Vì sao Mỹ không thể "động thủ" với Nga?

07:39, 24/03/2014
|

(VnMedia) - Với hai cuộc chiến dai dẳng ở Iraq Afghanistan , quân đội Mỹ đã từ từ, đau đớn và cuối cùng tự điều chỉnh chính mình. Kết quả là, sau hơn 2 thập kỷ sắp xếp lại thời hậu Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ ít sẵn sàng cho một cuộc đối đầu với Nga hơn.

 

Ảnh minh họa

 Ảnh  minh họa


Không ai ở Washington kêu gọi Mỹ gây chiến với Nga vì vấn đề Crimea, và có nhiều lý do giải thích tại sao vào thời điểm này, một chiến dịch can thiệp quân sự có thể là hành động nguy hiểm, liều lĩnh một cách dại dột và vô ích. Nhưng nếu tình hình thay đổi và giới lãnh đạo chính trị Mỹ bắt đầu tìm đến lựa chọn quân sự hoặc dùng con bài mặc cả bằng sức mạnh quân sự, thì họ sẽ thấy sự lựa chọn của mình bị hạn chế rất nhiều.

 

Trong suốt hơn 10 năm tham chiến ở Afghanistan Iraq , các binh lính của Mỹ chỉ được đào tạo trong những chiến dịch, hoạt động chiến đấu ở cấp đơn vị nhỏ, phù hợp với bối cảnh Trung Đông. Học thuyết chống chiến binh đã trở thành “cẩm nang” mới của quân đội Mỹ. Học thuyết này nhấn mạnh sự phối hợp giữa quân đội Mỹ với người dân địa phương và các chiến thuật chiến đấu với những lực lượng có tổ chức lỏng lẻo và sử dụng vũ khí hạng nhẹ. Mọi thứ mà binh lính Mỹ “học” được trong thời gian qua khác xa so với những gì người ta có rút ra từ những nguyên tắc được sử dụng trong thời Chiến tranh Lạnh.

 

Theo Tướng nghỉ hưu David Deptula - người từng là sĩ quan tình báo hàng đầu của Lực lượng Không quân Mỹ, “chúng tôi đã dồn sự tập trung hoàn toàn vào những cuộc xung đột nhỏ lẻ kéo dài dai dẳng ở Iraq Afghanistan . Nhưng để có thể duy trì được vị thế siêu cường về quân sự, chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng để có thể thành công trong mọi chiến dịch”.

 

Thậm chí kể cả một vài chiến lược gia không quá bận tâm vào cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan thì họ cũng đang dồn lực vào cái gọi là chính sách chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á - một chính sách đang gây chú ý và được cho là nhằm để kiềm chế sự nổi lên của Trung Quốc. Trong khi đó, Nga lúc này được nhiều nhà chiến lược Mỹ coi là một di tích lịch sử, vẫn đủ lớn để gây sức mạnh thực sự nhưng không còn khả năng đe dọa đến các lợi ích then chốt của Mỹ.

 

“Trong nhiều năm, chỉ có một vài người thống nhất ý kiến với nhau về việc Nga và Trung Quốc đang chế tạo những hệ thống vũ khí tối tân để sử dụng cho việc chống lại máy bay, tên lửa và tàu thuyền thời ‘Chiến tranh Lạnh’ của chúng ta”, ông Deptula nói.

 

Vị tướng nghỉ hưu của Mỹ đang nói về chính bản thân mình và một vài trong số những người bạn thân thiết nhất của ông này trong Lực lượng Không quân Mỹ. Họ là những người tích cực thúc đẩy việc sản xuất các vũ khí tối tân như chiến đấu cơ tàng hình F-22 ở ngay khi thời điểm cuộc chiến chống chiến binh ở Iraq đang ở thời kỳ cao trào. Điều đó biến Deptula và những người bạn của ông này dường như giống với những con khủng long có tốc độ bằng 2 lần máy bay đang khát khao chiến đấu trong cuộc xung đột với một kẻ thù tưởng tượng trong khi kẻ thù thực sự đang cho nổ tung những lính thủy đánh bộ của Mỹ ở Fallujah.

Rất dễ hiểu khi ông Robert Gates - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào thời điểm đó, muốn quân đội tập trung vào các cuộc chiến tranh mà Mỹ đang thực sự bị lún vào. Và vì thế, cuối cùng, nhiều người trong số các đồng nghiệp của ông Deptula - trong đó có Tướng Michael “Buzz” Moseley - sĩ quan hàng đầu của Không quân Mỹ - đã phải ra đi bởi họ liên tục phản đối Bộ trưởng Gates. Theo ông Deptula, “những người đó đã bị Bộ trưởng Gates phớt lờ hoặc một số bị sa thải bởi họ đã dám nói thẳng nói thật trước giới cầm quyền”.

