Sự thật sau vụ Putin bất ngờ rời G20 sớm

08:43, 17/11/2014
|

(VnMedia) - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (16/11) đã bất ngờ vội vã rời khỏi hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày giữa 20 nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới. Sự kiện này đã làm dấy lên đủ mọi lời đồn đoán. Vậy đâu là lý do thực sự khiến ông Putin quyết định rời hội nghị G20?
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Putin


Tổng thống Putin là nhà lãnh đạo đầu tiên rời khỏi Brisbane, Australia vào chiều ngày hôm qua khi những người đồng cấp của ông trong câu lạc bộ 20 nước giàu và mới nổi (G20) đang cùng ăn trưa với nhau và trước khi họ đưa ra một thông cáo chung bế mạc hội nghị thượng đỉnh thường niên.
 
Ông chủ điện Kremlin cũng rời Australia ngay trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo Châu Âu mở các cuộc hội đàm về tình hình Ukraine. Đây là nơi đang chứng kiến cuộc đối đầu Đông-Tây nóng bỏng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Phương Tây do Mỹ dẫn đầu cáo buộc Nga đang hậu thuẫn cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine sau khi sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3.
 
Việc ông Putin ra về sớm đã làm dấy lên đủ mọi lời đồn đoán. Người ta cho rằng Nhà lãnh đạo Nga vội vã ra về vì bị cô lập, “đánh hội đồng” tại hội nghị G20 về vấn đề Ukraine và vụ máy bay MH17 bị bắn rơi ở miền đông Ukraine.
 
Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã thẳng thắn cho biết, ông ra về sớm không phải vì lý do sợ áp lực từ các cường quốc phương Tây mà chỉ muốn nghỉ ngơi trước khi trở lại công việc. Ông chủ điện Kremlin bắt đầu cuộc họp báo kéo dài nửa giờ bằng phát biểu khen ngợi chủ nhà – Thủ tướng Tony Abbott về việc đã “tạo ra một không khí làm việc cởi mở, thân thiện và vui vẻ”.
 
"Vào ngày thứ Hai, tôi phải làm việc. Tôi hy vọng sẽ có được một giấc ngủ trong vòng 4 hoặc 5 giờ đồng hồ. Tôi đã nói điều này với ông Tony và ông ấy rất hiểu. Vì thế, tôi đã quyết định nhanh chóng”, Tổng thống Putin cho biết.
 
Ông chủ điện Kremlin cũng khẳng định, ông đã thảo luận với các nhà lãnh đạo G20 về tình hình Ukraine một cách rất thẳng thắn, vô tư và đề cập đến nhiều vấn đề.
 
Theo ông Putin, ông đã hoàn thành mọi việc ở G20 và vì thế ông cần về sớm để nghỉ ngơi trước khi quay trở lại guồng công việc đầy bận rộn. "Sẽ mất 9 giờ đồng hồ để bay đến Vladivostok và thêm 8 tiếng nửa để quay trở về Moscow. Tôi cần 4 giờ đồng hồ để ngủ trước khi quay trở lại công việc của ngày thứ Hai. Chúng tôi đã hoàn tất mọi công việc”.
 
Tại Bisbane, Tổng thống Nga đã có các cuộc gặp riêng rẽ với 5 nhà lãnh đạo Châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron. Ông Putin cũng có cuộc hội đàm thắt chặt quan hệ với lãnh đạo các nước BRICS gồm Bazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
 
Tại cuộc họp báo với Thủ tướng Australia Abbott, một phóng viên Nga cho biết, Tổng thống Putin đã miêu tả Nhà lãnh đạo Australia là “một người hiệu quả và là một đối tác tốt”. Trong khi đó, ông Abbott nói rằng: “Tổng thống Putin là một vị khách của đất nước chúng tôi và tôi vu mừng đón chào ông ấy với sự kính trọng và lịch sự khi ông ấy đang có mặt ở Australia".
 
Tờ New Corp. ở Australia trước đó cho rằng, Tổng thống Putin đã bị "cô lập, lạnh nhạt" ở G20 nên mới quyết định rời hội nghị này sớm. Tuy nhiên, văn phòng của Thủ tướng Abbott bác bỏ thẳng thừng thông tin trên, khẳng định việc ông Putin rời hội nghị G20 sớm đã được lên kế hoạch từ trước.
 
Putin tự tin trước sức ép của Phương Tây về Ukraine
 
Mỹ, Australia và Nhật Bản đã ra tuyên bố lên án Nga về các hành động ở Ukraine. Thủ tướng Canada Stephen Harper đã nói với Tổng thống Putin rằng, “Tôi cho rằng tôi sẽ bắt tay ngài nhưng tôi chỉ có một điều để nói với ngài: Ngài cần phải rời khỏi Ukraine".
 
Tổng thống Obama cũng thẳng thừng cáo buộc người đồng cấp Putin không tuân theo thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine nhưng ông chủ Nhà Trắng không đưa ra kế hoạch mới của phương Tây trong việc đối phó với Moscow.
 
Nhà lãnh đạo Mỹ đã đưa ra những phát biểu trên ngay sau khi vừa có cuộc họp với các nhà lãnh đạo Châu Âu trong đó có Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron, để bàn về cuộc xung đột ở Ukraine và tình hình an ninh ngày một tồi tệ đi ở quốc gia Đông Âu. Đề cập đến khả năng gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, Tổng thống Obama cho biết, Mỹ và các đồng minh Châu Âu luôn đặt lên bàn khả năng tăng cường thêm các đòn trừng phạt Nga nhưng cho biết những biện pháp trừng phạt hiện nay “đang gây ảnh hưởng đủ tốt”.
 
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn giữa Ukraine và lực lượng ly khai miền đông được ký kết ở thủ đô Minsk của Belarus hồi tháng 9, các cuộc giao tranh, đụng độ tiếp tục diễn ra. Các bên không tuân theo các điều khoản, thỏa thuận đã được đưa ra. Kiev và phương Tây tất nhiên luôn cáo buộc Nga đã kích động tình hình bất ổn ở miền đông Ukraine và tiếp viện vũ khí, binh lính vào khu vực này.
 
Moscow kiên quyết bác bỏ những cáo buộc trên, khẳng định chắc chắn rằng quân Nga chưa bao giờ đi qua biên giới để xâm nhập vào lãnh thổ của Ukraine. Bản thân Mỹ và phương Tây cũng chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào để chứng minh cho những cáo buộc của họ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc