Ukraine bẽ mặt vì đồng minh phương Tây

15:49, 24/11/2014
|

(VnMedia) - Chính quyền Ukraine mới đây tuyên bố sẽ huỷ bỏ vị thế không liên kết của mình để chuẩn bị cho việc gia nhập NATO như một phần trong các biện pháp cải cách an ninh và quốc phòng của nước này. Tiếc thay, Kiev đã phải bẽ mặt khi phương Tây tỏ một thái độ dứt khoát về việc Ukraine khó có thể gia nhập NATO.
 

Ảnh minh họa

 Ngoại trưởng Đức


Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm qua (23/11) đã lên tiếng thẳng thừng tuyên bố, ông phản đối việc Ukraine gia nhập NATO. Quan điểm này của ông Steinmeier được nhiều nước thành viên NATO chia sẻ.
 
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Der Spiegel, Ngoại trưởng Steinmeier cho biết, ông cho rằng “NATO có thể có quan hệ đối tác với Ukraine nhưng sẽ không thể có chuyện Ukraine gia nhập NATO”.
 
Nhà ngoại giao hàng đầu của nước Đức cũng nói thêm rằng, ông không tin việc Ukraine gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) trong tương lai gần sẽ trở thành hiện thực bởi quá trình hiện đại hoá nền kinh tế và chính trị của Ukraine là “một dự án kéo dài trong vài thế hệ”.
 
Ông Steinmeier cũng kêu gọi Kiev tiến hành những cải cách nhằm chống lại nạn tham nhũng cũng như quản lý yếu kém nền kinh tế, nói rằng họ phải bắt đầu tiến trình đó ngay lập tức và không có thời gian để đánh mất nữa.
 
Đây không phải là lần đầu tiên một quan chức của NATO hay EU lên tiếng nói thẳng về khả năng của Ukraine trong việc gia nhập vào hai liên minh này. Điều này cho thấy một thực tế phũ phàng với Kiev rằng, trong khi họ tìm mọi cách theo đuổi con đường hướng về phía Tây, trong đó có cả việc phá hỏng cả mối quan hệ với nước láng giềng quan trọng nhất, thì điều mà người Ukraine nhận được là “sự quay lưng” lạnh lùng của những đồng minh mà họ đang hướng tới.
 
Có lẽ, điều khiến Kiev cảm thấy mất mặt hơn và đau đớn hơn chính là việc họ bị phương Tây quay lưng có phần là do sức ép từ Moscow. Sự phản đối quyết liệt của Nga là một phần trong lý do khiến NATO không muốn kết nạp Ukraine bởi điều đó chẳng khác nào hành động chọc giận Moscow.

Nga muốn “đảm bảo 100%” rằng Ukraine không vào NATO
 
Nga lâu nay luôn phản đối kịch liệt việc các nước xung quanh nước này bị lôi kéo vào liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Moscow từng ký thoả thuận với NATO trong đó liên minh quân sự phương Tây không bành trướng về hướng đông, nơi có nước Nga.
 
Tuy nhiên, trước những diễn biến trong suốt thời gian qua, NATO rõ ràng đang phá bỏ cam kết của mình và điều đó khiến Moscow thực sự lo ngại. Moscow liên tục cảnh báo NATO không được tiếp tục bành trướng về hướng đông cũng như cảnh báo trực tiếp các nước xung quanh Nga đang có ý định nhăm nhe gia nhập vào liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.
 
Một cố vấn hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tuần trước cho biết, điện Kremlin muốn “có một sự đảm bảo 100%” rằng Ukraine sẽ không được phép gia nhập NATO.
 
Ông Dmitri Peskov không ngại ngần cho biết, việc NATO bành trướng, mở rộng ra hướng đông khiến Nga “quan ngại”.
 
Quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine . NATO trong thời gian qua đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở những khu vực sát Nga, khiến Moscow bất bình lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Nga và NATO cũng thường xuyên phô trương sức mạnh quân sự để thị uy lẫn nhau.
 
Liên quan đến vấn đề phô trương sức mạnh doạ nhau, chỉ huy lực lượng mặt đất của Mỹ ở Châu Âu hôm qua (23/11) cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì lực lượng binh lính ở Ba Lan và các nước Baltic trong thời gian ít nhất đến năm sau khi căng thẳng với Nga tiếp tục diễn ra.
 
Hàng trăm binh lính Mỹ đang được triển khai ở Ba Lan và 3 quốc gia Baltic gồm Lithuania, Latvia và Estonia từ hồi đầu năm nay sau khi Nga tiến hành sáp nhập bản đảo Crimea hồi tháng 3. Hoạt động triển khai quân này là một phần trong các nỗ lực của Washington nhằm trấn an các đồng minh đang lo lắng ở khu vực Đông Âu của họ rằng, NATO sẽ bảo vệ những nước đó trước cái gọi là mối đe doạ từ Nga.
 
Ban đầu, Mỹ chỉ có kế hoạch triển khai quân ở Ba Lan và các nước Baltic cho đến cuối năm nay nhưng Trung tướng Frederick Ben Hodges, chỉ huy quân Mỹ ở Châu Âu, mới đây cho các phóng viên ở thủ đô Vilnius của Lithuania biết, nhiệm vụ này sẽ được tiếp tục kéo dài sang năm sau.
 
"Chúng tôi có kế hoạch tiếp tục triển khai quân trên cơ sở luân phiên sang tận năm sau. Các đơn vị được chỉ định sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ”, ông Hodges cho hay.
 
"Lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục đóng ở Lithuania, cũng như Estonia, Latvia và Ba Lan đến chừng nào được yêu cầu để ngăn chặn sự xâm lược của Nga cũng như bảo đảm cho các đồng minh của mình”, Tướng Mỹ nhấn mạnh.
 
Tuy nhiên, việc triển khai quân Mỹ và NATO cố định ở các nước Baltic và Ba Lan không phải là vấn đề được bàn đến bởi điều đó vi phạm thoả thuận mà Nga và NATO đạt được năm 1997.
 
Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên, NATO luôn cáo buộc, đổ lỗi cho Nga về tình hình bạo lực, giao tranh ở nước này. Thậm chí, NATO còn thổi phồng về mối đe doạ từ Nga, về cái mà họ miêu tả là sự “xâm lược” của Nga trong khu vực. Moscow tin rằng, NATO đang tìm cớ để bành trướng sang hướng đông, lấn sát đến biên giới Nga để tìm cách bao vây, kiềm chế Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc