Người lớn bị "đánh bật" khỏi show truyền hình thực tế

11:46, 27/09/2014
|

(VnMedia)Khủng hoảng tài năng của người lớn khiến cho các show truyền hình thực tế giành cho thiếu nhi trở nên hút khách. Khám phá tài năng nhí với những khả năng trình diễn nghệ thuật siêu phàm trở thành thứ mật ngọt để phá băng sự bão hòa của khán giả.

Một loạt các show vốn từng khuynh đảo sóng truyền hình quốc gia một thời buộc phải lui bước để nhường sóng cho các show dễ kiếm khán giả. Cuộc đua kỳ thú, Bài hát Việt, Sao Mai điểm hẹn… đã không còn ở vị trí độc tôn chiếm sóng giải trí trên kênh VTV3 cuối tuần nữa…. thay vào đó, là các show giành cho thiếu nhi chế ngự.

Sự bão hòa của truyền hình thực tế cũng đã đến hồi được phá băng bởi sự tấn công ồ ạt của các show giành cho lứa tuổi thiếu nhi.

Ba ngày liên tiếp Thứ 6, Thứ 7 và chủ nhật trên sóng quốc gia ăn khách nhất là VTV3 thì cả Bước nhảy hoàn vũ nhí, Giọng hát Việt nhí và Đồ Rê Mí cùng chiếm sóng. Tới đây nữa, Gương mặt thân quen nhí cũng sẽ lên sóng và hứa hẹn sẽ ăn khách không kém phiên bản người lớn. Đó là chưa kể tới một vài show "Thử thách cùng bước nhảy nhí" (xuất hiện với tên "Vũ điệu tuổi xanh"), hay "Vua đầu bếp nhí" (Master Chef Junior) không chiếm sóng VTV3. Sự hội tụ một cách ngẫu nhiên của nhiều show thiếu nhi tưởng chừng là sự bội thực cho đối tượng khán giả nhỏ. Nhưng, thừa đấy, nhưng dường như nó vẫn là sự thiếu thốn với tâm hồn trẻ thơ.

Thiếu bài hát trẻ thơ

Đây là câu chuyện nhãn tiền mà không chỉ đến khi có The Voice Kids – Giọng hát Việt nhí người lớn mới nhận ra. Việc phải thử sức với những bài hát người lớn của các tài năng mầm như Đồ Rê Mí hay Vietnam ’s Got Talent cũng đã dấy lên sự nghi ngại từ khá lâu.

Dù ca từ vẫn trong sáng… nhưng lẩn khuất trong bài hát người lớn, vẫn đòi hỏi ở các bé sự gắng gượng lên tông trong giọng hát và phô diễn những trải nghiệm không hợp tuổi. Thế mới có câu chuyện cười khi một ứng viên nặng ký của The Voice Kids mùa giải năm nay là cậu bé 10 tuổi Đào Gia Phúc đã thật thà trả lời lấy cảm xúc cho phần trình diễn tuyệt vời của mình với “Giấc mơ Chapi” là từ… chính bài hát.

 Ảnh minh họa

 Show Giọng hát Việt nhí


Có thể sẽ là sự thích thú ban đầu cho người lớn khi các em dám mạo hiểm với những ca khúc của người lớn, nhưng sẽ là điều đáng quan ngại đối với các bậc phụ huynh khi con mình “lớn” quá sớm cả trong tâm hồn văn hóa nghệ thuật.

Không ngại sao khi các bé Đồ Rê Mí gào thét với Ngày đẹp tươi, Là con gái thật tuyệt, Rock Cánh diều…. Còn các bé The Voice Kids vô cùng hào hứng với các bài khó nhằn như Bay , Hồ trên núi, Thư pháp… Có bé còn đầy trải nghiệm buồn bã với Còn tuổi nào cho em, Dòng thời gian

Đó là chưa kể, các ca khúc tiếng Anh vẫn là mảnh đất được các cháu khai thác như You raise me up,This is me, Believe... Thậm chí, có bé còn thử sức với I will always love you – một ca khúc khó cả về ca từ lẫn giai điệu.

Sự nhẵn mặt đáng nghi ngại

Người lớn chạy đua, các sao lớn bé chạy đua góp mặt ở show truyền hình thực tế đã là một nhẽ…vì họ có những mục tiêu để đặt chân vào làng giải trí. Người lớn mưu cầu cơ hội nổi tiếng, giành giải thưởng. Các sao thì mưu cầu sự quen mặt và các chiêu trò để nổi tiếng hơn trong showbiz. Nhưng các em bé cũng nhẵn mặt thì quả là một sự nghi ngại.

Không ít ngôi sao bước ra từ Đồ Rê Mí đã nhanh chóng trở thành tâm điểm tại Vietnam’s Got Talent như Khánh An; làm tâm điểm Giọng hát Việt nhí như Đỗ Trí Dũng, Thảo My… Tiếp đó, một vài tài năng bước ra từ Vietnam’s Got Talent lại khuynh đảo Giọng hát Việt nhí như Vũ Song Vũ, Nguyễn Lê Nguyên, Đăng Khoa…

 Ảnh minh họa

 Vũ Song Vũ nhẵn mặt ở nhiều show truyền hình thực tế cho trẻ con


Ở Bước nhảy hoàn vũ nhí, khán giả nhanh chóng nhận ra sự quen mặt của Bảo Ngọc – quán quân Vietnam ’s Got Talent. Có lẽ với Ngọc, đi thi chỉ là mong muốn cọ xát vì giải thưởng Vietnam’s Got Talent đã quá đủ lớn để cô bé này có tấm giấy thông hành vào làng giải trí chuyên nghiệp. Đăng Khoa Got Talent cũng nhanh chóng phô diễn một tài năng khác là nhảy múa ở sân chơi Bước nhảy hoàn vũ nhí.

Mỗi cuộc thi truyền hình thực tế từ casting tới vòng trực tiếp ngốn ít nhất nửa năm. Khoảng thời gian đó, nhiều em nhỏ hẳn không tránh được sự bê trễ học hành, thậm chí bảo lưu kết quả học tập để tham gia thi thố.

Sự kém duyên của giám khảo trong chiêu trò câu kéo thí sinh, sự tung hứng quá nhắng của MC, việc phát sóng quá muộn sau 21h… là những việc ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý tiếp nhận của con nhỏ.

Vườn cổ tích chết yểu từ lâu. Chúc bé ngủ ngon cũng đã không còn trụ lại được. Các show tìm kiếm tài năng ca hát giành cho lứa tuổi thanh thiếu niên cũng nhanh chóng chìm xuồng. Sự có mặt tất yếu của các show truyền hình thực tế giành cho thiếu nhi khiến cho những mảng miếng như khoa giáo, văn học nghệ thuật…. của thiếu nhi bị vắng bóng. Thay vào đó, người ta cuốn con trẻ vào những việc chỉ nên giành cho người lớn là chạy đua bình chọn, bị dàn xếp để câu view, dàn dựng câu chuyện ở hậu trường để câu tin nhắn của khán giả.

Khi trẻ con là tâm điểm… nó đã mang lại cho làng giải trí một sự hào hứng mới. Nhưng khi trẻ con là tâm điểm… chúng sẽ cần một cách “đối xử” khác để không sớm biến thành những con mồi cho nhà sản xuất, cho truyền thông bị làm cho già đi, đời hơn và nhọc nhằn với sự bon chen.


Mạnh Trần

Ý kiến bạn đọc