Hương quê, vị Tết

07:46, 22/01/2012
|

(VnMedia) - Thời hiện đại, nhiều người lựa chọn đi du lịch để đón chào năm mới, nhưng tôi luôn mong được về quê, nơi “chôn rau cắt rốn” của mình đề cùng gia đình đón chào một mùa xuân mới.

Không hiểu sao, đến tận bây giờ, khi đã đi qua phía bên kia con dốc cuộc đời, tôi vẫn luôn cảm thấy háo hức mỗi khi Tết đến xuân về. Tôi còn nhớ những ngày thơ ấu, cứ vào dịp tháng Chạp, cả làng tôi bắt đầu không khí nhộn nhịp hơn ngày thường. Tất cả đều bước vào cuộc chạy đua để chuẩn bị cho ba ngày Tết thật chu đáo, no đủ.

Ngày ấy làng tôi rất nghèo, quanh năm khó khăn vất vả, cơm ăn không đủ no, áo chẳng đủ mặc, vì thế, không chỉ trẻ con, mà ngay cả người lớn cũng luôn mong đến Tết. Bởi vì không chỉ được ăn ngon, mặc đẹp, đi dự hội xuân, mà Tết là sự sum họp, quây quần để cho mỗi gia đình đều được đầm ấm bên nhau, cảm nhận tình yêu thương, gắn bó, cùng tiễn năm cũ và đón chào một mùa xuân mới.

Vì thế, để chuẩn bị cho ba ngày Tết, người dân quê tôi phải chuẩn bị cả hàng tháng trời. Nào chuẩn bị lợn, gà, gạo nếp, đỗ xanh… đến các thứ như măng, miến, mọc nhĩ và những thứ thực phẩm khác. Lợn, gà thì nuôi trước cả mấy tháng trời, gạo nếp được lựa chọn thật kỹ từ khi gặt về, phơi khô cho vào bồ đến lúc ủ hương ngào ngạt. Những thứ nông phẩm khác cũng được lựa chọn chất lượng tốt nhất để dành cho Tết Nguyên đán.

Tháng Chạp, cả làng tôi nhộn nhịp làm hương. Cây hương màu đen bóng được làm từ nhựa trám, nhựa thông pha với than hoa tỏa ra một mùi hương rất đặc biệt, đến mức mà bây giờ, khi có bao nhiêu loại hương trầm, từ sản xuất trong nước đến nước ngoài với nhiều loại hương khác nhau, nhưng tôi không bao giờ có thể quên được mùi của loại hương đen quê tôi, đơn giản không phải chỉ vì mùi thơm độc đáo, mà nó còn gắn với cả một quãng thời ấu thơ đầy kỷ niệm.

Những ngày giáp Tết, không khí càng trở nên nhộn nhịp. Ai cũng hối hả chuẩn bị cho những ngày Tết đến. Người lớn vội vã ra đồng tranh thủ mọi thời gian để cày cấy cho xong vụ chiêm, trẻ con tất bật với việc nhà, dọn dẹp, trang trí nhà cửa sạch sẽ, đẹp mắt. Qua Tết ông Táo, hầu như mọi sự chuẩn bị đều đã xong xuôi, tất cả đều nôn nao đón chờ thời khắc giao thừa.

Chợ Tết quê tôi được họp vào ngày 28 tháng Chạp. Đó là phiên chợ cuối cùng của năm, nên hầu như không ai bỏ qua dịp đi chợ Tết. Từ sáng sớm, các ngả đường quê đã nhộn nhịp bước chân người. Trẻ con thì í ới gọi nhau tụ tập quanh những hàng bán pháo, những bánh pháo tép màu hồng điều luôn hấp dẫn lũ trẻ. Người lớn tranh thủ mua bán những thứ thiết yếu, từ lá dong, lá trít để gói bánh chưng; mo cau, lạt dang để gói giò đến quả cau, lá trầu, bức tranh Đông Hồ để trang trí bàn thờ Tết.

Ngày 30 Tết, làng trên xóm dưới rộn rã tiếng thịt lợn, giã giò. Nhà nào cũng quây quần bên nhau gói bánh chưng, bánh tẻ và một số loại bánh đặc biệt chỉ có trong những ngày Tết như bánh gai, bánh gio. Bên bếp lửa hồng, ông bà, cha mẹ và con cái sum họp bên nhau, cùng trông nồi bánh chưng và tổng kết lại những điều đã làm, chưa làm được trong năm và những dự định trong năm mới. Tất cả đều diễn ra trong một không khí đầm ấm, sum vầy.

Bây giờ, làng quê tôi đã đổi mới, giàu có hơn, khang trang hơn rất nhiều. Đã không còn cảnh lam lũ, vất vả, tất bật ngược xuôi để lo cho ba ngày Tết. Nhưng những giá trị truyền thống thì không bao giờ thay đổi.

Tết quê tôi vẫn đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống. Không còn tiếng "lốp cốp" giã giò vì xay bằng máy, nhưng cảnh ông bà, cha mẹ, con cháu quây quần gói giò, gói bánh chưng thì vẫn còn nguyên. Cho dù đã có nhiều công cụ tiên tiến, nhưng quê tôi vẫn gói bánh chưng bằng tay. Cả nhà vừa gói bánh chưng vừa chuyện trò rôm rả. Và đêm giao thừa, làng trên ngõ dưới rộn ràng những giai điệu quan họ, thật ấm áp và rộn rã không khí mùa xuân.


Tùng Huy

Ý kiến bạn đọc