Nga ra tối hậu thư lạnh lùng cho Pháp

08:32, 15/11/2014
|

(VnMedia) - Nga sẽ cho Pháp thời hạn cho đến cuối tháng 11 này để bàn giao chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral đầu tiên. Nếu thời hạn qua đi mà Paris không thực hiện theo đúng các nghĩa vụ được quy định cho hợp đồng thì Nga sẽ có hành động quyết liệt với Pháp.
 

Ảnh minh họa

Tàu chiến lớp Mistral


“Chúng tôi đang chuẩn bị sẵn sàng cho nhiều tình huống khác nhau. Chúng tôi sẽ đợi cho đến cuối tháng và sau đó sẽ tiến hành những bước đi pháp lý”, nếu Pháp không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được đưa ra trong hợp đồng, một nguồn tin cấp cao ở thủ đô Moscow hôm qua (14/11) cho biết.
 
Theo nguồn tin trên, giới chuyên Nga hiện đang tiến hành phân tích những tổn thất có thể gây ra cho Nga nếu hợp đồng bị phá vỡ và tổng thiệt hại ước tính sẽ được công bố công khai. "Chúng tôi sẽ không giữ bí mật về số tiền bồi thường này", nguồn tin cấp cao cho biết thêm.
 
Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, ngày hôm qua (14/11), Pháp đã phải tiến hành bàn giao chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral đầu tiên trong số 2 chiếc đặt hàng cho phía Nga. Tuy nhiên, thời hạn đã qua đi mà giới chức Pháp vẫn lặng thinh, không đưa ra bất kỳ phản ứng chính thức nào về việc này. Đó là lý do khiến Moscow lên tiếng đưa ra tối hậu thư.
 
Trước đó, trong suốt thời gian qua, người ta nhận được rất nhiều thông tin trái chiều nhau từ chính trong nội bộ Pháp về hợp đồng tàu chiến với Nga. Có nguồn tin khẳng định hợp đồng sẽ được thực hiện đúng như đã ký kết trong khi nhiều nguồn tin khác lại tuyên bố chưa đủ điều kiện để Paris bàn giao tàu lớp Mistral cho Moscow.
 
Pháp nổi giận với tối hậu thư của Nga
 
Phản ứng trước tối hậu thư của Nga, Thủ tướng Pháp Manuel Valls hôm qua (14/11) tuyên bố, Pháp sẽ không để ai đó chỉ đạo hay ra lệnh.
 
"Ngày hôm nay, điều kiện để bàn giao tàu chiến lớp Mistral chưa đạt được. Pháp tôn trọng các hợp đồng nhưng Pháp là một quốc gia quan tâm và muốn nền hòa bình ở Ukraine. Pháp sẽ đưa ra những quyết định mang tính chủ quyền của mình mà không để bất kỳ ai ở bên ngoài chỉ đạo, ra lệnh chúng tôi phải hành động như thế nào”, Thủ tướng Valls đã nói như vậy với các phóng viên.
 
Tuy nhiên, người ta tin rằng Pháp đang chịu sức ép mạnh mẽ từ Mỹ và các đồng minh phương Tây trong hợp đồng bán tàu chiến cho Nga.
 
Mỹ và phương Tây ra sức thúc ép Pháp hủy bỏ hợp đồng bán tàu chiến cho Nga khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine mỗi lúc một nghiêm trọng hơn. Mới đây, một chính khách và cũng là một doanh nhân Pháp tiết lộ, Đại sứ quán Pháp tại Mỹ hàng ngày đều nhận được điện thoại từ Bộ Ngoại giao Mỹ với nội dung kêu gọi Paris hủy bỏ hợp đồng bán siêu tàu chiến cho Nga.
 
Ban đầu, Pháp kiên quyết theo đuổi hợp đồng bán siêu tàu chiến cho Nga. Một quan chức cấp cao của Pháp từng tiết lộ, hợp đồng vũ khí với Nga quá lớn để có thể hủy bỏ và nếu Pháp không thực hiện hợp đồng đó, nước này sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi điều khoản phạt được đưa ra trong hợp đồng. Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng từng tuyên bố cứng rắn với phương Tây rằng, hợp đồng bán tàu chiến cho Nga sẽ được thực hiện nghiêm túc.
 
