Vì sao người Nga yêu nước đến vậy?

19:12, 22/03/2014
|

(VnMedia) - Sau 1/4 thế kỷ lặng lẽ kể từ khi Liên Xô sụp đổ, người dân Nga đang thể hiện sự sôi nổi, nhiệt huyết trở lại và chưa bao giờ tình yêu nước của người dân xứ sở Bạch Dương lại trào dâng mạnh mẽ như thời điểm này.
 

Ảnh minh họa

 Một cuộc mít tinh của người dân Nga nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Putin và việc Crimea sáp nhập vào Nga


Theo một cuộc trưng cầu dân ý mới nhất ở Nga, có đến hơn 80% người dân ở xứ ở Bạch Dương khẳng định họ rất yêu nước. Tỉ lệ này cao hơn ở các thành phố lớn như Moscow, St. Petersburg (84%) và cao hơn ở những người có giáo dục cao (84%) so với những thành phố nhỏ hơn (76%) và những người học thấp hơn (67%).
 
Tình yêu nước của người dân Nga còn được thể hiện rõ nét trong những ngày qua, tại một loạt cuộc mít tinh rầm rộ nhằm ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin và ủng hộ việc Crimea sáp nhập vào Nga. Trong những ngày này, khắp nước Nga vang lên những bài hát yêu nước thời Xô-viết và lá cờ ba màu của Nga liên tục được vẫy cao trong các cuộc diễu hành. Từ người già đến người trẻ đều thể hiện một tình yêu mãnh liệt và sự hãnh diện, tự hào về nước Nga thân yêu của họ.
 
Trong bài phát biểu mang tính lịch sử của Tổng thống Putin hôm 18/3 vừa rồi về sự kiện sáp nhập Crimea vào Nga, người ta liên tục nghe thấy những tiếng hô vang dội: “Nước Nga”, “Putin” và "Crimea".
 
Irina Makarova - một chủ phòng tranh, cho biết, cô đã phải đứng lên và cùng vỗ tay với các chính khách ở điện Kremlin khi theo dõi bài phát biểu của Tổng thống Putin trước Quốc hội Nga tại nhà. “Tôi tự hào vì là người Nga và hãnh diện về Tổng thống Putin”, Makarova cho biết. Người phụ nữ này cũng nói: “Trong một thời gian dài, chúng tôi không biết mình đang sống ở một đất nước kiểu gì và đất nước mình sẽ đi về đâu. Bây giờ niềm tin mới vào đất nước đã xuất hiện”.
 
Trong khi đó, ông Igor Sukhopyatkin cầm lá cờ hải quân của Nga trong tay, tự tin phát biểu, Nga bây giờ đã đủ mạnh để có thể “bảo vệ những người đồng hương nói tiếng Nga”. Một người khác có tên là Alexei Terentiev xúc động hô lên: “Tổng thống Vladimir Putin là người vĩ đại nhất trong thời đại của chúng tôi. Nga là một quốc gia vĩ đại và luôn là như vậy”.
 
Yêu nước là đặc điểm vốn có của người dân mỗi nước. Người ta cũng chẳng thể so sánh người dân nước này yêu nước hơn người dân nước kia. Tuy nhiên, tình yêu của người dân xứ sở Bạch Dương với nước Nga đã trải qua nhiều thăng trầm và vì thế một khi được thể hiện, nó sẽ mạnh mẽ hơn và dễ trào dâng hơn.
 
Để hiểu rõ tình cảm của người dân Nga với đất nước của họ, chúng ta cần phải quay lại lịch sử cách đây hơn hai thập kỷ. Từ một quốc gia hào hùng, vĩ đại, Liên Xô bỗng chốc sụp đổ tan tành năm 1991. Nước Nga sau đó chìm trong những cuộc xung đột, những cú sốc tài chính và cảnh nghèo đói xuất hiện khắp đất nước.

Cuộc khủng hoảng ở Nga đã leo đến đỉnh điểm năm 1998 khi đồng rúp sụp đổ và nước Nga buộc phải chấp nhận sự cứu giúp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nước Nga khi đó đang ngấp nghé ở bờ vực của sự sụp đổ và bị phương Tây coi là sắp biến mất khỏi bản đồ thế giới. Đó là cái nhìn bao quát về một nước Nga cách đây hơn 20 năm.
 
