Đội tàu chiến rầm rộ “hộ tống” Putin đến G20

10:12, 15/11/2014
|

(VnMedia) - Mỹ đang giám sát chặt chẽ một đội tàu hải quân của Nga khi đội tàu này hướng tới Australia trong một động thái được phương Tây tin là hành đông “phô trương sức mạnh” của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông đến Brisbane tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào tối qua (14/11).

 

Ảnh minh họa

Tổng thống Putin


Các tàu chiến nổi của Mỹ được tin là đang theo dõi nhất cử nhất động của 4 tàu hải quân Nga ở gần Nhật Bản khi đội tàu này hướng tới phía nam.

 

Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Australia cho biết, họ đang liên lạc thường xuyên với nhau để thông báo về tình hình “đường đi nước bước” của đội tàu chiến đến từ Nga.

 

Khi đội tàu của Nga hướng về phía nam từ cách đây hơn một tuần, hai tàu khu trục của Hải quân Australia là tàu HMAS Paramatta và HMAS Stuart cùng với máy bay tuần tra hàng hải tầm xa P3 Orion đã được phái đi giám sát đội tàu này. Một tàu ngầm của Mỹ được cho là cũng đang giám sát các tàu chiến của Nga.

 

Sự hiện diện của 4 chiếc tàu của Hải quân Nga đã làm dấy lên tin đồn đoán về việc có thể có chiếc tàu thứ năm trong đội tàu này – đó là một tàu ngầm hạt nhân.

 

Trong quá khứ, việc một đội tàu của Nga đi xa nhà được hộ tống bởi một tàu ngầm hạt nhân là chuyện thường xuyên xảy ra. Tàu ngầm hạt nhân sẽ làm nhiệm vụ trinh sát đi đầu trong đội tàu của mình. Các nguồn tin hải quân cho rằng, giờ đây, hoạt động này không diễn ra phổ biến nữa nhưng việc Nga tăng cường hiện diện quân sự trên khắp toàn cầu đang làm dấy lên khả năng tái diễn kịch bản tàu ngầm hạt nhân dẫn đầu đội tàu chiến.

 

Sự xuất hiện của những chiếc tàu chiến Nga ở gần Australia là một phần trong nỗ lực “phô trương sức mạnh” toàn cầu của Nga, trong đó có cả việc Nga gần đây tăng cường các chuyến bay của máy bay ném bom đến không phận của NATO ở Châu Âu, Mỹ và cả trên khu vực lãnh hải của Nhật Bản.

 

Sự xuất hiện của đội tàu chiến Nga diễn ra sau nhiều tuần chứng kiến cuộc đối đầu căng thẳng giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Australia Tony Abbott. Ông Abbott từng thề “sẽ thách đấu” với Nhà lãnh đạo Nga về việc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine, khiến 298 người thiệt mạng, trong đó có 38 công dân Australia.

 

Cựu Chuẩn Đô đốc Australia James Goldrick, hiện là nhà phân tích của Viện Lowy, cho rằng, chuyến đi của các tàu chiến Nga có thể được lên kế hoạch trước khi lời “thách đấu” của Thủ tướng Abbott được đưa ra. “Nga đang muốn gửi đi thông điệp rằng, Nga là một cường quốc Thái Bình Dương và rằng Nga có năng lực quân sự ở Thái Bình Dương. Nga có thể vươn tới đó và đã sẵn sàng để thể hiện điều đó”, ông Goldrick nhận định.

 

“Rõ ràng, đây là một thông điệp cho các nước khác nhưng cũng là một phần trong nỗ lực tiếp theo của Tổng thống Putin nhằm thể hiện với công chúng Nga rằng Nga là một cường quốc lớn đang mở rộng sự hiện diện ra bên ngoài và các nước không thể phớt lờ điều đó”.

 

Thủ tướng Abbott cho rằng, việc Nga triển khai các nhân tố hải quân trong một sự kiện quốc tế lớn như hội nghị thượng đỉnh G20 không có gì là lạ nhưng “chắc chắn việc các tàu chiến Nga xuất hiện ở vùng lãnh hải của Australia là điều bất thường”. Theo ông Goldrick, Nga đang ngày một quyết liệt hơn và quyết định triển khai đội tàu chiến đến Thái Bình Dương chắc chắn đã được đưa ra từ cách đây vài tháng.

 

Thủ tướng Australia Abbott có đối đầu với Tổng thống Nga Putin?

 

Hội nghị G20 khai mạc ngày hôm nay (15/11) được cho là sẽ chứng kiến những cuộc đối đầu căng thẳng giữa Tổng thống Nga Putin với lãnh đạo các nước phương Tây.

 

Trước thềm hội nghị này, Thủ tướng Anh David Cameron đã nói đến việc Liên minh Châu Âu (EU) có thể tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, nói rằng Nhà lãnh đạo Putin nên “chấm dứt bắt nạt các nước nhỏ hơn”.

 

Trong khi đó, Thủ tướng Australia Tony Abbott cáo buộc ông Putin đang tìm cách khôi phục lại “những chiến thắng đã mất thời Nga hoàng". Ông Abbott cũng nói rằng, sự hiện diện của 4 tàu chiến Nga, trong đó có tàu khu trục và tàu tuần dương được trang bị vũ khí hạng nặng, là “một kiểu dọa dẫm quân sự đáng tiếc” của Nga.

 

Ngoài ra, Tổng thống Putin được cho là sẽ có cuộc gặp không mấy dễ chịu với Tổng thống Pháp Hollande trong bối cảnh cuộc tranh cãi liên quan đến hợp đồng siêu tàu chiến lớp Mistral đang nóng lên từng ngày.

 

Nga đang bị các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu gây sức ép mạnh mẽ vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Kể từ khi nước láng giềng Ukraine rơi vào một cuộc xung đột nội bộ đẫm máu kéo dài, Nga trở thành mục tiêu của những chỉ trích, lên án của các nước phương Tây. Những nước này cho rằng Nga can thiệp, kích động gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine .

 

Moscow kiên quyết bác bỏ những lời cáo buộc trên nhưng phương Tây vẫn tung ra một loạt đòn trừng phạt nhằm vào Nga. Mặc dù bị ảnh hưởng khá nặng nề vì những đòn trừng phạt của phương Tây, Moscow vẫn kiên quyết giữ vững lập trường của mình trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Vì thế, cuộc đối đầu Đông-Tây trở nên thêm căng thẳng.

 

Trong hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Australia lần này, Ukraine được cho sẽ là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự. Như vậy, chắc chắn sẽ có những cuộc đối đầu quyết liệt giữa Nga với các nước phương Tây khi bàn đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Trước đó, Australia từng nhăm nhe ý định không mời Nhà lãnh đạo Nga đến dự hội nghị G20 ở nước họ nhưng điều này đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước thành viên.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc