Nga tung “đòn độc” giữa hội nghị G20

19:46, 15/11/2014
|

(VnMedia) - Ngay trước thềm hội nghị G20 – nơi nước chủ nhà Australia từng dọa “thách đấu” Tổng thống Vladimir Putin về vụ MH17, kênh truyền hình Channel one (Kênh 1) của Nga đã tung ra một thông tin gây sốc được ví như “độc chiêu” của Moscow giữa hội nghị “quần hùng” của các nước lớn hàng đầu thế giới. Theo đó, kênh truyền hình của Nga đã công bố một bức ảnh được cho là chụp lại từ một vệ tinh do thám nước ngoài trong những giây phút cuối cùng trước khi chiếc máy bay xấu số MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines rơi ở miền đông Ukraine.
 

Ảnh minh họa

Bức ảnh được phát trên truyền hình Nga


Kênh 1 đã phát đi hình ảnh ông Ivan Andriyevsky, Phó Chủ tịch thứ nhất Hiệp hội Các Kỹ sư Nga, trưng ra một bức ảnh được gửi từ ông George Beatle – người tự giới thiệu là một nhân viên kiểm soát không lưu với 20 năm kinh nghiệm.
 
Theo ông Beatle, chiếc máy bay của hãng hàng không the Malaysian Airlines bị bắn rơi bởi một chiếc chiến đấu cơ bám đằng sau nó. Đầu tiên, chiếc Boeing của Malaysia bị nã đạn và sau đó buồng lái bị trúng tên lửa không đối không. Tiếp đó, động cơ bên phải và cánh bên phải bị trúng một tên lửa tầm nhiệt.

Trong bức thư email của mình, ông Beatle còn gửi kèm theo một bức ảnh chụp được một tên lửa được phóng đi từ cánh trái của chiếc chiến đấu cơ và nhằm thẳng vào bên phải của buồng lái chiếc máy bay Boeing xấu số của hãng hàng không Malaysian Airlines.
 
“Chúng tôi nhìn thấy hình ảnh phóng tên lửa từ quỹ đạo thấp. Những bức hình như vậy chủ yếu được chụp với mục đích giám sát trên không và trên mặt đất. Tọa độ trên bức ảnh cho thấy nó được chụp từ một vệ tinh của Anh hoặc Mỹ. Chúng tôi đã phân tích kỹ lưỡng bức ảnh này và không thấy có dấu hiệu bị làm giả”, nhà khoa học Andriyevsky cho biết.
 
Chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysian Airlines đã rơi ở miền đông Ukraine hồi tháng 7 khi đang trên đường bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur. Khi gặp nạn, máy bay đang chở 295 người. Ngay sau thảm họa trên, thông tin rộ lên rằng chiếc máy bay của Malaysian Airlines gặp nạn là do trúng phải một quả tên lửa Buk. Cả chính quyền Kiev và lực lượng ly khai miền đông đều đổ lỗi cho nhau về vụ máy bay rơi này. Các nước phương Tây ủng hộ Kiev cũng nhanh chóng cáo buộc Nga và lực lượng ly khai miền đông Ukraine về vụ bắn rơi máy bay MH17. Tuy nhiên, giới chức tình báo Mỹ thừa nhận, họ không có bằng chứng thuyết phục để chứng minh cho cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ máy bay MH17 của Malaysia bị bắn rơi.
 
Vì vụ MH17, phương Tây đã gây sức ép vô cùng lớn lên Nga bằng những đòn trừng phạt gây đau đớn cho Nga. Thậm chí, Thủ tướng Australia Abbott – chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G20 đang diễn ra, còn tuyên bố sẽ “thách đấu” với Tổng thống Nga Putin để làm rõ “trách nhiệm của Nga” trong vụ việc này.
 
Thông tin vừa được đài truyền hình Nga đưa ra có thể sẽ là “một quả bom nổ có sức công phá mạnh mẽ” giữa hội nghị G20 trong bối cảnh các nước phương Tây được cho là sẽ tìm cách “bao vây”, “cô lập” Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine và vụ máy bay MH17.
 
Hiện tại, các nước phương Tây chưa đưa ra phản ứng chính thức nào trước công bố mới nhất về vụ MH17 trên đài truyền hình Nga.
 
Đây không phải là lần đầu tiên có giả thuyết đưa ra về vụ MH17 bị bắn rơi bởi một chiến đấu cơ. Vào thời điểm ngay khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố những dữ liệu giám sát quân sự mà cơ quan này có được, trong đó có hình ảnh một chiếc máy bay chiến đấu SU-25 của Kiev dò theo đường bay của máy bay MH17 ngay trước khi chiếc máy bay chở khách rơi. Không có lời giải thích nào được Kiev đưa ra để giải thích cho việc vì sao máy bay quân sự của Kiev lại bay quá gần một chiếc máy bay chở khách như vậy. Cả Kiev và các nước phương Tây đều không chính thức chấp nhận một khả năng như vậy.
 
"Chúng tôi muốn có được một lời giải thích rõ ràng về lý do tại sao một máy bay quân sự bay dọc vào khu vực hành lang cho máy bay dân sự cùng vào thời điểm và cùng ở độ cao tương tự với máy bay chở khách", Trung tướng Andrey Kartopolov của Nga đã yêu cầu như vậy. Tuy nhiên, yêu cầu của phía Moscow đã không nhận được bất kỳ câu trả lời thuyết phục và thỏa đáng nào. Giả thuyết này tưởng như bị rơi vào quên lãng bởi sự phủ nhận mạnh mẽ của Kiev và phương Tây thì vào tháng 10, Ủy viên công tố chính của Hà Lan phụ trách điều tra vụ bắn rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines ở Ukraine, tuyên bố một thông tin gây sốc rằng, các nhà điều tra không loại trừ khả năng chiếc máy bay chở hàng trăm khách của Malaysia đã bị bắn hạ từ trên không bởi một chiếc máy bay khác.
 
Cuộc điều tra quốc tế về vụ máy bay MH17 rơi đang do Hà Lan chủ trì bởi đến gần 2/3 nạn nhân của thảm họa này là người Hà Lan. Cho đến thời điểm này, các nhà điều tra vẫn chưa đưa ra được kết luận về nguyên nhân chính xác khiến máy bay MH17 rơi ở miền đông Ukraine. Báo cáo sơ bộ ban đầu được đưa ra hồi tháng 9 chỉ nói rằng, máy bay MH17 rơi là do kết quả của tác động rất lớn từ bên ngoài.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc