Nga có phải mối đe dọa với phương Tây?

15:51, 12/04/2015
|
(VnMedia) - Hôm qua (11/4), Thứ trưởng Quốc phòng Nga – ông Anatoly Antonov tuyên bố, học thuyết quân sự mới của Nga không phải là mối đe dọa đối với các quốc gia phương Tây.
 
Theo Thứ trưởng Anatoly Antonov, học thuyết quân sự Nga thích nghi với những thay đổi trên thế giới kể từ năm 2010. Học thuyết này  giúp phân tích rõ “cách mạng sắc màu”, cuộc xung đột ở Ukraine, hoạt động của nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan và nhiều vấn đề toàn cầu khác. 

Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga - Anatoly Antonov

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin RIA Novosti, ông Anatoly Antonov nói: “Với những điều trên, làm sao mà người ta có thể nói học thuyết quân sự này đe dọa các nước phương Tây? Chắc chắn là không”.
 
Thứ trưởng Quốc phòng Nga cho biết, một trong những lý do khiến Nga phải sửa đổi học thuyết là do Mỹ có mưu đồ thao túng các vấn đề quốc tế và các nước phương Tây có ý định đặt các quốc gia Ả-Rập trong tầm ảnh hưởng của mình.
 
Ông cho rằng, Washington đang đi ngược lại quy luật về một thế giới đa cực, trong khi đó, học thuyết quân sự của Nga đang hoàn toàn nhấn mạnh đến tính tự vệ, cũng như vạch ra những bước thực hiện chung nhằm mang lại hoà bình trên thế giới.
 
Thứ trưởng Antonov cho biết, học thuyết quân sự mới của Nga là một văn kiện được soạn thảo kỹ lưỡng đến từng chi tiết, nhấn mạnh tính chất phòng thủ và đề ra các bước cần thiết để duy trì hòa bình trên toàn thế giới.
 
“Học thuyết quân sự của Nga được thực hiện theo đúng luật pháp và các hiệp ước quốc tế mà Moscow đã chấp thuận. Nó cũng bao gồm các biện pháp nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột trên thế giới, từ đó tăng cường an ninh thế giới”, ông Antonov nói.
 
Học thuyết quân sự của Nga phản ánh rằng, Moscow luôn mong muốn duy trì đối thoại về an ninh châu Âu với vị thế bình đẳng với Liên minh châu Âu và NATO, ông Antonov nhanahs mạnh.
 
Học thuyết quân sự sửa đổi được Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt vào cuối năm 2014. Học thuyết quân sự mới này giữ hầu hết nội dung của phiên bản nhưng được bổ sung các điểm bao gồm việc bao vệ quyền lợi quyền lợi của Nga tại Bắc Cực và thành lập quan hệ đồng minh với các nước Abkhzia và Nam Ossetia.
 
Học thuyết mới tập trung vào hành động của nước Nga trong việc ngăn chặn và phòng ngừa các cuộc xung đột quân sự.  Những hành động đó được tiến hành phù hợp với các chuẩn mực của luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế mà Liên bang Nga đã ký kết.
 
Ông nói: “Học thuyết quân sự mới của Nga lưu  ý rằng, các hành động luôn được tiến hành tuân thủ luật pháp cũng như các hiệp ước quốc tế  mà Liên bang Nga đã ký kết”.
 
Thứ trưởng Quốc phòng Anatoly Antonov khẳng định rằng tránh để xảy ra chiến tranh hạt nhân cũng như bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào khác là cốt lõi của học thuyết quân sự Nga. 
 
Ông nói tiếp: “Học thuyết quân sự mới của Nga chú ý nhiều đến các vấn đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tăng cường an ninh quốc tế”.
 
Ông thêm rằng, sự hợp tác được đề ra trong học thuyết này bao gồm cả việc tăng cường Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE ) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) cũng như tăng cường quan hệ song phương với Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Mở rộng NATO là mối đe dọa chính đối với an ninh Nga

Trong khi đó, học thuyết này cũng coi việc mở rộng NATO là một mối đe dọa chính đối với an ninh quốc gia của Nga,
 
Học thuyết mới nêu rõ những điểm được Nga xem là hiểm họa chiến tranh gồm: NATO mở rộng tiềm năng sức mạnh, sự xích lại của cơ sở hạ tầng quân sự NATO sát biên giới LB Nga, trong đó có việc tiếp tục mở rộng khối này; triển khai binh sĩ nước ngoài trên lãnh thổ các nước có chung biên giới với Liên bang Nga; hình thành và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược, hủy hoại sự ổn định trên toàn cầu, thực thi khái niệm “cú ra đòn toàn cầu”, ý định đưa vũ khí lên vũ trụ.
 
Hội đồng An ninh Nga cho biết, các hiểm họa mới đối với nước này xuất hiện trong tình hình tại Ukraine và xung quanh nước này, cũng như các sự kiện tại châu Phi, Syria, Iraq và Afghanistan.
 
Học thuyết mới của Nga viết rằng, việc triển khai quân đội nước ngoài tại lãnh thổ các nước láng giềng của Nga là cách gây áp lực về chính trị và quân sự với Nga. Học thuyết mới lần đầu tiên nêu khả năng sử dụng vũ khí thông thường có độ chính xác cao như một “răn đe chiến lược” mà không giải thích rõ Nga sẽ sử dụng khi nào và như thế nào.
 
Về phía mình, sau khi Tổng thống Nga ký sắc lệnh phê chuẩn học thuyết quân sự mới, NATO đã bác bỏ lập luận cho rằng khối này là mối đe dọa an ninh nước Nga.
 
Ngoài ra, học thuyết cũng coi hoạt động của các công ty quân sự tư nhân nước ngoài gần biên giới Liên bang Nga là một mối đe dọa bên ngoài.
 
Học thuyết mới cho rằng, việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào các mục đích quân sự- chính trị là một trong những mối đe dọa bên ngoài đối với Nga.  

Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc