Ukraine đủ sức trả đũa Nga đến đâu?

13:16, 22/03/2014
|

(VnMedia) - Những ngày qua, người ta không ít lần nghe giới chức cầm quyền lâm thời mới ở thủ đô Kiev “tung” ra những lời đe dọa sẽ trả đũa Nga về quyết định cho Crimea sáp nhập vào nước này. Thậm chí, một vài nhà lãnh đạo tạm quyền hàng đầu của Ukraine còn cứng giọng tuyên bố sẵn sàng chiến tranh với Nga.  Ukraine đủ sức trả đũa Nga đến đâu?

 

Ảnh minh họa

 Thủ tướng tạm quyền của Ukraine


Có vẻ như được cổ vũ và khuyến khích trước “những phát biểu đao to búa lớn” của Mỹ và phương Tây, giới chức Ukraine đang “lầm tưởng” về sức mạnh của mình, cũng như sự hậu thuẫn của các cường quốc để tung ra những lời đe dọa mà họ được cho là không thể thực hiện.

 

Đáp lại sự thách thức của Kiev, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm qua (21/3) đã đưa ra một lời cảnh báo đáng sợ về sự sụp đổ của nhà nước Ukraine Trước đó, hôm 20/3, một quan chức quân sự cấp cao khác của Nga cũng từng tuyên bố, Ukraine sẽ tự “trừng phạt chính bản thân mình và tự trừng phạt người dân Ukraine” nếu lựa chọn con đường phá hủy mối quan hệ hợp tác với Nga.

 

Những lời đe dọa trên của giới chức Nga không phải nói chơi, bởi trên thực tế nếu Ukraine “tung” ra những hành động như lời họ tuyên bố thì hậu quả đối với nước này là không nhỏ.

 

Chiến tranh là không tưởng

 

Mặc dù lớn tiếng tuyên bố sẵn sàng chiến tranh đồng thời huy động, tập hợp lực lượng và tổ chức cuộc tập trận chung với NATO, nhưng Ukraine hoàn toàn không có khả năng đương đầu nổi với một cuộc chiến tranh với Nga.

 

Quân đội Ukraine so với quân đội Nga giống như một “chàng lùn” so với “người khổng lồ”. Mới đây, Bộ Quốc phòng Ukraine từng công bố một bản báo cáo gây sốc về thực lực quân đội Ukraine .

 

Trong bản báo cáo nói trên, Bộ Quốc phòng Ukraine đã buộc phải thừa nhận sự thật cay đắng rằng lực lượng vũ trang của họ là “một đội quân không thể chiến đấu” khi bao gồm những chiếc xe tăng và máy bay chiến đấu quá hạn, một lực lượng hải quân yếu ớt và một lực lượng lục quân chỉ với khoảng 100.000 lính được trả mức lương khoảng bằng một nửa mức lương trung bình ở Ukraine.

 

Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng tạm quyền của Ukraine đã đưa ra những con số “thảm kịch” về lực lượng vũ trang nước này, theo đó chỉ có 6.000 trong số 41.000 binh lính Ukraine có đủ khả năng chiến đấu. Chưa đầy 20% binh lính lái xe bọc thép được đào tạo đầy đủ. Trên 70% xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép là thứ hàng lỗi thời. Trong số 507 máy bay chiến đấu và 121 trực thăng tấn công của quân đội Ukraine, chỉ có 15% có thể chiến đấu. Và chỉ 10% trong số phi công có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu.

 

Ngoài ra, tính đến ngày 1/3, chỉ có 4 tàu của Hải quân Ukraine là có khả năng sẵn sàng chiến đấu, đó là tàu chỉ huy Hetman Sahaydachniy, tàu hộ tống chống ngầm Ternopil, tàu chỉ huy Slavutych và tàu đổ bộ lớn Kostiantyn Olshansky. Tuy nhiên, toàn bộ những con tàu này lại không có khả năng đe dọa đến Hạm đội Biển Đen của Nga.

 

Với một quân đội như trên, Ukraine làm sao có thể thách thức được một lực lượng Nga vốn được coi là hùng hậu hàng đầu thế giới.

 

Vậy xem ra lời tuyên bố sẵn sàng chiến tranh, trả đũa Nga bằng quân sự của giới chức lâm thời mới ở Kiev là không hợp lý, thực chất chỉ có thể thực hiện trên lời nói.

 

Liệu Ukraine có đòn trả đũa nào khác?

 

Về kinh tế, Ukraine chẳng thể trả đũa Nga trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang chật vật trước khả năng tan vỡ. Ngân khố của Ukraine gần như trống rỗng với số nợ của chính phủ nước này lên tới 66 tỉ USD, chiếm 37,42% GDP. Nền kinh tế của Ukraine phụ thuộc không nhỏ vào Nga. Trong bối cảnh nền kinh tế như vậy, Kiev làm sao có thể trả đũa kinh tế đối với Nga. Chưa kể, Moscow thực chất đang nắm đằng chuôi trong vấn đề này và có thể gây sức ép với Kiev bằng “con bài” năng lượng.

 

Ukraine phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Khi mối quan hệ còn tốt đẹp, Nga đã hứa giảm giá khí đốt cho Ukraine . Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng vừa qua, Nga có thể làm khó Kiev bằng nhiều cách như hủy bỏ kế hoạch giảm giá khí đốt cho Ukraine, thậm chí cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt cho quốc gia Đông Âu này. Ngoài ra, Nga còn có thể khiến Ukraine tổn thất bằng việc dựng lên các hàng rào thuế quan. Nga đang là bạn hàng nhập khẩu quan trọng nhất của Ukraine .

 

Chưa hết, Nga còn có thể bắt Ukraine trả khoản nợ nhiều tỉ USD.

 

Mới đây, giới chức lâm thời ở Kiev còn nhăm nhe ý định áp dụng chế độ visa với Nga như một biện pháp trả đũa Moscow sau sự kiện Crimea sáp nhập trở lại Nga. Tuy nhiên, biện pháp trả đũa trên được cho là sẽ phản tác dụng bởi nó sẽ gây ra làn sóng tức giận của chính những người dân Ukraine .

 

Một người dân Ukraine có tên là Mikhailo Stepanov đã nói về ý định của chính quyền ở Kiev như sau: "Chúng tôi sẽ ở đây với chiếc túi rỗng không và sẽ căm ghét giới chức cầm quyền vì điều đó”.

 

Donetsk – một thành phố khai thác than lớn gần Nga, gần như tất cả mọi gnuowfi đều có gia đình đến làm việc ở Nga. "Chính phủ của chúng tôi đang cố làm hại người dân của chính mình”, anh Stepanov nói.

 

"Người Nga sẽ đi du lịch sang Ukraine nhưng có hàng tiệu người Ukraine đang đến Nga để làm việc. Với hai túi rỗng không, họ sẽ cảm ơn chính phủ vì quan tâm đến họ”, người kỹ sư 30 tuổi mỉa mai.

 

Bản thân Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arsenily Yatsenyuk cũng hiểu rõ thực tế trên nên đã có phát biểu rằng, Ukraine không nên vội vàng áp dụng chế độ visa với Nga. Đề xuất này là do Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Andriy Parubiy đưa ra hồi giữa tuần.

 

Không thể trả đũa Nga về quân sự, kinh tế, nhiều người cho rằng Ukraine có thể “tung” ra đòn đáp trả bằng việc kết thân, trông chờ vào phương Tây - điều mà Kiev đang làm. Tuy nhiên, những người khác lại tin rằng điều đó giống như việc “chờ được vạ thì má đã sưng”.


Vân Linh

Ý kiến bạn đọc