năm 2014, đạt 3.100 tỷ.

 

Thứ ba, tiếp tục theo dõi, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT để cập nhật thông tin và hoàn thiện Chiến lược phát triển giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn 2030 của Tập đoàn; các kế hoạch 5 năm của Tập đoàn phù hợp với mục tiêu chiến lược và mô hình tổ chức mới sau khi Đề án thành lập các Tổng Công ty được phê duyệt.

 

Thứ tư, tập trung phát triển các dịch vụ mũi nhọn với các gói cước, hình thức bán hàng, chăm sóc khách hàng linh hoạt, đa dạng, có tính cạnh tranh cao; thúc đẩy hoạt động của khối công nghiệp để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ phát triển hoàn toàn 100% bởi VNPT. Có các biện pháp thiết thực nhằm triển khai sâu rộng cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam

 

Thứ năm, quy hoạch kiến trúc thương hiệu Tập đoàn theo mô hình mới; đẩy mạnh thương hiệu VNPT, gắn kết nhãn hiệu sản phẩm dịch vụ với thương hiệu VNPT; Tiếp tục truyền thông làm mới, thay đổi hình ảnh VNPT theo hướng trẻ trung, năng động và nhân văn. Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao hình ảnh thương hiệu của Tập đoàn trong nước và quốc tế…

 

Thứ sáu , tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng mạng lưới, chất lượng dịch vụ; chú trọng dịch vụ chủ lực; xây dựng chỉ tiêu cụ thể về chất lượng, an toàn mạng lưới và tổ chức đánh giá, kiểm tra thực hiện theo quy định.

 

Thứ bảy , đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng; tiếp tục đẩy mạnh triển khai, nhân rộng các phần mềm dùng chung toàn Tập đoàn phục vụ điều hành SXKD cũng như các sản phẩm, dịch vụ CNTT - giá trị gia tăng cung cấp cho khách hàng.

 

Thứ tám , sẵn sàng, tích cực triển khai thực hiện Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT, Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011-2015, Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo giai đoạn 2012-2015 và các đề án, chương trình, quyết định của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành liên quan đến hoạt động của VNPT.

 

Thứ chín, tiếp tục tập trung đầu tư phát triển mạng lưới viễn thông - CNTT; Lựa chọn đầu tư theo thứ tự ưu tiên phù hợp với định hướng kinh doanh và phát triển mạng lưới của Tập đoàn.

 

Thứ mười, triển khai áp dụng đồng loạt hóa đơn điện tử cho các đơn vị thành viên Tập đoàn. Hoàn thiện quy chế tài chính của Tập đoàn phù hợp mô hình tổ chức mới. Kiểm soát chặt chẽ và thực hiện tiết kiệm tối đa chi phí SXKD; sử dụng có hiệu quả tài sản, vật tư, tiền vốn, giảm tối đa các khoản nợ đọng tại các đơn vị.

 

Mười một, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch cán bộ lãnh đạo các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc giai đoạn 2012-2015, và giai đoạn 2016-2020. Xây dựng phương án giải quyết lao động dôi dư của Tập đoàn.

 

Mười hai, triển khai tái cơ cấu danh mục đầu tư tài chính theo Quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện tốt công tác giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp có vốn góp của Tập đoàn, đánh giá xếp loại đại diện vốn theo Nghị định 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ và quy định của Tập đoàn.

 

Mười ba, tiếp tục nghiên cứu, triển khai dự án hợp tác mới; tiếp tục xúc tiến, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở một số thị trường nước ngoài để phát triển các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin.

 

Mười bốn, xây dựng và hình thành mạng lưới R&D để triển khai công tác nghiên cứu phát triển của Tập đoàn đáp ứng yêu cầu phát triển theo mô hình mới; tăng cường triển khai các đề án KHCN…

 

Mười lăm, tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tự học tập thông qua E-learning và bồi dưỡng nội bộ. Kiện toàn đội ngũ và tái cơ cấu tổ chức hoạt động các cơ sở đào tạo trong Tập đoàn, đảm bảo cơ sở đào tạo gọn nhẹ, hoạt động đào tạo hiệu quả và có chất lượng.

 

Mười sáu, thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các Bộ, Ngành liên quan và các Kiểm soát viên tại Tập đoàn để nâng cao tính tuân thủ Pháp luật trong các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn.

 

Mười bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên trên tất cả các mặt. Chú trọng triển khai công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin PCCC, quốc phòng, quân sự của Tập đoàn.

 

Mười tám, xây dựng các tiêu chí thi đua, khen thưởng bám sát mục tiêu, yêu cầu và hiệu quả SXKD. Tiếp tục phát động các phong trào thi đua trong toàn thể CBCNV Tập đoàn, quyết tâm giữ vững và phát huy truyền thống của đơn vị Anh hùng Lao động. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai văn hóa doanh nghiệp trong toàn Tập đoàn.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc