Obama cấp tập "thanh lọc" nội bộ?

11:49, 25/11/2014
|

(VnMedia) - Hôm qua (24/11), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã bất ngờ đệ đơn từ chức giữa lúc Nhà Trắng đang phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng gay gắt về khả năng kiểm soát khủng hoảng ở Trung Đông và một số điểm nóng khác.
 
Hãng tin ABC News dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, Bộ trưởng Hagel đã tự nguyện nói chuyện với Tổng thống Mỹ về việc rời khỏi chính quyền Obama sau thời gian chuyển đổi giữa nhiệm kỳ từ hồi tháng 10.

Theo hãng tin của Mỹ, những cuộc đối thoại trên đã diễn ra trong nhiều tuần dù các cộng sự thân cận của ông Hagel trong thời gian gần đây vẫn khẳng định Bộ trưởng muốn hoàn tất 4 năm nhiệm kỳ của mình, thay vì chấm dứt sớm 2 năm.

Tuy nhiên, tin mới nhất được đưa ra từ vị quan chức cấp cao trong chính quyền Obama cho thấy, Tổng thống Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã thống nhất bây giờ là thời điểm thích hợp để ông Hagel rời nhiệm sở.

Ảnh minh họa

Trong khi đó, tờ New York Times lại cho rằng , chính Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu ông Hagel từ chức sau những cuộc nói chuyện giữa 2 người. New York Times khẳng định, ông Hagel chưa bao giờ thực sự tạo được ảnh hưởng lớn kể từ khi về Lầu Năm Góc, và trong những tháng gần đây hầu như ông này đã lùi hẳn về phía sau, nhường lại sân khấu chính trị cho Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - Tướng Martin E. Dempsey, người được cho là khiến ông Obama tin tưởng với đề xuất dùng hành động quân sự với IS.

Ông Hagel giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng từ ngày 27/2/2013, là cựu binh trong cuộc chiến tại Việt Nam và là thành viên của đảng Cộng hòa. Khi nắm quyền, Bộ trưởng Hagel đã quản lý một đợt chuyển tiếp cho các lực lượng vũ trang Mỹ, bao gồm việc rút quân ở Afghanistan. Ngoài ra, ông Hagel đã hướng dẫn quân đội và hỗ trợ đối phó với những thách thức từ dịch bệnh Ebola.

Theo các chuyên gia phân tích, trong chưa đầy 2 năm tại vị, ông Hagel gặp khá nhiều khó khăn trong việc tạo sự tin tưởng cho các đồng sự cũng như không có nhiều chính kiến và quyết định đột phá tại Lầu Năm Góc so với những người tiền nhiệm, đặc biệt là cựu Bộ trưởng Robert M. Gates. Thay vào đó, ông thường dành phần lớn thời gian thực thi những mong muốn của ông chủ Nhà Trắng, từ rút lính Mỹ khỏi Afghanistan tới việc cắt giảm ngân sách của Bộ Quốc phòng mà không có sự phản biện, tranh luận.

Sự ra đi của Bộ trưởng Hagel được cho là do nguyên nhân ông bị chỉ trích về các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại, từ đối phó khủng hoảng Ebola đến mối đe doạ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
  
Obama đang "thanh lọc" bộ máy chính quyền

Ông Hagel là thành viên cấp cao đầu tiên trong nội các của Tổng thống Obama từ chức sau khi vị thế đa số của đảng Dân chủ trong Thượng viện bị phe Cộng hòa giành mất. Trong lúc này, đội ngũ cố vấn an ninh của Tổng thống Obama đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đương đầu với các chỉ trích ngày càng gay gắt xung quanh chính sách của chính quyền Mỹ ở Trung Đông và một số điểm nóng khác. Chưa rõ liệu việc ông Hagel từ chức có phải là dấu hiệu khởi đầu cho một chiến dịch “thanh lọc” bộ máy chính quyền của Tổng thống Obama hay không, nhưng các quan chức Nhà Trắng cho rằng, đó là điều hoàn toàn có thể và sẽ có thêm nhiều vị quan chức nữa phải ra đi.
 
Là một cựu Thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa với kinh nghiệm nhiều năm trong quân ngũ và cũng là người tỏ ra hoài nghi về cuộc chiến tranh ở Iraq, ông Hagel được đề bạt làm Lãnh đạo của Lầu Năm Góc trong bối cảnh Mỹ rút quân khỏi Iraq và ngân sách quốc phòng bị cắt giảm.
 
Một số nguồn tin khác nhận định rằng, quyết định bãi nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Hagel của Tổng thống Obama như một sự công nhận rằng mối đe dọa từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo cần phải có những kỹ năng khác so với những gì ông Hagel đang sở hữu.
  
Với sự ra đi của ông Hagel, Tổng thống Barack Obama sẽ là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ thời ông Harry Truman “kinh qua” tới 4  đời bộ trưởng quốc phòng trong thời gian cầm quyền của mình. Hai người tiền nhiệm của ông Hagel là ông Robert Gates và Leon Panetta.

Theo một nguồn tin thân cận với Lầu Năm Góc, người kế nhiệm tiềm năng có thể bao gồm ông Michele Flournoy, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng hiện đang điều hành Trung tâm An ninh mới của Mỹ; Thứ trưởng Bộ trưởng Quốc phòng Robert Work. Theo đó, nếu được bổ nhiệm, bà Flournoy sẽ là người phụ nữ đầu tiên làm chủ  Lầu Năm Góc.
 
Nguồn tin trên cho biết, ông Hagel vẫn sẽ giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng cho đến khi người kế nhiệm được xác nhận.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc