Gói bánh chưng: Nét đẹp của Tết cổ truyền

07:01, 16/02/2015
|

(VnMedia) - Một trong những nét đẹp đậm đà bản sắc trong Tết cổ truyền của dân tộc ta, đó chính là phong tục gói bánh chưng. Cho dù miền núi hay đồng bằng, dân tộc Kinh hay thiểu số thì đến những ngày tết, nhà nào cũng gói hoặc mua bánh chưng xanh để bày trên bàn thờ ngày Tết.

>> Học sinh thử nghiệm gói bánh chưng Tết
>> Bí quyết bảo quản bánh chưng ngày Tết
>> Bánh chưng Tết ở Trường Sa

Ảnh minh họa


Gia đình quây quần gói bánh chưng là một trong những nét đẹp làm nên hương vị đặc sắc của Tết cổ truyền Việt Nam.


Nhớ không khí gói bánh chưng ngày Tết

(Tản văn)


Ở quê tôi, chiều 29, bao giờ cũng là công việc chuẩn bị các thứ để sáng sớm 30 gói bánh chưng. Hồi nhỏ, không làm được việc nặng nhọc nên tôi phải trông em, sau này lớn lên, thằng em biết chạy rồi thì tôi được làm công việc hỗ trợ U (mẹ) và chị gái để gói bánh chưng. Lá dong, lá chít được cắt ở vườn, ống dang được mua ở chợ. Thày (bố) bao giờ cũng làm nhiệm vụ chẻ ống dang vót lạt sau đó nối thành sợi dây dài để “ràng” (buộc) bánh. Cái cách nối nhiều sợi dây vào nhau tôi học mãi không thể làm được, vì rất khó. Lá dong được cho vào xoong 60 luộc lên, vớt ra ngâm vào nước lạnh cho nó mềm và dai. Nếu gói lá sống thì xanh bánh, nhưng lúc gói dễ bị gãy, vỡ lá vì nó giòn, luộc lên thì lá nó đổi màu nâu gụ hoặt đỏ sậm nhưng nó mềm và dai, gói bánh dài sẽ rất đẹp. Luộc lá xong bỏ ra ngâm nước rồi mấy chị em hì hục cọ lá, U tôi thường hướng dẫn mấy chị em cọ rửa cẩn thận từ cái khe chỗ cuống lá đến những cái gân mặt sau lá, xong rồi tráng đi tráng lại nhiều lần cho sạch.

Gạo nếp được chọn từ những thửa ruộng lúa khỏe không bị sâu bệnh, giống tốt và hạt thóc mẩy, trĩu ngọn. Gặt lúa về đập ra phơi khô rồi cho vào chum đậy điệm cẩn thận để trong góc nhà. Gần Tết, U tôi bắt đầu đổ ra phơi, rồi đi xay và giã. Vì là gạo gói bánh chưng nên bao giờ U cũng bắt chúng tôi giã lâu hơn bình thường cho nó trắng sáng ra. Đỗ xanh cũng được chọn lọc cẩn thận từ đống đỗ thu hoạch về. Những hạt đỗ phải mẩy, xanh và chắc, phơi khô giòn rồi cất đi. Khi làm nhân bánh, đỗ xanh được cho vào cối xay bột để xay vỡ làm đôi làm ba, cho vào chậu thau ngâm 9-10 tiếng. Gạo nếp cũng được ngâm cỡ đó, xong thì các chị sẽ gánh xuống bến sông để đãi.

Những buổi chiều ấy, bến sông thật nhộn nhịp, chị em thoăn thoắt đãi đỗ, những mảng vỏ đỗ nổi lên rồi trôi ra khỏi rá, còn lại những hạt đỗ vàng ươm, béo ngậy. Gạo cũng được đãi để trôi hết nước vo gạo, còn lại những rá gạo trắng sứ, hạt mẩy nhìn đã thòm thèm. Các chị vừa đãi đỗ, đãi gạo, rửa lá bánh, vừa trò chuyện râm ran cả bến sông Cầu.

Sáng 30, U và các chị dậy thật sớm, khi mà lũ trẻ vẫn còn nằm cuộn tròn trong những chiếc chăn cũ kỹ trên ổ rơm ấm áp.  U và các chị ngồi ở gian giữa, xung quanh là xoong gạo, rá đỗ, rổ lá và 2 chiếc mâm đồng. Riêng nhân thịt được để trong cái liễn sứ, nhìn thật hấp dẫn bởi những thớ thịt nạc chạy dọc theo thân mỡ, được ướp với hạt tiêu lấm tấm đen nhìn đến là ngon. U đặt 4 cái lạt dang xuống mâm, rồi lấy 3 cái lá dong xếp cạnh nhau tráo đầu đuôi đặt trên mấy cái lạt, rồi đặt 3 cái lá chít lên trên, xong lấy bát xúc gạo đổ vào lá, lấy tay san san ra cho đều, rồi múc đỗ đổ lên trên, phần giữa bánh, rồi lại san ra cho đều, lấy miếng nhân thịt dài tầm 20cm đặt thẳng theo chiều dài bánh, xong rồi cuốn lại, thắt 4 cái nút lạt rồi bà dựng đứng cái bánh, vỗ vỗ cho đều gạo rồi bẻ đầu. Gói bánh chưng dài, thì bẻ đầu bánh là một nghệ thuật mà các cô gái mới lớn phải học rất lâu mởi “bẻ” được đầu vừa chắc, vừa đẹp, vừa cân bằng không bị đầu to đầu bé. Bẻ đầu bánh xong, U lấy lạt dang đã được nối dài bắt đầu “ràng” bánh, cuộn từ đầu này sang đầu khác rồi buộc lại một cách chắc chắn.

Ảnh minh họa


Luộc bánh chưng ở quê


Bánh gói xong, bao giờ Thày cũng xếp từng cái vào chiếc xoong 100 to đùng, có nhà còn luộc bằng xoong quân dụng. Củi gỗ được Thày chuẩn bị tích cóp từ nhiều tháng trước, củi càng to, lửa càng đượm và nước sôi liên tục, vì thế bánh sẽ chín “rền” hơn. Sau khi luộc khoảng 10-12 tiếng, bánh được vớt ra cái nia hoặc cái đám rơm góc sân, để cho ráo nước và nguội bớt, rồi U và các chị, các anh lăn từng cái cho nó đều và “rền” bánh, xong xuôi U sẽ quấn lại từng chiếc bánh cho gọn gàng và đẹp mắt mới cho vào thúng, cất ở trong buồng. Hồi đó bao giờ gói xong, U cũng làm cho tôi và thằng út, mỗi đứa một cái bánh nho nhỏ, gọi là bánh cuối nồi, có làm cái dây vắt qua hai đầu như cái quai túi, luộc xong thì mỗi thằng một cái đeo vào cổ chạy đi khoe khắp xóm, thỉnh thoảng lại cho lên mũi hít hà cái mùi thơm béo ngậy của bánh chưng vừa luộc xong.

Những ngày Tết, mỗi lần chuẩn bị mâm cỗ, tôi thường ngồi xem chị cắt bánh. Bao giờ chị cũng chuẩn bị một cái thau nước, một cái dây. Chị dấp nước ướt tay rồi bóc bánh cho đỡ dính. Khi bóc hết lá, chị cho đầu sợi sây vào răng giữ chặt, một tay chị cầm đầu dây còn lại, tay kia cầm cái bánh, chị cứ lồng cái dây vào bánh và xiết, mỗi lần chị xiết cái dây và kéo ra thì một khoanh bánh tròn trắng ngậy, nhân đỗ vàng ươm thơm ngát rơi xuống đĩa. Xong rồi chị sắp xếp lại cho gọn gàng đẹp đẽ rồi đặt lên mâm cỗ.

Bây giờ ở phố còn ít nhà gói bánh, đa số đặt mua ngoài tiệm, nhưng ở quê tôi gần như vẫn giữ nguyên nếp cũ. Vẫn rộn ràng chiều 29 Tết với việc luộc lá, đãi đỗ, đãi gạo và sáng 30 vẫn sum vầy mấy mẹ con ngồi gói bánh. Vừa gói vừa trò chuyện rôm rả. Một không khí thật ấm cúng, tình cảm và đó chính là những giá trị bất biến khiến Tết nguyên đán trở nên có ý nghĩa đối với mọi gia đình.


Ngô Bá Lục

Ý kiến bạn đọc