Tuy nhiên, hồi tháng 10, ông Hollande bất ngờ tuyên bố tạm dừng việc bàn giao chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga và sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc này vào tháng 11.
 
Moscow tuyên bố, nếu hợp đồng bị hủy bỏ, Pháp sẽ phải trả một khoản tiền phạt rất lớn. Nga cũng khẳng định đầy tự tin rằng, nếu có bất kỳ vấn đề gì, Nga hoàn toàn có thể tự chế tạo một phiên bản tương tự với chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral.
 
Tổng thống Hollande được cho là sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G30 ở Australia vào cuối tuần này. Không rõ hai ông này có đề cập đến hợp đồng siêu tàu chiến lớp Mistral hay không.
 
Hợp đồng với Pháp là thỏa thuận mua vũ khí nước ngoài đầu tiên của Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh và nó được Tổng thống Pháp ca ngợi là một bước đi quan trọng trong mối quan hệ Nga-Pháp. Hợp đồng này đã tạo ra việc làm cho khoảng 1.000 người ở các xưởng đóng tàu của Pháp.
 
Chiếc đầu tiên trong hợp đồng cung cấp hai tàu chiến lớp Mistral cho Nga mang tên Vladivostok sẽ được phía Pháp chuyển giao cho Moscow vào tháng 11 năm nay. Chiếc thứ hai được đặt tên là Sevastopol sẽ đến St Petersburg để lắp đặt hệ thống vũ khí của Nga vào tháng 11 năm sau. Hai chiếc tàu chiến lớp Mistral này sẽ được bổ sung vào Hạm đội Thái Bình Dương của Nga trong nửa năm sau của năm 2016.
 
Siêu tàu chiến lớp Mistral là loại tàu đổ bộ tấn công hiện đại, có khả năng chỉ huy, triển khai chớp nhoáng lực lượng hỗ trợ hậu cần, di tản nhân đạo, bệnh viện dã chiến và thưc hiện các sứ mệnh tác chiến Hải quân khác.
 
Siêu tàu chiến Mistral có trọng tải tối đa 21.300 tấn; có thể chuyên chở bốn sà lan đổ quân, 16 trực thăng hạng nặng, 2 tàu đệm không khí, một tiểu đoàn 40 xe tăng hạng nặng Leclerc, 450 binh sỹ... Tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral dài 199m, chiều ngang 32m, độ mớn nước 6,2m. Tàu được lắp đặt hệ thống radar cảnh giới MRR3D-NG, radar dẫn đường DRBN-38A; hệ thống hỏa lực gồm 2 hệ thống tên lửa phòng không MBDA Simbad, 2 khẩu đội pháo phòng không Breda-Mauser 30 mm, 4 súng máy 12,7 mm Browing M2-HB. Các liên đội Không quân dự kiến được biên chế trên các tàu lớp Mistral của Nga, bao gồm 8 chiếc máy bay trực thăng tấn công Kamov Ka-52K và 8 chiếc máy bay trực thăng vận tải tấn công Ka-29/31 Helix. Tàu có phạm vi hoạt động 40.000km, hứa hẹn sẽ góp phần nâng cao khả năng tác chiến của lực lượng Hải quân Nga.
 
Pháp trên thực tế được cho là hoàn toàn không muốn hủy hợp đồng với Nga. Vì giá trị kinh tế to lớn của hợp đồng này, Pháp đang bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu thỏa mãn mong muốn của các đồng minh, Pháp sẽ phải hứng chịu tổn thất cực kỳ lớn vì phá hợp đồng với Nga. Không chỉ phải trả lại khoản tiền lớn của hợp đồng mà Nga thanh toán trước cho Pháp, Paris còn phải trả khoản tiền phạt khổng lồ lên tới hơn 10 tỉ euro (13 tỉ USD) vì không tuân thủ hợp đồng với Nga. Đây được xem là một thảm họa đối với cả nền kinh tế Pháp lẫn uy tín của ngành công nghiệp vũ khí Pháp. Ngoài ra, hành động đó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến 600 lao động đang trực tiếp tham gia vào dự án đóng tàu lớp Mistral.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc