Cha đẻ "Dế Mèn phiêu lưu ký" qua đời ở tuổi 95

19:31, 06/07/2014
|

(VnMedia) - Nhà văn Tô Hoài - cây đại thụ của nền văn học Việt Nam, tác giả của tập truyện nổi tiếng "Dế mèn phiêu lưu ký" đã qua đời sáng nay, 6/7/2014 tại bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), hưởng thọ 95 tuổi.

Nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Hà Nội, chia sẻ: “Sự ra đi của cụ gây nhiều bất ngờ cho anh em văn nghệ sĩ. Tôi nghe thông tin từ gia đình thì biết cụ vẫn đi về giữa nhà và bệnh viện chứ không muốn ở hẳn trong ấy. Vậy mà, giờ một người đã nằm xuống”.

Sinh ngày 27/9/1920, Tô Hoài tên khai sinh là Nguyễn Sen. Ông sinh ra tại quê nội ở huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, Hà Nội trong gia đình thợ thủ công. Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức. Ngoài ra, ông còn sử dụng nhiều bút danh khác như Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích, Hồng Hoa, Phạm Hòa...

Ảnh minh họa

Tác giả "Dế Mèn phiêu lưu ký" đã kết thúc chuyến phiêu lưu cuộc đời ở tuổi 95.

Sau hơn 60 năm lao động nghệ thuật, Tô Hoài để lại một khối di sản khá đồ độ với hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác.

Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996) cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ.

Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài là Dế Mèn phiêu lưu ký, tác phẩm đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của biết bao thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi của Việt Nam và được dịch ra gần 40 thứ tiếng trên thế giới. Tại cuộc hội thảo kỷ niệm 70 năm Dế Mèn phiêu lưu ký năm 2012, Tô Hoài cho biết, tác phẩm được ông khởi viết năm 17 - 18 tuổi. Theo nhà văn, bối cảnh cuộc phiêu lưu của Dế Mèn chính là vùng Nghĩa Đô ven sông Tô Lịch, nơi nhà văn dành cả tuổi thơ của mình ở đó với trò chơi đấu dế, đúc dế.

Hai tác phẩm cuối cùng của Tô Hoài: hồi ký Cát bụi chân ai và Ba người khác.


(Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc