Tết của nhà mình, sao để "người ta" chuẩn bị?

07:26, 17/02/2015
|

(VnMedia) - Đó là câu hỏi của một thanh niên miền Trung sinh sống ở nước ngoài, khi trở về Việt Nam ăn Tết với mong muốn được sống lại không khí Tết xưa, nhưng làng quê của anh đã bỏ đi rất nhiều phong tục cổ truyền khiến anh cảm thấy tiếc nuối.

>> Nhớ nồi bánh chưng xưa của Mẹ
>> Học sinh tiểu học được tập gói bánh chưng

Ảnh minh họa


Sống cách quê nhà nửa vòng trái đất, nhưng chàng thanh niên Nghệ An ấy luôn đau đáu hướng về Tổ Quốc và luôn thèm cái không khí nhộn nhịp chuẩn bị cho một cái Tết nguyên đán thật đầy đủ, ấm cúng...


Bước xuống sân bay Nội Bài đã là tối muộn ngày 29 Tết, như thường lệ mỗi lần về nước, bạn sẽ ở lại Hà Nội gặp một vài người bạn, mua sắm vài thứ ở thành phố, nhưng giờ đã là tối 29, ngày mai là ngày cuối cùng của năm cũ. Bạn chẳng chần chừ gì gọi cho mình chiếc taxi phóng về quê ngay trong đêm. Nhà bạn ở một vùng quê nghèo miền Trung cách Hà Nội tận 300km, nếu không về ngay trong đêm, ngày mai sẽ không có dịp cùng gia đình sắm sửa những thứ thiết yếu cuối cùng để đón Tết.

Xe chạy một mạch đến 5h sáng cũng về đến nhà, sau khi chào hỏi tay bắt mặt mừng với mọi người bạn bắt đầu hỏi về những việc làm để đón Tết. Bạn đảo khắp nhà không thấy lá chuối, không thấy lá dong, không thấy hành, không thấy dưa món,… bạn hỏi em gái:

- ủa nhà mình không chuẩn bị mọi thứ để làm bánh chưng hả em?
- Anh quê quá, nhà mình đặt người ta làm hết rồi. Chờ chiều nay người ta mang qua thôi anh ơi, giờ ai mà đi nấu bánh nữa?


Bạn chưng hửng, cảm thấy thiếu vắng và hụt hẫng. Vượt nửa vòng trái đất, ngồi xe chạy xuyên đêm để về quê với mong ước nhỏ nhoi góp một tý công sức vào việc chuẩn bị Tết, để gói bánh, để nấu bánh, để…. Vậy mà nỗ lực của bạn đã trở nên không cần thiết, mọi thứ đã được chuẩn bị xong xuôi bởi “người ta”. Bạn tự hỏi “Tết-của-nhà-mình-sao-để-người-ta-chuẩn-bị?”. Bạn thấy băn khoăn trăn trở, rồi thấy khó chịu.

Đâu rồi những buổi đi cắt lá chuối để phơi vài ngày trước khi gói bánh, đâu rồi những lần rửa và làm sạch lá dong. Bạn còn nhớ cách ông nội bạn dạy bạn chọn lá dong to bản đều nhau, không bị rách nát và phải xanh mướt.

Đâu rồi những lúc ngồi ngắm bố thắt lạt giang để buộc bánh, bố cũng như ông là những những người sành sỏi trong việc gói bánh. Bố nói lạt buộc bánh phải là lạt giang, gạo nếp là gạo mới thu hoạch là tốt nhất, hạt phải to, tròn đều và trắng. Bạn may mắn sinh ra ở Nghệ An, nơi nổi tiếng với những hạt đỗ xanh tự trồng, phơi khô, sàng sảy để lấy những hạt to tròn đều và xanh. Sau đó nghiền vỡ làm đôi hoặc vỡ hơn, ngâm trong nước ấm trong vòng vài giờ cho mềm rồi đãi bỏ hết vỏ xanh, để ráo, rồi giã nhuyễn trộn với tiêu để làm nhân bánh. Còn đâu những lúc ngồi bóc áo cho củ hành làm cay mắt bạn, bạn nhớ cái hương vị Tết của những năm trước da diết.

Thấy bạn ngồi thẫn thờ bố hỏi chuyện, về nhà sao con buồn vậy. Bạn thật lòng kể hết nỗi lòng mình cho bố. Bố nhìn bạn cười, rồi gọi tất cả mọi người vào và tuyên bố: Em trai qua nhà các cô các chú hỏi xem còn lá dong, lá chuối dư thì xin về hết. Bảo mẹ tôi qua đi mua nếp, mua hành về ngâm rồi vò chuẩn bị làm bánh, bảo chị gái em gái chuẩn bị đỗ xanh, tiêu, thịt,…. Những thứ cần thiết để gói bánh. Bố và tôi sẽ chuẩn bị lạt giang, củi để nấu,... Trong buổi sáng mọi thứ đều đầy đủ, tôi em trai sẽ phụ trách đùm bánh (gói bánh) mọi thứ diễn ra thật nhanh và cả nhà chúng tôi quây quần vừa cười nói vừa làm, một không khí gia đình thật vui và ấm áp.

Đến khoảng 5h chiều mọi thứ đã hoàn tất, bắc nồi bánh lên luộc, cả nhà chúng tôi ngồi thành vòng tròn bên bếp than rực đỏ, ở đó có mẹ, có bố, có anh chị em chúng tôi. Bố bắt đều kể về những kỷ niệm ngày xưa, kể về ông nội, ông đã đi xa mãi thế mà qua lời kể của bố, dường như ông mới chỉ xa chúng tôi ngày hôm qua. Rồi bố quyết định tất cả những cái Tết sau này cả nhà chúng tôi sẽ lại tự túc gói bánh chưng, chuẩn bị mọi thứ từ A đến Z chứ sẽ không nhờ “người ta” chuẩn bị Tết cho nhà mình nữa.

Trong ánh lửa bập bùng dưới cái nồi bánh to tướng, tôi thấy ấm áp, ấm áp không phải từ sức nóng của bếp mà sự ấm áp lan tỏa từ cái không khí gia đình thiêng liêng này. Đấy chính là giá trị vô cùng ý nghĩa của cái Tết cổ truyền Việt Nam: Tết là Gia đình, Tết là sum họp, Tết là quê hương.

Con cảm ơn BỐ MẸ. Con cầu chúc bố mẹ luôn mạnh khỏe để Tết năm nào cả nhà mình cũng tự đón Tết bố mẹ nhé.

Tái bút: Trong cuộc sống hiện đại hối hả như hiện nay nhiều nhà, nhiều gia đình đã đánh mất thói quen tự gói bánh chưng. Tôi không chê trách, cũng không lên án, cũng không đủ sành sỏi để có thể khuyên nhủ các bạn. Nhưng tôi tin chắc một điều, nếu tự tay mình chuẩn bị mọi thứ đón Tết, đặc biệt là nấu một nồi bánh chưng khi mà các thành viên ngồi quây quần xung quanh nồi bánh, các bạn sẽ thấy tình cảm gia đình thật ấm áp và thiêng liêng. Và sẽ thấy Tết thật vui vẻ và hạnh phúc, sẽ quên đi một năm mệt mỏi với bao công việc bộn bề, để rồi qua Tết, chúng ta lại bắt đầu bước vào guồng quay của cuộc sống hiện đại...

(Tản văn của Nguyễn Huy Hoàng)


Tùng Huy - (Ghi)

Ý kiến bạn đọc