 

Khi các nhà lập kế hoạch của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cân nhắc phải làm gì nếu Nga xâm lược Đông Ukraine hoặc triển khai lực lượng ở nơi nào đó trong khu vực, những sự lựa chọn hạn chế của họ đã cho thấy quân đội Mỹ biến đổi mạnh mẽ như thế nào kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

 

Trong một nửa thế kỷ, chiến lược quân sự thời Chiến tranh Lạnh tập trung vào việc kiềm chế Nga, và giành chiến thắng trong các cuộc xung đột giữa những lực lượng thông thường hùng hậu. Trên mặt đất, chiến lược đó kêu gọi sắp xếp đội hình quy mô lớn xung quanh những chiếc xe tăng và vũ khí hạng nặng. Trên bầu trời, quân đội dựa vào sự thống trị của sức mạnh không chiến kiểu Top Gun, công nghệ tàng hình tránh được radar và những chiếc máy bay ném bom uy lực cho thể thả xuống một số lượng lớn bom đạn để phá hủy xe bọc thép và các căn cứ kiên cố của kẻ thù.

 

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chiến lược đó đã hoàn toàn bị thay đổi. Chiến lược đào tạo và học thuyết chiến đấu của quân đội Mỹ đã chuyển sang tập trung vào những chiến thuật đánh nhỏ lẻ trong khi phương tiện và vũ khí mới được thiết kế chỉ để sử dụng trong các tiểu đội thay vì là các sư đoàn lớn. Những chiến đấu cơ siêu tinh vi và thiện chiến như F-22 có trị giá 187 triệu USD bỗng nhiên trở thành thứ quá xa xỉ để sử dụng. Ai sẽ trả cho khoản chi phí khổng lồ đó nếu chiếc máy bay đắt đỏ bị rơi? Thay vào đó, những chiếc máy bay không người lái với giá chỉ bằng 1/10 lại dễ dàng hoạt động trên bầu trời Afghanistan Iraq .

 

Tuy nhiên, những chiếc máy bay không người lái nói trên lại vô dụng trong cuộc đối đầu với bất kỳ quân đội nào có hệ thống bắn máy bay kẻ thù tương đối mạnh. Và Nga là một trong những nước có hệ thống phòng không mạnh nhất hành tinh hiện nay. Những chiếc máy bay không người lái Predator biểu tượng của Mỹ đột nhiên bỗng trở thành thứ vô dụng, lỗi thời.

 

“Hy vọng, tình hình khủng hoảng Ukraine sẽ là một xô nước lạnh dội vào những người tin rằng tất cả những gì chúng ta cần là có thể chiến đấu trong các chiến dịch chống chiến binh”, Tướng nghỉ hưu Deptula đã nói như vậy với tờ The Daily Beast.

 

Và hiện tại, đang có dấu hiệu cho thấy, ưu thế về công nghệ, kỹ thuật mà Không quân Mỹ từng nắm giữ bao lâu nay có thể đang xói mòn. Thế hệ máy bay chiến đấu mới của Nga - T-50 chưa hoạt động được ở mức cao nhất nhưng “nó đang được chế tạo ở mức nhanh hơn rất nhiều so với sự đoán của ông Gates và những người xung quanh ông ấy”, Deptula nói. Vị tướng này cũng thêm rằng, “một khi T-50 của Nga được chế tạo đủ, sẽ chẳng có bất kỳ thứ gì trong phi đội của NATO có thể đương đầu với chiếc máy bay thiện chiến đó ngoài F-22 và F-35.”

 

Ông David Axe - một chuyên gia lâu năm về kỹ thuật quân sự, nhấn mạnh, T-50 - thứ vũ khí có thể phóng đi những tên lửa tầm xa trong khi đang bay vừa cao vừa nhanh, có thể “khai thác những điểm dễ tổn thương nhất trong quân đội của Mỹ và đồng minh, từ đó sẽ giúp lần đầu tiên trong một thập kỷ, Nga cân bằng được với sức mạnh không quân Mỹ”.

 

Một tổ chức tư vấn độc lập của Australian - Air Power Australia thậm chí còn đưa ra kết luận nghiêm trọng hơn: “Nếu Mỹ không cơ bản thay đổi kế hoạch cho chiến lược phát triển sức mạnh không quân chiến thuật trong tương lai, thì lợi thế mà nước này duy trì nhiều thập kỷ qua sẽ nhanh chóng bị đánh mất và sức mạnh không quân của Mỹ sẽ trở thành một thứ đồ cổ của lịch sử”.

 

Ngoài ra, việc Mỹ đang rút dần quân ra khỏi Châu Âu cũng khiến khả năng đối đầu với Nga của siêu cường này giảm sút.


Kiệt Linh - (theo AP)

Ý kiến bạn đọc