20 năm qua đi, với sự nỗ lực của chính người dân Nga dưới sự lãnh đạo tài tình của Nhà lãnh đạo Vladimir Putin, nước Nga đã nhanh chóng hồi phục.  Từ một đất nước kiệt quệ, hoang tàn, Nga đã vươn lên trở thành một quốc gia tràn đầy năng lượng và sự tự tin.
 
Cùng với việc khôi phục lại nền kinh tế của đất nước, đem lại đời sống dễ chịu hơn cho người dân, Tổng thống Putin còn là người có công lớn nhất trong việc đem lại sự tự tin, niềm tự hào dân tộc cho nước Nga. Từ một nước Nga hoang tàn bị phương Tây “không thèm đếm xỉa”, ông Putin đã đưa nước Nga trở lại chính trường thế giới trong tư thế ngẩng cao đầu. Nước Nga của ông Putin không ngại đối đầu với siêu cường số 1 thế giới là Mỹ và tiếng nói của nước Nga khiến các nước phải lắng nghe.
 
Sự hồi phục mạnh mẽ của nước Nga đã đem đến cho người dân niềm tin vào đất nước, sự tự hào, hãnh diện về đất nước nơi họ đang sống. Thành công vang dội của Thế vận hội Olympics Mùa Đông ở Sochi vừa rồi và đặc biệt là cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay đã thúc đẩy tình yêu nước của người dân Nga lên thêm một bậc mới.
 
Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, người dân Nga đã chứng kiến đất nước họ đầy tự tin khi đối diện với siêu cường Mỹ và phương Tây. Giữa bốn bề sức ép bao vây, với “cơn mưa” những lời đe dọa, cảnh báo của các cường quốc, Tổng thống Putin cùng chính phủ và người dân của mình đã thể hiện một sự kiên quyết, cứng rắn theo con đường họ đã lựa chọn.
 
Sẽ là nói không ngoa khi khẳng định, một phần tình yêu nước của người dân với nước Nga xuất phát từ chính vị Tổng thống tài ba Putin. Không chỉ dẫn dắt nước Nga tiến những bước dài vững chắc từ vực thẳm lên đến một chân trời hoàn toàn mới ngày nay, ông Putin cũng là người tiếp lửa, tiếp tình yêu nước cho người dân Nga.
 
Phần đông người dân xứ sở Bạch Dương không giấu diếm sự ngưỡng mộ dành cho Nhà lãnh đạo Putin. Họ tự hào khi thấy Tổng thống của mình hiên ngang, vững vàng trước thách thức liên tiếp từ phương Tây để khẳng định vị thế, lập trường độc lập của nước Nga.
 
Bài phát biểu “vĩ đại”, “gây chấn động” và mang tính lịch sử hôm 18/3 vừa rồi của Tổng thống Putin chính là “ngọn lửa” đốt lên lòng yêu nước mãnh liệt của người dân Nga. Ở bài phát biểu đó, người ta dễ dàng thấy hiện lên hình ảnh một nước Nga hào hùng, chân thành, trung thủy và đầy lý lẽ. Đối lập với đó là hình ảnh một siêu cường Mỹ và phương Tây luôn “áp dụng tiêu chuẩn kép” sao cho phù hợp với lợi ích của họ, luôn ép các nước khác đi theo đường hướng của họ và sẵn sàng trừng phạt các nước không đi theo sự lựa chọn của họ.
 
Việc phương Tây và Mỹ tung ra các đòn trừng phạt nhằm vào Nga vì vấn đề Crimea được cho là chỉ làm cho tình yêu nước của người Nga tăng lên. Ngay lập tức sau khi Tổng thống Barack Obama thông báo các biện pháp trừng phạt mới, giới doanh nhân Nga đã dán không ít các biển hiệu đầy hài hước nhằm mỉa mai lệnh trừng phạt của Mỹ ở bên ngoài các cửa hàng, cơ sở kinh doanh của họ như cấm Tổng thống Obama đi vào những nơi này. Những biển hiệu hài hước đó đã nhanh chóng được tung lên Internet và người dân tiếp tục “chế” thêm nhiều thông điệp mang tính chế nhạo khác như cấm ông Obama đi vào phòng ký túc xá của sinh viên, vào quán cà phê....


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc